Khoảng 90% sinh viên ngành ngôn ngữ hiếm vừa ra trường có việc làm

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Nhiều sinh viên tiếng Bồ Đào Nha mới năm 3-4 đã có việc làm, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường của các ngành ngôn ngữ hiếm khoảng 90-92%.

Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế "Giảng dạy và nghiên cứu tiếng Bồ Đào Nha, lý luận và thực tiễn", do Trường ĐH Hà Nội tổ chức sáng nay (7/11).

Hội thảo nhằm kết nối các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ, phương pháp giảng dạy ngôn ngữ, giảng dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ, biên-phiên dịch, trao đổi về những vấn đề lý luận và thực tiễn giảng dạy tiếng Bồ Đào Nha ở Việt Nam và trên thế giới.

Tại đây, các chuyên gia cũng bàn về văn hóa và công nghệ trong giảng dạy tiếng Bồ Đào Nha, cơ hội và thách thức đối với giảng dạy tiếng Bồ Đào Nha trong kỷ nguyên số.

Khoảng 90% sinh viên ngành ngôn ngữ hiếm vừa ra trường có việc làm - 1

TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội (Ảnh: M. Hà).

Đặc biệt, hội thảo tập trung thảo luận những nội dung chính như: Lý thuyết -phương pháp luận về ngôn ngữ và giảng dạy ngôn ngữ; Giao tiếp liên văn hóa; Những vấn đề về lý thuyết và thực tiễn giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Bồ Đào Nha trong kỷ nguyên số - áp dụng công nghệ trong giảng dạy tiếng Bồ Đào Nha như một ngoại ngữ/ngôn ngữ thứ hai.

Trả lời phóng viên Dân trí, TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội cho biết, ở Việt Nam, các ngôn ngữ như tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia..., được xem là ngôn ngữ hiếm bởi còn ít đơn vị đào tạo. 

Mặc dù vậy, đây lại là ngôn ngữ được nhiều người dùng trên thế giới. Chẳng hạn hiện có hơn 270 triệu người nói ngôn ngữ Bồ Đào Nha. Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ đứng thứ 6 thế giới nếu xét theo số lượng người sử dụng.

"Những năm gần đây, các ngành ngôn ngữ hiếm thu hút nhiều thí sinh đăng kí. Tỷ lệ thí sinh nhập học cao, chỉ tiêu tuyển sinh ổn định.

Đặc biệt, tỷ lệ việc làm của sinh viên các ngành ngôn ngữ hiếm sau khi ra trường khá tốt với tỷ lệ 90-92%. Nhiều sinh viên tiếng Bồ Đào Nha mới năm 3-4 đã có việc làm", TS Dũng cho biết.

Khoảng 90% sinh viên ngành ngôn ngữ hiếm vừa ra trường có việc làm - 2

Sinh viên tìm hiểu phương thức tuyển sinh của Trường ĐH Hà Nội (Ảnh: Mỹ Hà).

Chia sẻ tại hội thảo, TS Patricia Ribeiro, Giám đốc Viện Bồ Đào Nha Phương Đông, cho hay việc thành lập khoa tiếng Bồ Đào Nha đóng vai trò quan trọng, không chỉ trong học thuật mà còn khẳng định vị thế của một ngôn ngữ toàn cầu.

"Khả năng nói một ngoại ngữ mới luôn gắn liền với việc tiếp thu một nền văn hóa mới.

Những mối quan hệ này tạo ra sự thấu hiểu và đồng cảm - điều rất cần thiết trong "giao thương" mà ở đây không chỉ mang nghĩa trao đổi thương mại, mà còn bao hàm mọi giao dịch, tương tác giữa con người với con người, trong học thuật, tình cảm, được hình thành thông qua việc học một ngôn ngữ.

Theo đó, Viện Bồ Đào Nha Phương Đông đã và đang thúc đẩy sự gắn kết giữa các dân tộc và nền văn hóa đa dạng, thông qua phát triển các công cụ học tập, giúp việc học tiếng Bồ Đào Nha trở nên dễ dàng hơn ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam", TS Patricia Ribeiro cho biết.