Khó tin cả tỉnh không có giáo viên Mĩ thuật THPT

Hoài Nam

(Dân trí) - Toàn tỉnh Bình Thuận chỉ có duy nhất 1 giáo viên Âm nhạc, không có giáo viên Mĩ thuật nào bậc ở THPT.

Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận chia sẻ thông tin trên tại Hội thảo khoa học thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) 2018 tại các trường THPT do Trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức ngày 8/4. 

Khó tin cả tỉnh không có giáo viên Mĩ thuật THPT - 1

Hội thảo thu hút nhiều nhà quản lý giáo dục trong cả nước tham gia (Ảnh: H.N).

Triển khai CTGDPT 2018 lớp 10 được hơn nửa học kỳ, ông Thái khẳng định khó khăn nhất là về đội ngũ giáo viên.

Tại Bình Thuận, tất cả có 26 trường THPT công lập nhưng không có giáo viên Mĩ thuật nào và chỉ có duy nhất 1 giáo viên Âm nhạc tại Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo. Vậy nên, các môn học này đều chưa được triển khai.

Ông Thái cũng cho rằng, đội ngũ giáo viên chưa đồng đều về cơ cấu bộ môn. Giáo viên được phân công dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương là giáo viên kiêm nhiệm, không được đào tạo bài bản nên rất khó khăn. 

Bên cạnh đó, đổi mới dạy học, đặc biệt cách tổ chức lớp học để phát huy năng lực phẩm chất của học sinh là thách thức với nhiều giáo viên, nhất là những giáo viên đã lớn tuổi.

Người này cũng bày tỏ băn khoăn khi giáo viên vẫn giữ "lề lối" cũ trong dạy học và đánh giá học sinh. Tâm lý của nhiều giáo viên là môn nào cũng bắt học sinh phải giỏi, trong khi mỗi em có thế mạnh nhất định, mấy ai có thể "chấp hết" tất cả các môn học.

Cùng trải nghiệm khó khăn này khi thực hiện CTGDPT, bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM cho biết, dù trường được phân cấp tuyển dụng nhưng e rằng khó để tuyển nổi giáo viên các môn Âm nhạc và Mĩ thuật cho những năm tiếp theo. Lý do vì thiếu nguồn tuyển giáo viên ở 2 bộ môn này. Tuy nhiên, trường lại thừa giáo viên môn Nghề cho năm học sau khi chương trình mới không có môn học này. 

Tham luận của bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, TPHCM mang đến thông tin từ việc khảo sát hơn 1.500 học sinh và 350 giáo viên lớp 10 sau gần một năm thực hiện CTGDPT 2018. 

Theo bà, CTGDPT 2018 có nhiều thuận lợi khi cho phép học sinh lớp 10 được lựa chọn những môn học tự chọn cùng 8 môn bắt buộc. Khảo sát của bà Tâm cho thấy 72% học sinh đánh giá cao tính chủ động của chương trình, 88% giáo viên tán thành chương trình mới. Bên cạnh đó, chương trình mới cũng trao quyền cho các nhà quản lý được chủ động trong xây dựng chương trình nhà trường. 

Tuy nhiên, khảo sát của nữ Hiệu trưởng cũng cho thấy hàng loạt khó khăn của chương trình mới. Học sinh khó khăn trong tiếp thu kiến thức khi có đến 55% học sinh cho rằng việc hiểu bài còn hạn chế; quá trình đổi mới dạy và học chưa tương thích với quá trình kiểm tra đánh giá; điều kiện về nhân lực, vật lực chưa đáp ứng được nhu cầu học tập các môn thể thao, nghệ thuật của học sinh. 

Đặc biệt, bà Tâm lưu ý, với chương trình mới, 63% học sinh bị áp lực, quá tải với các dự án, làm việc nhóm và cá nhân.

Khó tin cả tỉnh không có giáo viên Mĩ thuật THPT - 2

Các nhà quản lý giáo dục chia sẻ, trao đổi quanh vấn đề chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: N.Q).

Về phía thầy cô, khảo sát của vị Hiệu trưởng cho thấy 60% giáo viên cho rằng chỉ gặp một vài khó khăn, khoảng 35% giáo viên gặp nhiều và rất nhiều trở ngại trước chương trình mới. 

Cụ thể hơn, có 53% giáo viên gặp trở ngại trong quá trình giảng dạy, 43,6% cho rằng họ gặp rào cản khi sách giáo khoa mới chưa đáp ứng đủ hoặc quá nặng về kiến thức và vận dụng.

Theo bà Tâm, "một số giáo viên vẫn xem sách giáo khoa là pháp lệnh và lệ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa". 

Thông tin từ Trường ĐH Sư phạm TPHCM, sắp tới trường sẽ tổ chức biên soạn cẩm nang kỹ năng tự học cho học sinh phổ thông, đồng thời, xây dựng hệ thống học liệu dùng chung. Từ đó hướng đến việc các trường phổ thông trong từng cụm chuyên môn có thể sử dụng chung phòng thí nghiệm  thiết bị để dạy học. Cả giáo viên cũng có thể "dùng chung", học sinh được quyền "chạy sô" trong cơ sở giáo dục tự chọn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm