Khó thành đạt nếu chọn nghề không phù hợp với năng lực bản thân
(Dân trí) - Đến thời điểm này, quy định nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT 2016 đã đi được 1/3 thời gian nhưng nhiều thí sinh vẫn đang loay hoay chưa biết chọn ngành học nào cho phù hợp với năng lực bản thân, phù hợp sở thích vì “đứng núi này trông núi nọ”.
Giải đáp băn khoăn của thí sinh, PGS.TS Trần Thu Hương - Phó Chủ nhiệm Khoa Tâm lý học trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐH QGHN cho rằng, lỗi mà các bạn trẻ hay mắc phải khi chọn nghề đó là chỉ chọn theo ý thích mà không quan tâm xem năng lực của mình có phù hợp với ngành đó không hoặc chọn những ngành theo phong trào mà không quan tâm tới đầu ra của ngành học; chọn nghề theo sự áp đặt của gia đình...
Tựu chung lại, lỗi lớn nhất mà các bạn hay mắc phải khi chọn nghề là chưa có đánh giá chính xác về năng lực bản thân xem có phù hợp với tính chất, đặc điểm của nghề nghiệp đó hay không.
Vậy, việc chọn nghề không phù hợp với năng lực và sở thích của bản thân sẽ gây ra những hệ luỵ như thế nào?
PGS.TS Trần Thu Hương chia sẻ quan điểm: khi không đam mê nghề mình đã chọn, lại không có năng lực đáp ứng ngành nghề ấy mà vẫn cố thi vào thì khi học, các bạn dễ càm thấy chán nản, giảm hứng thú, không dốc hết sức để học tập.
Khi ra trường làm việc, các bạn cũng không có đam mê theo đuổi công việc, không có nỗ lực để vươn lên trong công việc ấy, do vậy khó để thành đạt. Chưa kể nếu các cá nhân đều không yêu thích công việc, không có đam mê nỗ lực để vương tới đỉnh cao trong công việc thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến năng suất lao động, đến sự phát triển của xã hội.
PGS.TS Trần Thu Hương cũng khuyên các bạn trẻ cần chú ý tới 4 yếu tố sau khi chọn nghề:
Thứ nhất, phải căn cứ vào sở thích và đam mê của cá nhân.
Thứ hai, phải thu thập thông tin đầy đủ, chính xác về ngành, nghề, trường mà mình lựa chọn.
Thứ ba, cần trao đổi với những người xung quanh, đặc biệt là người thân trong gia đình để có thêm thông tin và có sự đồng thuận.
Thứ tư, phải nắm được nhu cầu xã hội về ngành nghề đó, vị trí của ngành nghề này, các xu hướng phát triển… Trên cơ sở đó, các bạn mới đưa ra quyết định hợp lý.
Hồng Hạnh (ghi)
(nguồn ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn – ĐH QGHN)