“Kho báu” của cụ giáo làng tuổi 80

(Dân trí) - Ở cái tuổi gần đất xa trời, những bước đi không còn vững, đôi mắt dường như không còn thấy rõ nhưng khi nói về những cuốn sách thì ông bảo đó là trí thức, là kỷ vật, báu vật, là khó báu… trong cuộc sống này rất nhiều người đang cần.

Người chúng tôi muốn nói tới là cụ giáo làng Lâm Văn Khoa ở xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Với ông, mỗi cuốn sách là một kỷ niệm, là một báu vật trong “kho báu” tri thức mà ông góp nhặt được. Ông sưu tầm sách không chỉ vì thú vui, niềm đam mê của bản thân mà ao ước của ông là lập được thư viện làng, đưa “kho báu” tri thức đến với người dân xóm nghèo ở xã Thanh Dương.

Sinh năm 1925 trong một gia đình Nho học, từ nhỏ cậu bé Lâm Văn Khoa đã được cha mẹ cho ăn học đến nơi, đến chốn. Học xong phổ thông, cậu được gửi xuống Vinh theo học Trung cấp sư phạm. Sau 2 năm, Lâm Văn Khoa trở thành anh giáo làng, ngày dạy bổ túc văn hóa, tối dạy bình dân học vụ, làm công tác tuyên huấn ở thôn, ở xã.
 
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, từ nhỏ, thầy Khoa đã có cơ hội làm bạn với sách, lớn lên làm nghề “gõ đầu trẻ”, được tiếp xúc hàng ngày với sách nên niềm đam mê đọc và sưu tầm sách sớm hình thành.
 
Cụ giáo làng Lâm Văn Khoa bên những chồng sách cổ.
Cụ giáo làng Lâm Văn Khoa bên những chồng sách "cổ".
 
Những chuyến công tác, những lần xuống Vinh, lên tận Hòa Bình (huyện Tương Dương, Nghệ An) dạy bình dân học vụ, những cuốn sách quý lưu lạc trong nhân dân được ông xin về, nâng niu cất giữ như một báu vật. Những đồng lương ít ỏi thời bao cấp ông “chia nhỏ” ra, phần để mua khoai, gạo nuôi con, phần để mua sách, báo. “Bắt đầu từ năm 1957, tôi bắt đầu đặt mua báo và các loại tạp chí. Nghề dạy học, không đọc nhiều, không cóp nhặt tri thức qua sách báo, khó mà dạy cho hay, cho tốt...”. Số lượng sách của ông Khoa cứ thế tăng dần lên với đủ các loại sách ở mọi lĩnh vực. Thời chiến tranh loạn lạc, bom đạn cày xới, sơ tán nhiều nơi, song số sách báo vẫn được ông bảo quản nguyên vẹn.
 
“Đi sơ tán, người ta lo chuyện mang con cái, lợn gà, của cải đi theo, chứ ông ấy chỉ lo chuyện gồng gánh sách vở. Bao tải, ba lô nào cũng ních đầy sách. Số không mang nổi thì đóng gói kỹ càng, đào hầm cho sách “trú ẩn”. Hết chiến tranh, đến lũ lụt. Lụt năm 1978, nước ngập băng trong nhà, ngoài bãi, nhà nhà kê cao chạn để đem thóc, lúa lên cùng. Còn ông ấy chỉ lo chạy lụt cho sách... Nhưng sách nhiều quá, chạy không nổi, một số lượng lớn ngấm nước, lũ rút, sách bị mối ăn, nhìn những cuốn sách mối cắn rách nát, ông khóc tu tu như trẻ con bị đòn oan” - bà Nguyễn Thị Chương, vợ ông Khoa kể lại.
 
Đến năm 1990, khi đã nghỉ hưu, ông bắt đầu phác thảo cho mình kế hoạch dài hơi hướng đến việc xây dựng một thư viện làng. Việc đầu tiên là ông đi xin sách. "Phải đi xin sách, chứ tiền đâu mà đi mua được đầy đủ các loại, nhất là nhiều cuốn, có tiền cũng khó lòng mua nổi. Suy đi tính lại, tôi chọn giải pháp tốt nhất là đi những thư viện lớn, đến các gia đình giàu có, hay đến các cơ quan trong tỉnh để xin", ông Khoa kể. Với chiếc xe đạp Mi-pha, ông đạp xe khắp hết làng trên, xóm dưới, trong xã, trong tỉnh, rồi bắt xe khách ra Hà Nội, đến các thư viện xin sách.

Cảm phục tấm lòng và việc làm cao cả của ông giáo già, những người bạn, những người đồng hương đã ủng hộ nhiệt tình. Có nhiều người ủng hộ hàng ngàn cuốn sách như: ông Nguyễn Hữu Chất, cán bộ cấp cao hiện đã nghỉ hưu ở Hà Nội tặng 3.000 cuốn; chuyên gia Nguyễn Lân Hùng tặng 100 cuốn về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; thư viện tỉnh tặng 150 cuốn... Những nơi ở xa, không có điều kiện để đi, ông Khoa viết thư ngỏ, trình bày ý định của mình và xin sách.

Học trò cũ biết chuyện, cũng tình nguyện góp sách báo thuê xe chở về tận nhà tặng thầy. Nhờ đó, đến nay, tủ sách của ông đã lên đến con số hàng vạn cuốn. Sách thiếu nhi, sách văn học, sách khuyến nông, sách y học... đủ cả. Hàng ngày, ông vẫn có thói quen theo dõi chuyên mục “Mỗi ngày một cuốn sách” trên VTV1, giới thiệu sách mới, sách hay, ông gọi điện nhờ con dâu (hiện là Tiến sỹ, giảng viên giảng dạy ở Học viện Chính trị Hồ Chí Minh ở Hà Nội) mua hộ.

Các con ông đều thành đạt, biết tính cha ham sách nên đến ngày lễ Tết, quà tặng cha là những cuốn sách. Nghe tin ở đâu có sách quý, sách hay mà trong kho chưa có, ông thuê xe lai tìm đến tận nơi, nếu có nhiều bản thì mua, không thì mượn phô-tô đưa về “làm giàu” thêm cho kho sách. Căn nhà cấp bốn ba gian tràn ngập sách. Sách ở trên quầy, trên tủ, trong ba lô, va-li, trong bao tải, trên kệ tủ và chiếm cả chỗ ngủ của ông. Những cuốn sách, số báo qua thời gian đã cũ kỹ, phai màu nhưng vẫn được ông xếp ngăn nắp, bày biện cẩn thận. Đặc biệt nhất và đáng quý nhất trong bộ sưu tập của ông là những cuốn sách, tư liệu, tranh ảnh, mẩu chuyện về Bác Hồ.

Có sách, ông tìm cách phát huy tác dụng của “kho báu tri thức” này, ông mời người cao tuổi trong làng, trong xã đến nhà uống nước chè xanh, đọc sách báo cho họ nghe, tạo cho họ niềm hứng thú với sách. Đối với các em nhỏ, ông tìm đọc truyện thiếu nhi, những tác phẩm văn học nổi tiếng rồi nhân ngày lễ, ngày Tết kể lại cho chúng nghe. Truyện hay, lối kể hấp dẫn thu hút trí tò mò của học sinh, chúng hỏi “sao ông có nhiều chuyện hay thế”, ông nói “là ở trong kho sách nhà ông cả thôi”.

Vậy là, học sinh trong làng tìm đến kho sách của ông ngày một đông. Để sách đến với những lão nông, ông cố gắng đọc, thu thập kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, trồng thử nghiệm các loại giống trong vườn rồi đem tặng bà con.

Được cấp giống tốt, được ông bày cách trồng, chăm sóc, cho mượn sách hướng dẫn kỹ thuật nên rất nhiều người tin tưởng. Dần dần, bà con trong làng, trong xã biết đến những cuốn sách quý của ông Khoa, họ tìm đến nhà đọc, mượn sách về nhà nghiên cứu. Đối với những cụ già yếu, ở xa không tiện đi lại, ngày ngày ông lóc cóc đạp xe đi khắp làng, xã giao sách cho từng người mượn. Những cuốn sách như liều thuốc quý, động viên tinh thần cho người già, giúp họ sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Đến bây giờ, hình ảnh một ông già, chân đi tập tễnh ngồi chênh vênh trên chiếc xe đạp cũ kỹ đi khắp làng trên xóm dưới giao, nhận sách báo; đi xin sách, đi nói chuyện, kẻ chuyện theo sách đã trở nên quen thuộc với người dân vùng Thanh Chương. Ông Khoa kể, để có được “kho báu” với hàng vạn cuốn sách như hiện nay không phải là điều đơn giản. Đó là công sức, mồ hôi, nước mắt... mà ông phải vượt qua. Có người gọi ông là "gàn" khi việc mình không lo, toàn lo việc đâu đâu.
 
Ông giáo già Lâm Văn Khoa và “kho báu tri thức” của mình.
Ông giáo già Lâm Văn Khoa và “kho báu tri thức” của mình.

Đã già yếu nhưng giấc mơ về thư viện làng, mong muốn cho người dân trong xóm, trong xã tiếp cận với “kho báu tri thức” chưa bao giờ cạn. Hơn 20 năm nay, tiền lương hưu mỗi tháng chưa đầy hai triệu đồng, ông trích một phần mua sách, mua báo; phần nữa mua kệ, tủ, giá sách và dành hẳn một khoản tiết kiệm để xây dựng kho sách, mở một thư viện làng.

Đất hương hỏa cha ông để lại khá rộng rãi, vị thế đẹp, bám sát quốc lộ 46, nhiều người hỏi mua, nhưng ông Khoa nhất định không bán, bởi ông đã có dự tính riêng là dành đất xây thư viện với phòng kho, phòng đọc, khu trưng bày tư liệu. Dự kiến vào 19/5/2013, thư viện tại gia của ông sẽ khai trương. Hiện ông Khoa đang liên hệ với thư viện tỉnh, cùng một vài người bạn xuống đó học cách sắp xếp sách theo thư mục, cách quản lý sách có hiệu quả để phục vụ người dân quê ông.

“Điều tôi trăn trở nhất là văn hóa đọc của lớp trẻ đang bị mai một. Nếu không tìm cách để kéo các cháu vào việc đọc sách, tìm cách để các cháu tiếp cận với những kiến thức trong sách, tính nhân văn của các tác phẩm văn học thì sẽ rất khó trong việc hoàn thiện nhân cách cho các cháu. Hi vọng rằng, thư viện tại gia của tôi ra đời, sẽ góp phần nhỏ bé để tiếp lửa cho học sinh”, ông chia sẻ.

Phúc Duy