Khi quà 8/3 cho cô được quy thành… phong thư

(Dân trí) - Ngày lễ 8/3, nhiều phụ huynh có con nhỏ lại rầm rộ chuyện tặng quà cho cô giáo. Lăn tăn quà tặng nào cho hợp lý, không ít người quy quà về… phong bao tặng cô cho nhanh, gọn, thiết thực.

Phong bao là… thiết thực?

Trên một số diễn đàn dành cho các ông bố bà mẹ, chủ đề quà tặng 8/3 cho cô giáo được đăng đàn với rất nhiều ý kiến của phụ huynh (PH). Số ít PH thắc mắc nên tặng quà gì cho cô giáo thì số đông PH đều tư vấn “đi phong bì cho tiện, thiết thực” như kèm phong bao vào hoa hay vào thiệp chúc mừng. Thậm chí, có PH kêu ca không “chi” hàng tháng nên bây giờ đi một thể rất tốn kém.

Chị Châu, có con học lớp lá tại một trường mầm non tư thục ở Q. Gò Vấp, TPHCM cho hay, vào dịp lễ chị đều đi phong bì cho GV thay vì mua quà tặng, thường mỗi cô 200 - 300.000 đồng. “Tôi nghĩ phong bì là thiết thực nhất, các cô có thể sử dụng theo ý mình. Chứ bây giờ mua hoa, quà vào ngày này cũng tiền trăm, tặng các cô không dùng thì uổng”, chị Châu nói.

Khi quà 8/3 cho cô được quy thành… phong thư
Với các GV tâm huyết, tình cảm kính trọng của học trò là món quà lớn nhất.

Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều PH, họ cho rằng đi phong bì GV được xem là món quà có độ “an toàn” và cũng “hiệu quả” nhất. Tuy nhiên, có PH lại rơi vào “thế bí”, đành đi thầy cô món quà mà họ cũng thấy là quá thực tế.

Có người không biết chọn món quà gì cho phù hợp; có người muốn tặng quà nhưng thấy các PH khác đều đi phong thư thì thấy không an tâm, sợ con mình… thiệt thòi nên đành quy ra tiền cho vững.

Nhưng không hẳn PH nào đi phong bì cho GV trong dịp lễ cũng đều mang theo những “toan tính” như vậy. Có những ông bố bà mẹ đến với giáo viên bằng tấm lòng, sự chia sẻ với khó khăn với các cô cũng như là lời cảm ơn của mình dành cho GV.

Chị Thảo, có con học tại trường mầm non ở Q. Tân Bình cho hay chị thật lòng quý 2 GV trẻ ở lớp cu Bi vì cảm nhận được sự tình cảm, sự tận tâm với trẻ của các cô. Đặc biệt, chị biết hoàn cảnh của các cô rất khó khăn, một cô còn đang ý định nghỉ việc thì thu nhập quá thấp mà đi làm lại xa. Ngày lễ này chị cũng tính sẽ đi phong thư để chia sẻ phần nào khó khăn với các cô.

“Mọi người nghĩ đi phong thư là xấu nhưng quả thật không phải ai đi tiền cũng với mục đích này nọ. Nhà tôi có điều kiện, tôi muốn chia sẻ một chút khó khăn với người dạy dỗ, chăm lo con mình tại sao không được?”, chị Thảo nói. Tuy nhiên chị cũng lo GV từ chối vì lâu nay chị thường tặng hoa hoặc những món quà nhỏ mà các cô vẫn rất vui vẻ.

Nỗi lòng giáo viên

Nhắc đến quà tặng cho GV ngày 8/3, không ít GV ngại ngần. Họ ngại vì hiện nay, đúng là hầu hết PH khi đi quà cáp cho cô cũng quy thành tiền cho gọn, những món quà chỉ còn mang tính tượng trưng. Với không ít GV, nhất là GV mầm non áp lực công việc mà thu nhập thấp thì có thể nói “quà tặng” của PH san sẻ phần nào khó khăn cho họ. Thế nhưng, đằng sau những món quà, người GV mang không ít nỗi niềm.

Một GV mầm non ở Q.10 bày tỏ, món quà cô thích nhất vẫn là những bó hoa vì nó rất thiêng liêng, chứa đựng sự trân trọng của PH, học trò dành cho người thầy. Chứ không phải như suy nghĩ của PH, các cô đều thích “quy ra thóc”. Thế nhưng, theo cô, món quà ý nghĩa này dường như đang trở nên xa xỉ với nghề giáo, ngày càng vắng bóng trong các dịp lễ. PH cũng muốn tặng thầy cô những món quà thiết thiệt thực khi thông cảm với thu nhập của GV. 

"GV ngày lễ mà không nhận được bó hoa nào, tôi nghĩ có bao nhiêu quà cáp đi nữa cũng khó mà vui nổi. Không phải buồn PH mà có thể buồn cho cái nghề của mình”, cô chân thành.

Bà Trần Thị Bích Hồng, hiệu trưởng Trường mầm non Mai Anh (Q.3) cho hay, đầu năm học GV trường mình đều viết cam kết không nhận bồi dưỡng từ PH. Quy định này cũng nhằm nhắc nhở PH không tiếp tay làm GV phạm luật.

Bà Hồng cho rằng, nhiều PH nghĩ mình gửi tiền bồi dưỡng thì con mình phải được quan tâm hơn. Khi điều này không được đáp ứng thì họ bức xúc, thậm chí lên trường phản ánh. Việc cấm GV nhận tiền bồi dưỡng từ PH vừa bảo vệ GV mà đồng thời cũng bảo vệ PH. Trừ những ngày lễ, PH có thể thể hiện sự quan tâm đến GV.

“GV có trách nhiệm chăm sóc các trẻ như nhau, chỉ là quan tâm hơn với những trẻ đau ốm, suy dinh dưỡng… Chứ đừng nghĩ rằng, mình bồi dưỡng cho co thì cô phải ưu tiên con mình, điều đó sẽ làm mất đi giá trị tình cảm của những người cùng có nhiệm vụ giáo dục trẻ ”, bà Hồng nhấn mạnh.
 

“Nhiều phụ huynh tặng quà cho cô giáo vô tư khoe trước mặt con như một “chiến tích” mà quên cho con thấy đó là sự kính trọng với thầy cô. Tôi nghĩ rất không nên vì điều này sẽ tạo một thái độ không tốt ở các em. Có em sẽ tự cho rằng mình được quyền thế này thế nọ vì cô đã nhận quà của bố mẹ mình. Như vậy sẽ làm mai một sự kính trọng người thầy trong con mình. Đó là một thiệt thòi cho trẻ”. - chị Trần Thị Hậu, một phụ huynh HS

“Không ít phụ huynh khi tặng quà cho GV luôn kèm suy nghĩ, con mình phải được ưu ái này nọ, như là một sự “mua chuộc”. Nhiều người quên đi ý nghĩ truyền thống tôn sư trọng đạo nên việc tặng quà với họ trở nên nặng nề. Còn GV, ai đã thực sự yêu nghề đều muốn nhận được những món quà xuất phát từ tấm lòng”. - bà Phan Thúy Trang, hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, Q. Gò Vấp, TPHCM

“Tặng quà cũng là một cách thể hiện tình cảm. Giá trị vật chất đâu đáng là bao mà GV đôi khi phải gánh nhiều điều tiếng. Người tặng quà và nhận quà đều rất đáng trân trọng nếu điều này xuất phát từ sự chân thành của phụ huynh và GV cũng không vì thế mà đối xử không công bằng với các học trò khác”. - bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó trưởng phòng GD - ĐT Q.5, TPHCM

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm