Khi giáo viên “trốn” Tết quê nhà

(Dân trí) - Không ít giáo viên ở tỉnh làm việc tại TPHCM không có điều kiện để về quê ăn Tết. Họ ở lại thành phố ăn Tết thì tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ với rất nhiều nỗi niềm.

Nhiều năm không về quê dịp Tết

Cũng như nhiều người làm những công việc khác, không ít giáo viên làm việc ở quận 10 (TPHCM) không có điều kiện về quê dịp Tết. Chi phí đi lại, quà cáp dịp Tết... đối với những người quê ở xa luôn là một gánh nặng không nhỏ khi nguồn thu nhập không cao. Có những giáo viên, nhiều năm liền "trốn" Tết quê, ở lại thành phố do không đủ chi phí hay ở lại để tiết kiệm thêm được một khoản dành cho những việc khác.

Cả hai vợ chồng đều quê ở Nam Định, cùng dạy học ở TPHCM, nhiều năm nay gia đình cô Nguyễn Thị Thúy không về quê ăn Tết, chỉ về vào ngày thường hoặc lúc nhà có giỗ chạp. Cô Thúy kể, cả năm vừa rồi, vợ chồng cô không về, tính toán để dành Tết nhưng họ lại lỡ hẹn vì chi phí đi lại quá đắt đỏ. Gia đình 4 người, nếu tiền vé máy bay đã hết gần 30 triệu đồng, nếu đi tàu, ô tô thì thấp hơn chút đỉnh nhưng vẫn là một khoản rất lớn, vượt quá khả năng của gia đình. Chưa kể, nếu về quê sẽ còn phát sinh thêm rất nhiều khoản khác.

Cô Thúy cho biết, thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng gom góp đủ lo con ăn học, sinh hoạt cơ bản. Cuối năm nay, bên trường chồng cô, tiền Tết được hơn 10 triệu đồng, còn cô chỉ được chưa đến 4 triệu, trong khi chi phí về quê rất cao.

"Thay vì bỏ tiền đi lại quá tốn kém, chúng tôi gửi tiền biếu ông bà hai bên nội ngoại, cả nhà ở lại Sài Gòn đón Tết. Thoải mái và nhẹ nhàng hơn, tuy cũng buồn vì tính đến nay là đã ba năm liền gia đình tôi không về quê đón Tết rồi", cô Thúy bộc bạch.


Nhiều giáo viên ở tỉnh, dạy học ở TPHCM không có điều kiện để về quê đón Tết (Ảnh minh họa)

Nhiều giáo viên ở tỉnh, dạy học ở TPHCM không có điều kiện để về quê đón Tết (Ảnh minh họa)

Làm giáo viên mầm non, lương 3,2 triệu đồng/tháng nên cô Trần Lan Thanh, dạy học tại Thủ Đức chỉ có thể về quê đón Tết cách năm. Năm trước đã về nên năm cô Thanh ở lại đón Tết với người bạn cùng phòng làm việc ở một công ty sách. Cô Thanh bộc bạch, nhà xa nên mỗi lần về quê là cả một vấn đề, nhất là dịp tết, tiền vé đi lại vô cùng đắt đỏ.

Còn trẻ, chưa có gia đình nên cô Thanh cũng rất muốn về quê đón Tết cùng người thân, gặp lại bạn bè nhưng quả thật nếu về thì cô sẽ phải vay mượn thêm khi rất nhiều khoản cần đến tiền. Trong khi với đồng lương eo hẹp, tiền nhà trọ, xăng xe, điện thoại, ăn uống hàng tháng cô chỉ lo cho bản thân đã là chuyện không hề dễ dàng.

Cô Thanh nói thêm, ở trường cô cũng có rất nhiều giáo viên quê xa không thể về Tết. Không nói ra thì ai cũng đều hiểu việc về quê tốn kém, ở lại để tiết kiệm. Tuy nhiên, cô Thanh cũng nói thêm, không chỉ giáo viên mà quanh khu trọ cô ở, người quen công tác trong nhiều ngành nghề khác đều không đủ điều kiện để về quê đón Tết.

"Ôm" nợ vì về quê

Năm ngoái về quê, cô Trần Lan Thanh phải vay mượn của chị gái gần 10 triệu đồng để có tiền đi lại, quà cáp. Cô và bản thân gia đình không khỏi buồn lòng khi ai cũng mong con gái đi làm ở xa khấm khá hơn, đời nào lại phải... gọi về quê vay tiền để về Tết. Sợ con tốn kém, gia đình cô dặn là các năm sau con về được thì về, không thì ở lại, về dịp khác trong năm. Bản thân cô Thanh nếu về Tết thì ra năm lại phải tiết kiệm để gom góp trả nợ.

Cũng nhiều năm liền không về quê dịp Tết nhưng năm nay, cô Nguyễn Thị Huyền, dạy văn ở Gò Vấp, phải thu xếp về quê ở Thanh Hóa. Giữa năm vừa rồi, do không xoay sở được việc trông con, cô đành gửi cậu con trai nhỏ về cho bà ngoại chăm sóc. Nay Tết cô phải về để ra năm đón con và bà ngoại vào.

Để về Tết, cô xoay sở đặt vé từ sớm, chiều ra cô đi ô tô nhưng khi vào có bà lớn tuổi và bé nhỏ, phải đặt vé máy bay, rất tốn kém. Cô cũng phải vay mượn thêm đồng nghiệp để có tiền đi lại, mua sắm dịp Tết. Tết xong là cô thành... con nợ.

"Ai đi làm xa nhà, đồng lương không cao sẽ hiểu mỗi lần về quê, nhất là ngày Tết khó khăn đến mức nào. Nên chuyện giáo viên ở các tỉnh xa, ở lại ăn Tết tại thành phố là rất bình thường", cô Huyền nói.

Trưởng phòng Giáo dục một quận vùng ven ở TPHCM cho biết, lương giáo viên trẻ mới ra trường chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng. Trong khi giáo viên ở tỉnh phải chi phí rất nhiều như tiền phòng trọ, tiền ăn uống, đi lại... Việc giáo viên tỉnh không thể về quê dịp Tết không phải là điều xa lạ.

Ông nói thêm, nhiều giáo viên trẻ khi chưa có việc làm thì họ tạm thời tìm cách bám trụ ở thành phố. Nhưng đời sống khó khăn, thiếu thốn nên nhiều người chờ xin được công việc khác, hay xin được ở quê họ sẽ lập tức chuyển việc. Vì thế đội ngũ giáo viên trẻ như ở bậc mầm non, tiểu học xáo động rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và cả quản lý.

Theo ông, TPHCM đang áp dụng chính sách bỏ hộ khẩu trong tuyển dụng để có thêm nhiều ứng viên, nhiều cơ hội để tìm được người giỏi vào viên chức. Tuy nhiên, đối với ngành giáo dục, có thể tuyển được ứng viên giỏi nhưng việc giữ chân người giỏi lại rất khó vì lương quá thấp.

Ông chia sẻ: Sống xa nhà trong điều kiện khó khăn, Tết nhất còn không thể về thăm quê vì chi phí thì rất khó để họ bám trụ với nghề, bám trụ ở thành phố.

Năm nào cũng vậy, trong hoạt động chăm lo Tết, ở TPHCM đều có chương trình "Tấm vé tình nghĩa" hỗ trợ vé xe cho nhà giáo, người lao động ngoài thành phố có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm liền chưa có điều kiện về quê. Ngoài ra, còn tổ chức chương trình “Tết sum vầy” để họp mặt với đội ngũ không về quê dịp Tết để chia sẻ, động viên phần nào đối với giáo viên xa quê.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm