Khát vọng đổi đời của những “người trời”… tay trắng

Trong vòng 3 năm qua, số lượng DHS Việt Nam đặt chân đến Nhật Bản đã tăng lên 8 lần. Chỉ đứng sau Nepal, du học sinh Việt Nam là nguồn nuôi sống hệ thống trường Nhật ngữ, đồng thời bổ sung nguồn cung lao động giá rẻ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật.

Nhưng nhiều du học sinh tự túc đã liều lĩnh đặt chân đến Nhật Bản, với một con số “0” tròn trĩnh về kỹ năng sống và văn hóa bản địa.

 

Hành trang của họ chỉ lấp đầy những kinh nghiệm kiếm tiền, những “thủ thuật” làm sao có thể có lợi nhất cho bản thân, bất chấp đạo đức, pháp luật, đặc thù văn hóa địa phương… và những hệ lụy cũng bắt đầu phát sinh từ đó…

 

1. Thành phố Melbourne, một chiều rét mướt. A., một cô gái Nhật đến từ Miyazaki hôm nay tụ tập bạn bè tại Úc để chia tay, trở về quê nhà. Cô gái dịu dàng và chăm chỉ đến từ miền Nam nước Nhật, lăn lộn trên đất Úc, với đủ thứ nghề, nay đành phải trở về, vì cảm thấy đây không phải là miền đất hứa.

 

Buổi chia tay không mấy vui vẻ ấy, với những câu chuyện không đầu không cuối, trong một không khí đầy tâm trạng, lại hé mở cho PV Chuyên đề ANTG, những câu chuyện thực sự về một "thiên đường" đối với rất nhiều người Việt: đất nước Nhật Bản.

 

Đối với chính những công dân Nhật, kiếm một việc làm tốt ở quê nhà, không phải là điều dễ dàng. Những cư dân ở tỉnh lẻ, không tốt nghiệp đại học như A., nếu ở lại quê nhà làm việc, cũng chỉ kiếm được một công việc nhàng nhàng, đủ chi tiêu cho một mức sống đắt đỏ.

 

Khát vọng đổi đời của những “người trời”… tay trắng
Hành vi sai trái của một bộ phận du học sinh trong hiện tại sẽ gây nên tổn thương lớn cho cả cộng đồng Việt tại Nhật trong tương lai.

 

Nếu bỏ quê để lên các thành phố lớn, A. cũng chỉ có thể tìm được những công việc chân tay ở những khu vực ngoại vi các thành phố. Chính vì vậy, nhiều thanh niên Nhật Bản đã tìm cách sang Úc, New Zealand… để tìm việc làm.

 

Sang đến đất Úc, họ cũng phải làm đủ thứ lao động chân tay khác, từ hớt tóc, trang điểm cho tới phục vụ trong các nhà hàng Nhật. Đi khắp đất Úc, chúng tôi đã chứng kiến lượng thanh niên Nhật đổ sang Úc kiếm việc làm khá đông, từ những thành phố lớn cho tới các khu du lịch nổi tiếng.

 

Tại thành phố du lịch Cairns, thuộc tiểu bang Queensland, thậm chí còn hình thành những khu phố Nhật Bản. Người Nhật ở đây hiện diện đông đảo, từ những cửa hàng cửa hiệu, cho tới tận ngoài đảo san hô khu vực Great Barrier Reef, với tư cách những chuyên gia hướng dẫn lặn biển (scuba diving).

 

Và những chỗ trống thiếu hụt lao động chân tay tại Nhật Bản, được để mở cho lực lượng lao động nước ngoài đông đảo, đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Brazil, Phillipines… tràn vào, và hiện nay là 2 ngôi sao mới nổi: Việt Nam và Nepal.

 

2. Theo con số thống kê mới nhất của Tổ chức Thương mại Hải ngoại Nhật Bản (JETRO), trong vòng 3 năm qua, số lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật đã tăng lên 8 lần.

 

Năm 2015, dự tính số lượng du học sinh Trung Quốc sẽ giảm sút, do sự ảnh hưởng bởi các mâu thuẫn trong mối quan hệ Nhật-Trung. Nước có số lượng du học sinh tăng mạnh là Việt Nam và Nepal, tăng gấp 5 lần. Lượng du học sinh Việt Nam hiện đang đứng thứ 2. Trong số 170.000 người đang theo học tại các trường đại học và trường Nhật ngữ, cơ cấu du học sinh hiện đang có nhiều thay đổi, chủ yếu là các du học sinh đến từ Việt Nam và Nepal.

 

Trong một buổi trả lời phỏng vấn trên truyền hình Nhật Bản, ông Okubo Fumihiro, chuyên gia của JETRO, hiện đang phụ trách nghiên cứu thị trường Việt Nam và Thái Lan nhận định: Hình ảnh "Nhật Bản khả ái" đã thâm nhập vào Việt Nam thông qua truyện tranh, phim hoạt hình, khởi nguồn cho việc muốn học tiếng Nhật. Từ tháng 9/2007, tiếng Nhật đã chính thức được đưa vào giảng dạy như một môn học tại một số trường trung học của Việt Nam.

 

Tháng 6/2010, Bộ Kinh tế Nhật Bản đã tuyên bố chiến lược xây dựng "Phòng văn hóa Nhật Bản Cool Japan" (Cool - khả ái, đáng yêu, dễ thương), nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Nhật Bản, bao gồm các lĩnh vực như truyện tranh Manga, phim hoạt hình Anime, thời trang và văn hoá ẩm thực Kawaii… ra nước ngoài).

 

Nhưng những người thụ hưởng văn hóa "khả ái" của Nhật Bản, thông thạo Nhật ngữ từ nhỏ, có đủ năng lực để kiếm học bổng, hoặc có đầy đủ điều kiện kinh tế để học tập tại Nhật Bản… không phải là số đông.

 

Lực lượng du học sinh tự túc, xuất thân từ các vùng nông thôn, nghe những lời đường mật của các trung tâm tư vấn du học, coi việc sang Nhật học tập là một chuyến đi xa tìm kiếm cơ hội đổi đời, vay mượn đủ mọi cách, hoàn thành khóa học tiếng cấp tốc, rồi được "phù phép" bằng những giấy tờ hợp lệ bởi các "dịch vụ đen" của nhiều công ty tư vấn đặt lợi nhuận lên hàng đầu, tấp tểnh đặt chân sang đất Nhật… mới chiếm con số ưu thế.

 

Nếu may mắn tìm được một việc làm tốt, nếu may mắn được đồng hương giúp đỡ, nếu may mắn có đủ sức khỏe để không ốm đau, nếu may mắn có đủ kiên nhẫn và năng lực để hoàn thành 2 năm học tiếng Nhật rồi đặt chân vào ngưỡng cửa đại học, nếu may mắn gia đình ở quê không chịu áp lực phải trả nợ gấp… thì tương lai của họ sẽ khác.

 

Nhưng nếu ngược lại, trong sự túng quẫn và tuyệt vọng, với kinh nghiệm sống tròn trĩnh là con số “0”, với cảm giác lạc lõng như một "người trời" rơi xuống một xã hội hoàn toàn xa lạ, với khả năng ngôn ngữ bập bẹ khó có thể giao tiếp với người bản xứ… họ rất dễ rơi vào khủng hoảng, và tiếp theo là những bước trượt dài, xuống những cái hố đã được đào sẵn, mà rất nhiều du học sinh Việt đã không thể bò lên.

  

3. Chỉ sau 1 năm làn sóng du học sinh sang Nhật bùng phát trở lại, tháng 3/2014, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cho biết, có một số người Việt Nam bị cáo buộc phạm tội trong năm 2013.

 

Hãy nghe một tâm sự đắng chát, còn đau hơn oà khóc, của một du học sinh đang sống tại Okinawa: "Cuộc đời du học Nhật là đây. Du học à?... Quên đi em tôi ơi… nhai nốt cái bánh bao này rồi đi hốt rác tiếp. Hốt rác không thôi thì đã khỏe. Hốt xong đi bê trăm cái tivi to đùng. Nó sai mình như culi từ sáng đến tối, đêm về đau lưng không ngủ được…”.

 

"Những ai còn đi học nữa thì ngày ngủ được 3-4 tiếng, thèm ngủ đến nỗi có thể ngủ ở bất cứ chỗ nào có thể: ga tàu, trên tàu, xưởng làm việc, vỉa hè… Lên lớp ngủ gà ngủ gật nào có được chữ nào vào đầu. Mà nếu nghỉ học nhiều thì sau này người ta không cấp visa cho, nên cũng chẳng dám nghỉ…”.

 

"Tiết kiệm đến thế, ăn chẳng dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu, vậy mà còn lại có được bao nhiêu đâu, thậm chí là cuối tháng còn phải đi vay tiền ăn, tiền nhà… Nhiều gia đình không có điều kiện thì phải vay tiền để cho con đi, đi sang kiếm tiền trả nợ, cực khổ trăm đường nhưng chẳng dám nói với bố mẹ sợ bố mẹ lo nghĩ”.

 

"Nhiều người không chịu được áp lực nên bỏ học trốn ra ngoài để đi làm, mong kiếm lại được ít tiền vốn (hay còn gọi là tiền NGU), chấp nhận một cuộc sống chui lủi, bất hợp pháp, và không biết ngày mai còn có được ở lại Nhật nữa không?”.

 

"Còn nếu cứ cố gắng theo đuổi con đường học hành này thì từng ngày trôi qua rất mệt mỏi. Từng ngày, từng giờ giống như một cuộc chạy đua, và quan trọng nhất là bao giờ mới có tiền gửi về cho gia đình, bao giờ mới có tiền trả nợ đây? Có lúc tự hỏi không biết mục đích của mình sang đây làm gì? Tương lai à? Mù mịt lắm… Xa gia đình, xa quê hương, sống nơi đất khách quê người, lẻ loi cô độc, ai sang rồi mới thấm, thấm đến tận xương tủy ấy…”.

 

"Với mình, đã mua mâm là phải đâm cho thủng, đã sang thì sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối… Con đường này không hẳn là sai lầm, nhưng nếu được chọn lại, tôi sẽ không bao giờ chọn con đường này… Đây là những lời tâm sự thật lòng nhất của tôi, nếu bạn đang có ý định du học Nhật thì hãy đọc nó. Đừng đọc những bài viết linh tinh không căn cứ ở trên mạng, hay những lời đường mật của các công ty tư vấn du học…”.

 

4. Trong một quán rượu được phép hút thuốc mù mịt khói gần ga Ginza, sau khi đọc xong những dòng tâm sự trên được post trên một diễn đàn dành cho cộng đồng người Việt tại Nhật, V. dốc nốt ly rượu bằng bàn tay đã thiếu một phần ngón út (dấu hiệu của một thời lăn lộn giang hồ đã lên tới tầm cao dính líu với mafia Yakuza) , V. thở dài trả lại cho tôi điện thoại, rồi ngồi thần người ra.

 

Qua câu chuyện rủ rỉ của V., chúng tôi mới hình dung ra được sơ bộ những bước "trượt" của một bộ phận du học sinh tự túc người Việt tại Nhật. Theo lời V., trước đây, kể cả trong những thời điểm "loạn lạc" nhất của cộng đồng người Việt tại Nhật, là vào những năm 1995-1998, bóng dáng của các du học sinh Việt gần như không xuất hiện trong các hoạt động vi phạm pháp luật.

 

Thời điểm đó, chỉ có dân tu nghiệp sinh mới làm những chuyện như nhảy trốn ra ngoài, "gắp" xe và đồ điện tử (ăn trộm trong các bãi xe và bãi phế liệu) rồi bán cho những ông trùm người Trung Quốc. Kém liều lĩnh hơn, những tu nghiệp sinh khác thì làm công việc "kiếm đồ ăn" (trộm cắp đồ ăn) trong các siêu thị, ăn trộm xe đạp.

 

Những tay giang hồ "gộc" người Việt, sang Nhật từ trước và ngay sau thời điểm 1975, cũng chỉ "quan tâm" bảo kê cho số tu nghiệp sinh biến chất này, không để ý đến những du học sinh khi đó vẫn được coi là "thuần khiết".

 

Ngay cả V., với một trận chiến thành danh trong giới tu nghiệp sinh thời điểm đó, khi cùng với một chiến hữu, dùng gậy bóng chày, hai người mở một con đường máu chiến ngang tay với hàng chục tu nghiệp sinh gốc Tây Á… cũng rất tôn trọng các du học sinh đồng hương. "Chúng nó lêu lổng nhất cũng chỉ đến mức bỏ học một buổi, mò xuống chỗ các anh xin bữa cơm bữa rượu, chứ không có gan làm mấy chuyện trộm cắp phạm pháp", V. cho biết.

 

Nhưng chứng kiến những gì xảy ra với các du học sinh trong thời điểm này, V. cũng không khỏi thở dài. "Mấy thằng tu nghiệp sinh ngày xưa bị đuổi về nước, rồi bọn sau này nữa, làm hỏng bọn nhỏ. Chúng nó cứ ra rả kể chuyện ở Nhật cửa hàng không có ai trông, lấy đồ dễ lắm… thì làm sao những đứa mới sang không bị nhiễm?”.

 

"Chúng nó đâu có biết người Nhật coi việc trộm cắp là một điều còn kinh hơn cả nhục nhã. Mà người ta đâu có phải không giám sát như ngày xưa nữa. Giờ thì đồ nào có giá trị trong các siêu thị lớn đều đã được gắn chip, thậm chí ở những cửa hàng nhỏ còn dán cả bảng thông báo có camera, rồi cảnh sát mặc thường phục thường xuyên tuần tra tại các điểm giao thông kiểm tra người tình nghi…, chúng nó làm như thế được 1-2 lần, làm sao người ta để cho sai mãi được. Rồi để đến khi Cảnh sát Nhật có cớ tiến hành chiến dịch thu gom như đận năm 1999-2001, thì toàn bộ người Việt ở đây đều bị ảnh hưởng hết", V. thở dài.

 

Theo Việt Đông

An ninh thế giới