Khâm phục những sĩ tử giàu nghị lực
(Dân trí) - Thí sinh với chiều cao 1m ước mơ trở thành nhà báo, thí sinh chống nạng đi thi 2 trường đại học... - nỗ lực theo đuổi ước mơ giảng đường đại học, những thí sinh giàu nghị lực ấy khiến nhiều người nể phục.<br><a href='http://dantri.com.vn/event-2268/Vuot-kho-di-thi-dai-hoc.htm'><b> >> Vượt khó đi thi đại học</b></a>
Thí sinh "tí hon" ước mơ thành nhà báo
Cải trang thành nam nhi, 5 giờ sáng tự bắt xe lên Hà Nội đi thi, thí sinh tí hon Nguyễn Thị Hải Yến chiều cao gần 1m khiến nhiều người phải nể phục. Yến quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương dự thi vào khoa Báo chí trường KHXH&NV Hà Nội với mong ước sẽ trở thành nhà báo trong tương lai.
"Em đi thi lần này là giấu bố mẹ, em định làm thủ tục xong, tìm được chỗ ở xong xuôi mới gọi điện về thông báo cho bố mẹ yên tâm. Dù lần đầu ra Hà Nội nhưng sức khoẻ Yến khá tốt nên cô bạn tí hon không ngại vất vả. Yến được các tình nguyện viên giúp đỡ vào ở trong KTX trường. Cô bạn tự giặt quần áo và các sinh hoạt cá nhân.
Thí sinh "tí hon" Nguyễn Thị Hải Yến. (Ảnh: Mai Châm)
Nói về kì thi ĐH lần này, Yến cho rằng khối C khá khó vì lượng kiến thức nặng. Thế nhưng cô bạn vẫn quyết tâm, nếu năm nay thi kết quả không như muốn sẽ tiếp tục thi lần 2, lần 3. Nếu cả 3 lần không đỗ, bạn ấy sẽ đi đường vòng để thực hiện giấc mơ trở thành nhà báo của mình.
Thí sinh chống nạng đi thi hai trường ĐH
Lê Thị Loan quê ở Đại Nghĩa, Mỹ Đức, Hà Nội bị bại liệt bẩm sinh, trải qua 4 lần phẫu thuật, em mới khỏi được 60%. Loan vẫn phải chống nạng và đôi chân di chuyển không bình thường như mọi người.
Khó khăn là vậy nhưng Loan học rất khá, 3 năm THPT năm nào Loan cũng có giấy khen, thi tốt nghiệp em được 10 Hóa và 9,5 Toán. Đợt thi ĐH này, mẹ của Loan là bác Lê Thị Chuyên đưa em đi thi. Hai mẹ con sau khi dìu dắt nhau đi thi khoa Công nghệ thông tin ĐH Bách khoa Hà Nội (đợt 1) lại tiếp tục bắt xe buýt sang ĐH Nông nghiệp thi vào khoa Công nghệ sinh học.
Bị bại liệt bẩm sinh, em Lê Thị Loan chống nạng đi thi ĐH. (Ảnh: Mai Châm)
Loan là đứa con hiếm muộn nhưng chẳng may lại mắc dị tật bẩm sinh. Cha Loan đã 80 tuổi, không thể lao động kiếm tiền, gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai người mẹ nay đã 57 tuổi. Hàng ngày, bác Chuyên phải đi phụ hồ để kiếm sống, nuôi con ăn học.
Những lần phẫu thuật Loan đều được các nhà hảo tâm giúp đỡ. Còn lần này lên Hà Nội, bác Chuyên đã phải vay của anh em, hàng xóm hơn 3 triệu đồng để đưa Loan đi thi.
Cô bé “hạt tiêu” muốn trở thành giáo cô nuôi dạy trẻ
Với chiều cao và cân nặng khiêm tốn nhưng thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hằng (quê Điện Bàn, Quảng Nam) vẫn tự tin đến trường thi để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo nuôi dạy trẻ của mình.
Thanh Hằng gây chú ý đối với các thí sinh và phụ huynh tại hội đồng thi trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng bởi chiều cao và cân nặng. Cô bé “hạt tiêu” này cao 1,25m và nặng chưa đến 30 kg.
Cô bé "hạt tiêu" Thanh Hằng ước mơ trở thành cô giáo mầm non. (Ảnh: Khánh Hồng)
Thanh Hằng cho biết, em thi vào ngành sư phạm mầm non của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Sở dĩ em chọn ngành này vì em thích làm cô giáo và rất yêu trẻ con. Dù chiều cao và cân nặng khá khiêm tốn nhưng Hằng không hề tự ti, mặc cảm mà ngược lại, em yêu đời và luôn vui cười.
Dù có chiều cao khiêm tốn so với những thí sinh khác nhưng Hằng luôn tự tin, yêu đời. (Ảnh: Khánh Hồng)
Ngoài ước mơ trở thành cô giáo mầm non, Thanh Hằng cũng mong muốn học giỏi tiếng Anh nên em đã đăng ký dự thi ngành Tiếng Anh, trường Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch Đà Nẵng trong đợt thi cao đẳng sắp tới.
Sĩ tử “áo vàng”
Sĩ tử “áo vàng”
Ni cô Thích Liên Huyền mặc trên mình chiếc áo cà sa màu vàng bước vào cổng trường thi ĐH KHXH&NV. Tên thật dùng để đi thi của ni cô là Bùi Thị Thêu (SN 1994). Ni cô cho biết mình đang tu tập tại chùa Quán Tình (Long Biên, Hà Nội), nay dự thi vào khoa Sư phạm Sử của trường ĐH KHXH&NV.
Ni cô Thích Liên Huyền trên đường vào trường thi ĐH KHXH&NV. (Ảnh: Mai Châm)
Ni cô Thích Liên Huyền xuất gia từ năm lớp 9. Nhưng thời gian học cấp 3, ni cô vẫn theo học cùng bạn bè đồng trang lứa ở trường THPT Lê Văn Thiêm (Long Biên). Hết giờ học ở trường, ni cô về sống trong môi trường phật giáo, phải tự lập và ít liên lạc với gia đình.
Ni cô Thích Liên Huyền chia sẻ về dự định tương lai là sau khi tốt nghiệp ĐH, ni cô sẽ tiếp tục thi ĐH Phật giáo để có kiến thức chuyên sâu hơn.
Mai Châm - Khánh Hồng