Khâm phục nghị lực cậu học trò nghèo giỏi Văn

(Dân trí) - Về thôn Đông Nam Lộ, xã Cẩm Thành (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chúng tôi hỏi thăm đường đến nhà em Nguyễn Anh Tuấn. Vừa nhắc đến Tuấn, từ đầu thôn, bà con đã xuýt xoa về hoàn cảnh và nghị lực của cậu học trò nghèo từng giành giải Ba quốc gia môn Văn.

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Nguyễn Anh Tuấn (lớp 12D, Trường THPT Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã giành được 26,5 điểm khối C trong đó Văn 9, Địa 9 và Sử 8,5 điểm. Ngoài ra, Tuấn còn được cộng 2 điểm ưu tiên (điểm vùng và học sinh giỏi quốc gia).

Mẹ là người truyền cảm hứng Văn chương

Đam mê văn học từ khi còn học cấp 1, nhưng đến cấp 2, Tuấn mới bộc lộ dần năng khiếu của mình.

Tuấn tâm sự: “Từ nhỏ Tuấn chỉ có mẹ. Mẹ thường nói chuyện và đọc cho Tuấn nghe nhiều câu chuyện về bài học cuộc sống, những đạo lý ở đời. Và niềm yêu thích với văn học cũng được khơi gợi, được nhen nhóm từ cách cảm, cách nghĩ đầy đôn hậu của mẹ”.

Trong suốt 12 năm học, Tuấn đã xuất sắc giành rất nhiều giải thưởng và giấy khen về môn Văn.

Học cấp 2, cậu học trò nghèo 2 năm liên tiếp giành giải Nhất huyện và giải Ba tỉnh môn Văn. Kỳ thi chuyển cấp, Tuấn đậu vào trường Chuyên Hà Tĩnh với số điểm khá cao. Tuy nhiên, thương mẹ ở nhà một mình không ai đỡ đần, phần vì hoàn cảnh gia đình không đủ chi phí cho Tuấn đi học xa nên em đã theo học gần nhà.

Nguyễn Anh Tuấn (lớp 12D, trường THPT Cẩm Bình), thí sinh đạt 28,5 điểm khối C

Nguyễn Anh Tuấn (lớp 12D, trường THPT Cẩm Bình) đạt 26,5 điểm khối C

 

Không có nhiều thời gian cho các lớp học thêm hay các lò luyện thi, nhưng suốt 3 năm THPT, Tuấn luôn là học sinh giỏi toàn diện và là cây thành tích của trường. Lớp 10 và 11, Tuấn giành giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi cấp Tỉnh môn Văn. Năm 12, Tuấn giành giải Ba quốc gia môn Văn.

Thành tích ở kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mở ra cho Nguyễn Anh Tuấn cơ hội được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học. Thế nhưng, cậu bạn này vẫn quyết tâm thi vào Học viện An ninh, với ước mơ được khoác màu áo chiến sĩ và một phần để đỡ gánh nặng chi phí học tập cho mẹ.

Đến với môn Văn bằng năng khiếu, khởi đầu, Anh Tuấn có cách học khá tự do, ngẫu hứng... Chỉ sau một thời gian được giáo viên bộ môn hướng dẫn tận tình, cậu bạn này đã có cách học khoa học, tư duy sâu sắc và tiến bộ nhanh chóng theo thời gian. Bí quyết học tập của Tuấn là trên lớp chú tâm nghe thầy cô giáo giảng bài, để có thể hiểu bài ngay trên lớp; khi về nhà phải luyện thêm bài tập trong sách giáo khoa và sách nâng cao. Không học quá nhiều, quan trọng là kết quả có được sau mỗi buổi học. Đặc biệt đối với những kiến thức khó thì phải trực tiếp hỏi thầy cô giáo để được thầy cô giải đáp kịp thời và tỉ mỉ hơn.

Tuấn chia sẻ: “Do không có điều kiện mua sách tham khảo và tìm tài liệu qua internet, nên em thường trao đổi và mượn của sách của bạn bè và thầy cô. Ngoài ra, ở trường thầy cô giáo cũng thường xuyên quan tâm và cho em nhiều bài tập để em rèn luyện”.

Ước mơ đậu Học viện An ninh để đỡ đần chi phí cho mẹ

Nhưng ít ai biết, đằng sau những trang văn hay, những bài thi giành điểm cao là cả sự nỗ lực đầy phi thường của cậu bạn có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn. Đã từng có lúc, Anh Tuấn có suy nghĩ phải bỏ cuộc trước kỳ thi học sinh giỏi quốc gia vì không có thời gian và điều kiện để ôn luyện như những bạn học sinh khác. Thế nhưng chính nghị lực và sự động viên của mẹ, thầy cô đã giúp Tuấn tiếp tục cố gắng.

Con đường vào ngôi nhà của hai mẹ con Tuấn không thành lối, chỉ là bờ bụi mọc, hàng ngày đi lại cũng thành một lối mòn để đi ra đi vào.

Ngôi nhà tránh mưa nắng của hai mẹ con chỉ chưa đầy 15m2. Và tài sản quý nhất của 2 mẹ con Tuấn là chiếc cát-xét cũ kỹ được một người quen đem cho.

Những thành tích học tập của Anh Tuấn
Trong suốt 12 năm học, Tuấn luôn nỗ lực vượt khó giành được nhiều thành tích cao trong học tập

 

Trong ngôi nhà ấy, vật trang trí đặc biệt chính là những bằng khen, giấy khen về thành tích học tập của Tuấn trong suốt 12 năm học.

Trở về nhà sau giờ tan học, căn nhà nhỏ luôn đón Tuấn bằng niềm vui bên người mẹ tảo tần. Nhà chỉ có hai mẹ con, nên bao nhiêu yêu thương mẹ đều dành cho Tuấn. Bao nhiêu vất vả mẹ cũng giành lấy phần mình để con trai có thể đến trường để học tập như bạn bè cùng trang lứa. Khi Tuấn dần trưởng thành cũng là khi sức khỏe của mẹ yếu đi. Bởi vậy, Nguyễn Anh Tuấn giờ đây đã trở thành trụ cột, thành chỗ dựa vững chắc của mẹ. Bao nhiêu việc nặng trong gia đình, mẹ đã có thể nhờ đến sự san sẻ của Tuấn.

Bàn tay của cậu học trò giỏi văn không thư sinh, trắng trẻo mà rắn rỏi, vững chắc. Bởi đây cũng là bàn tay lao động chính trong nhà. Khi chúng tôi đến nhà, Tuấn đang tranh thủ bổ củi giúp mẹ.

Tranh thủ thời gian rảnh Tuấn phụ giúp mẹ việc nhà

Tranh thủ thời gian rảnh, Tuấn phụ giúp mẹ việc nhà.

 

Cô Nguyễn Thị Nguyệt - mẹ Tuấn cũng cho biết: “Kể cả lúc đang ôn thi nhưng có thời gian rảnh Tuấn lại giúp mẹ việc đồng áng. Cháu cứ sợ mẹ vất vả làm nhiều, lại sinh đau ốm”.

Chia sẻ về kết quả thi THPT quốc gia vừa qua của mình, Tuấn bẽn lẽn: “Em vẫn thấy tiếc nuối vì em nghĩ mình có thể đạt được điểm cao hơn. Với số điểm này, em hy vọng mình sẽ đậu vào Học viện An ninh để đỡ đần chi phí đi học cho mẹ”.

Phượng Vũ