Khai giảng online "chưa từng có" trong lịch sử của thầy trò cả nước
(Dân trí) - Sáng nay (5/9), học sinh ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham dự Lễ khai giảng năm học 2021-2022 đặc biệt "chưa từng có" trong lịch sử theo hình thức trực tuyến, qua truyền hình.
TPHCM: Một phút mặc niệm cho người mất vì Covid-19
Năm nay, TPHCM không tổ chức lễ tựu trường, khai giảng. Tuy nhiên, sáng 5/9, lãnh đạo UBND TPHCM cùng Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức Lễ khai giảng đại diện năm học mới tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong với thầy cô giáo, học sinh của trường.
Tại lễ Khai giảng đặc biệt, tất cả lãnh đạo, thầy cô, học sinh đã dành phút mặc niệm cho những người mất vì Covid-19.
Buổi khai giảng ngắn gọn của TPHCM cũng được trực tiếp trên truyền hình để các học sinh và phụ huynh.
Bắt đầu từ ngày 6/9, khoảng 700.000 học sinh bậc THCS, THPT tại TPHCM sẽ chính thức bước vào năm học mới trên môi trường online.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, toàn thành phố có khoảng 75.000 học sinh không có điều kiện để học tập trên internet. Cao nhất ở bậc tiểu học là 31.000 em, THCS có 22.000 em và THPT là hơn 15.000 học sinh. Có khoảng gần 5% học sinh không có điều kiện học tập trên mọi kênh của Sở GD-ĐT TPHCM sẽ được phát phiếu học tập, hướng dẫn học tập của từng tuần đến tận nhà học sinh.
Hà Nội: Khai giảng trong mưa tầm tã
Sáng 5/9, Hà Nội tổ chức khai giảng tại một điểm là Trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm). Tất cả học sinh dự khai giảng qua truyền hình.
Lễ khai giảng của Thủ đô diễn ra trong cơn mưa tầm tã. Mặc dù vậy, chương trình vẫn đáp ứng giãn cách, các quy định phòng chống dịch và đầy đủ nghi thức quy định.
Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh bày tỏ: "Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, năm học 2020-2021 ngành giáo dục Thủ đô đã vươn lên khó khăn thách thức, vươn lên chính mình, thực hiện mục tiêu kép của ngành và đảm bảo an toàn chống dịch và hoàn thành kế hoạch năm học với chất lượng cao, với tinh thần tạm dừng đến trường không dừng học.
Ngành giáo dục Thủ đô nhanh chóng triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, bảo đảm an toàn cho hơn 2 triệu học sinh và hơn 150.000 thầy cô giáo".
"Thời gian tới đây, chúng ta có thể sẽ còn phải đối mặt với khó khăn, thách thức lớn hơn. Để vượt qua, chỉ có thể đoàn kết hơn nữa, đồng sức, đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội, quyết tâm cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ năm học mới", Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Ngay sau bài phát biểu, Chủ tịch UBND TP đã đánh trống khai trường năm học mới cho toàn bộ học sinh và thầy cô giáo trên địa bàn Thủ đô.
Được biết sau khai giảng, ngày mai (6/9), học sinh các trường phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội sẽ chính thức học trực tuyến.
Riêng học sinh lớp 1, từ 1/9/2021 đến ngày 12/9/2021, các em sẽ có thời gian làm quen với giáo viên qua hình thức online.
Từ ngày 13/9/2021 đến 30/9/2021, nếu học sinh vẫn chưa được trở lại trường, Hà Nội sẽ tiến hành giảng dạy chính thức chương trình năm học mới theo hình thức trực tuyến (thời lượng tối đa 3 tiết/ngày trong phòng trực tuyến với giáo viên) cho học sinh lớp 1.
Đắk Nông: Học sinh đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn trong suốt thời gian của buổi lễ.
Sáng 5/9, tại Trường THCS Đắk Mâm (thị trấn Đắk Mâm, Krông Nô, Đắk Nông) đã tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2021-2022.
Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, huyện Krông Nô (Đắk Nông) không tổ chức Lễ khai giảng tập trung mà chọn trường THCS Đắk Mâm là cơ sở giáo dục điểm để Lễ khai giảng năm học 2021-2022.
Lễ khai giảng có sự tham gia của 100 học sinh, được truyền hình trực tiếp trên sóng đài truyền hình địa phương và các trang mạng xã hội. Tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh các cơ sở giáo dục khác sẽ theo dõi Lễ khai giảng tại nhà.
Buổi Lễ Khai giảng năm học mới diễn ra đơn giản, ngắn gọn, chỉ còn phần Lễ, kéo dài chỉ 30 phút đồng hồ.
Trước khi buổi lễ diễn ra, cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường được đo thân nhiệt và hướng dẫn sát khuẩn. Tất cả mọi người tham dự được sắp xếp chỗ ngồi, đảm bảo giữ khoảng cách theo quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Háo hức khai giảng qua tivi
Sáng ngày 5/9, chưa năm nào mà học sinh, giáo viên tỉnh Kiên Giang, An Giang lại dự một buổi khai giảng đặc biệt như năm nay, theo cách không thể đặc biệt hơn nữa.
Không như mọi ngày dậy trễ, em Đoàn Ngọc Kỳ Lân - học sinh lớp 8/1, trường Trung học cơ sở Nguyễn Du, TP Rạch Giá, dậy từ sáng sớm chuẩn bị trang phục, dự khai giảng năm học mới qua màn hình tivi.
Em Kỳ Lân cho biết: "Tụi cháu đã nghỉ học quá lâu, không được gặp bạn bè, thầy cô nên cháu mong đến ngày khai giảng lắm. Cháu mong dịch bệnh qua đi, để tụi cháu đi học trở lại".
Còn em Nguyễn Huy Phong - học sinh lớp 4A, trường Tiểu học Hàm Nghi, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, chuẩn bị sạc pin máy laptop từ tối qua. Đến sáng nay, em dậy sớm, mặc đồng phục và một mình ngồi dự Lễ khai giảng năm học mới.
Đúng 7h30 học sinh, giáo viên mở đài truyền hình Kiên Giang để cảm nhận không khí khai giảng qua lời chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước, xem lại những thành tích của ngành giáo dục trong năm học qua và phát động nhiệm vụ trong năm học mới của Giám đốc Sở GD-ĐT thông qua màn hình tivi.
Chương trình khai giảng ngắn gọn, súc tích và mong mọi người cùng cố gắng vượt qua khó khăn theo những cách đặc biệt nhất trong năm học này.
Trong năm học này, tất cả học sinh trong tỉnh Kiên Giang sẽ thực học bắt đầu từ ngày 20/9. Riêng học sinh khối 9 và khối 12 bắt đầu học qua môi trường internet từ ngày 6/9 - ngày 20/9.
Sau ngày 20/9 tùy vào tình hình dịch bệnh, Sở GD-ĐT Kiên Giang đã xây dựng 2 phương án, 3 tình huống tổ chức dạy học cho phù hợp.
Ông Trần Quang Bảo, Giám đốc Sở GĐ-ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: "Nếu dịch vẫn phức tạp thì sẽ triển khai dạy và học trên môi trường internet. Ngành giáo dục Kiên Giang sẽ linh hoạt vận dụng những hình thức học, bổ sung công tác bồi dưỡng cho học sinh học làm sao để giữ vững chất lượng giáo dục. Đây là vấn đề đặt ra để ngành giáo dục Kiên Giang hướng tới".
Tại An Giang, sáng 7h30, Lễ khai giảng năm học mới được trực tiếp qua sóng truyền hình An Giang. Tất cả các em học sinh dự khai giảng qua màn hình.
Lãnh đạo tỉnh An Giang chỉ đạo ngành giáo dục nỗ lực hơn nữa trong công tác dạy học, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, ngành giáo dục vừa phải đảm bảo chất lượng, vừa đảm bảo sức khỏe của giáo viên, học sinh.
Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lý, hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh tiểu học trong việc học trực tuyến tại nhà.
Sau lễ khai giảng, ngày 6/9, học sinh khối 9 và 12 tại An Giang sẽ học qua hình thức trực tuyến.
Cần Thơ: 247.000 học sinh hào hứng đón lễ khai giảng năm học mới online
Sáng 5/9, 247.000 học sinh và thầy cô ở các điểm trường TP Cần Thơ háo hức tham dự lễ khai giảng trực tuyến. Đây là lần đầu tiên Cần Thơ tổ chức khai giảng trực tuyến vì tình hình dịch bệnh.
Ghi nhận tại điểm cầu trung tâm tại UBND TP Cần Thơ, Lễ khai giảng năm học 2021 - 2022 được tổ chức bằng hình thức trực tuyến vào lúc 8h ngày 5/9/2021. Nhưng không khí buổi lễ diễn ra hết sức trang trọng với sự tham gia của các cấp lãnh đạo thành phố.
Để học sinh toàn thành phố có thể tham dự khai giảng, Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ đã thiết lập 37 điểm cầu tại ủy ban thành phố; ủy ban các quận, huyện và các điểm cầu đơn vị trực thuộc Sở.
Bình Định: Lễ khai giảng chưa từng có trong lịch sử ngành giáo dục
Trên 180 học sinh đại diện cho 330 nghìn học sinh các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định dự lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định sáng 5/9.
Buổi lễ được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Định. Tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh không tổ chức lễ khai giảng mà chỉ thông báo cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, học viên xem chương trình truyền hình trực tiếp.
Lần đầu tiên dự lễ khai giảng đặc biệt này, em Nguyễn Huỳnh Thảo My, lớp 10C1, Trường THPT Quốc học Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) chia sẻ: "Em cảm thấy rất vui, phấn khởi và khá hồi hộp khi lần đầu tiên tỉnh tổ chức lễ khai giảng trực tuyến trên đài truyền hình tỉnh. Hôm nay, em cũng rất vinh dự được đại diện cho trường của mình dự lễ khai giảng, mong rằng sẽ là năm học thành công với tất cả các bạn học sinh của tỉnh cũng như bản thân em".
Phát biểu tại lễ khai giảng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long chia sẻ, lễ khai giảng năm học mới năm 2021-2022, trong bối cảnh hết sức đặc biệt, chưa có tiền lệ trong lịch sử giáo dục - đào tạo của tỉnh do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trong cả nước và tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Phi Long chỉ đạo, tùy tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương mà tổ chức năm học mới đảm bảo phương châm "Tạm dừng đến trường, không dừng học".
Tất cả các cơ sở giáo dục phải tận dụng tối đa thời gian an toàn để tổ chức dạy học trực tiếp. Trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp không thể tổ chức dạy học trực tiếp thì tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh THCS, THPT, GDTX để hoàn thành kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục.
Đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học trên địa bàn tỉnh ta sẽ không tổ chức dạy học trực tuyến, mà tập trung phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ phụ huynh nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà theo các kênh phù hợp, khi nào an toàn thì cho trẻ đến trường.
"Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bảo đảm an toàn trường học, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo", ông Nguyễn Phi Long yêu cầu.
Theo ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, năm học 2021 - 2022, tỉnh này có 216 trường mầm non, 204 trường tiểu học, 148 trường trung học cơ sở, 54 trường trung học phổ thông với gần 20 nghìn cán bộ giáo viên, 330 nghìn học sinh các cấp học.
Hơn 850 nghìn học sinh Nghệ An dự khai giảng qua truyền hình
Đúng 8h ngày 5/9, hơn 850 nghìn học sinh Nghệ An bước vào Lễ khai giảng năm học mới.
Lễ khai giảng năm học mới tại Nghệ An được tổ chức tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, TP. Vinh và được tường thuật trực tiếp qua sóng truyền hình đến học sinh toàn tỉnh.
Mặc dù lễ khai giảng diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng được tổ chức hết sức trọng thể, trang nghiêm, đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định và được rút ngắn trong thời gian 30 phút.
Năm học này toàn tỉnh Nghệ An có hơn 850 nghìn học sinh ở các cấp học. Thống kê hiện nay, Nghệ An còn 508 trường phải sử dụng để làm khu cách ly tập trung tại 20/21 huyện, thành, thị (trừ thị xã Cửa Lò), trong đó có 292 trường mầm non, 138 trường tiểu học và 77 trường THCS) và một trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.
Trước thời điểm lễ khai giảng diễn ra, nhiều học sinh và giáo viên Nghệ An vẫn đang bị cách ly, điều trị hoặc đang ở trong các vùng phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19. Tỉnh này cũng chưa tổ chức học trực tiếp mà các cấp học đều học trực tuyến.
Về quê nghỉ hè đúng vào dịp dịch Covid-19 bùng phát, cháu Đặng Trọng Vĩnh Khang (lớp 3H, Trường Tiểu học Nghi Kim, TP Vinh) không thể kịp trở lại TP Vinh do địa phương đang thực hiện biện pháp chống dịch "ai ở đâu ở yên đó". Ở quê, không có đồng phục, sáng nay, nhưng cháu cũng chọn cho mình bộ quần áo đẹp nhất, háo hức ra phòng khách dự lễ khai giảng qua ti vi.
"Con mong dịch sớm hết để được về đi học như các bạn", Vĩnh Khang mong ước trước thềm năm học mới.
Do bố mẹ bận làm nhiệm vụ chống dịch nên các con chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (xã Hưng Lộc, TP Vinh) và 2 người cháu đều gửi ở nhà ông bà ngoại. Sáng nay, cả 4 bé đều tham dự lễ khai giảng qua ti vi.
"Nhìn các con háo hức, phấn khởi tham dự lễ khai giảng đặc biệt vừa xúc động, vừa thương con. Một năm học đầy khó khăn nhưng hi vọng với sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô, các con và sự đồng hành của phụ huynh, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tích trong thi đua dạy và học ở hoàn cảnh đặc biệt này", chị Huyền chia sẻ.
Hà Tĩnh: Tổ chức khai giảng tại một trường học
Lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 ở Hà Tĩnh được tổ chức trực tiếp vào 7h sáng nay (5/9) tại một trường học và được truyền hình trực tiếp để học sinh toàn tỉnh theo dõi qua màn hình ti vi.
Sáng nay, thầy trò Trường THCS Lê Văn Thiêm (TP Hà Tĩnh) nô nức làm lễ khai giảng cho một năm học đặc biệt. Đây là ngôi trường duy nhất tại Hà Tĩnh được tổ chức lễ khai giảng năm học mới.
Tham gia lễ khai giảng trực tiếp có khoảng 150 người, gồm đại diện học sinh 90 em của 4 khối lớp Trường THCS Lê Văn Thiêm cùng cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh nhà trường.
Buổi lễ diễn ra ngắn gọn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Em Nguyễn Hà Phương (học sinh trường Lê Văn Thiêm), chia sẻ: "Năm học này thật đặc biệt, dù có nhiều khó khăn do dịch bệnh nhưng chúng em sẽ nỗ lực học tập để đạt được kết quả tốt nhất".
Hơn 350 nghìn giáo viên, học sinh ở các cấp học tại 667 trường học trong toàn tỉnh theo dõi lễ khai giảng trực tuyến qua truyền hình bằng tivi hoặc điện thoại.
Khác với những năm trước, sáng nay (5/9) chị Nguyễn Diệp Bình (33 tuổi, phường Thạch Linh, TP Hà Tĩnh) cùng 2 cháu Hùng Dũng (8 tuổi) và Thủy Tiên (5 tuổi) dậy sớm, chuẩn bị áo quần, sách vở mới tươm tất rồi ra mở tivi lên để cho 2 con đón ngày tựu trường "đặc biệt".
"Mặc dù là khai giảng trực tuyến, nhưng các cháu vẫn háo hức như những lần tựu trường khác. Tôi cũng chuẩn bị cho các cháu mọi thứ không khác gì các năm trước, mong sao dịch bệnh được sớm đẩy lùi để công việc học tập của các cháu không bị gián đoạn", chị Bình nói.
Tiếc nuối…
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương đã quyết định không tổ chức lễ khai giảng trực tiếp. Thay vào đó, học sinh sẽ tham dự lễ khai giảng trực tuyến được phát sóng trên truyền hình.
Có con gái học lớp 3, phụ huynh Hoàng Thu Hằng (Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ sự tiếc nuối: "Mùa khai giảng năm nay sẽ là ngày đáng nhớ trong cuộc đời của con và rất nhiều bạn nhỏ khi Hà Nội cùng một số tỉnh, thành quyết định tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến.
Thật tiếc khi con không được sống trong không khí hân hoan của lễ khai giảng, không được cầm những chùm bóng bay hay lá cờ nhỏ để vẫy chào thầy cô khi tiến bước vào sân trường".
Chị Hằng chia sẻ, mùa khai giảng năm nay, con gái của chị cũng thiệt thòi khi chưa được cùng mẹ sắm sửa quần áo, cặp sách mới do tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến vô cùng phức tạp.
Tuy nhiên, theo phụ huynh này, nếu nhìn nhận một cách lạc quan hơn, việc tổ chức khai giảng theo hình thức trực tuyến sẽ làm giảm nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo sức khỏe cũng như quyền được học tập của các con.
Là một học sinh cuối cấp, em Nguyễn Ngọc Linh (lớp 12, Hà Nội) không khỏi ngậm ngùi: "Năm nay là năm cuối cấp, nhưng em lại không được dự khai giảng trực tiếp cùng thầy cô và các bạn.
Có lẽ, mùa khai giảng năm nay sẽ chẳng thể nào phai mờ trong em bởi sự đặc biệt và khó khăn của nó. Khai giảng đã bị bỏ lỡ, mong rằng chúng em sẽ được dự trọn vẹn lễ bế giảng cuối năm".
Giống với Linh, em Trần Văn Chương năm nay học lớp 5 nhớ lại ngày khai giảng năm học trước rất là vui khi được trở lại trường học sau kỳ nghỉ hè, được gặp lại và chuyện trò cùng các bạn học.
Còn năm nay, Chương và các bạn đồng trang lứa không thể đến trường, chỉ có thể dự lễ khai giảng qua màn hình điện thoại, máy tính vì TP Hải Phòng vẫn đang tăng cường phòng, chống dịch Covid-19.
Chương chia sẻ rằng em có một chút buồn vì không được gặp cô giáo, bạn bè trong sân trường ngày lễ khai giảng năm học mới như mọi năm. "Em mong sao dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi để chúng em có thể được đi học, được tham dự những buổi lễ có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời học sinh", Chương tâm sự.
Tết tóc, cài hoa chuẩn bị khai giảng trực tuyến
Với anh Trần Mạnh Tiến (Cầu Giấy, Hà Nội), mặc dù cô con gái học lớp 1 phải ở nhà dự lễ khai giảng qua sóng truyền hình, song phụ huynh này vẫn quan tâm, chăm chút với hi vọng con sẽ có một khởi đầu thật ý nghĩa. Để chuẩn bị cho lễ khai giảng, ngoài đồng phục của nhà trường, anh còn tết tóc, cài hoa cho con để con có cảm giác tham dự một buổi lễ quan trọng.
"Con đã thiệt thòi khi không thể trực tiếp đến trường dự lễ khai giảng. Vì vậy, tôi luôn cố gắng chuẩn bị cho con trang phục, đồ dùng học tập thật nghiêm túc, chỉn chu để con có thể phần nào cảm nhận được không khí và ý nghĩa của buổi lễ thiêng liêng này" - anh Tiến tâm sự.
Do thời gian nghỉ dịch Covid-19 quá lâu, nhiều học sinh nhớ trường lớp, bạn bè nên dù chỉ được dự lễ khai giảng trực tuyến, nhiều em vẫn mong ngóng dậy từ sáng sớm để được hội ngộ cùng thầy cô, bè bạn.
Năm học này, nhà chị Nguyễn Thị Hạnh (xóm 4, Nghi Kim, Nghệ An) có 2 con sẽ dự khai giảng trực tuyến, bé út vừa đến tuổi học mẫu giáo, sẽ tham dự Ngày hội đến trường sau. "Do thành phố Vinh đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 cao hơn một mức so với Chỉ thị 16 với yêu cầu "ai ở đâu ở yên đấy nên đến thời điểm này tôi mới chỉ kịp mua sách cho hai cháu lớn, chưa mua được vở.
Năm nay là một năm học đặc biệt, hình thức khai giảng đặc biệt nhưng các rất con háo hức chờ đón nên bố mẹ cũng thấy vui lây. Hi vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát để các cháu sớm được đến trường cùng bạn bè, thầy cô", chị Hạnh chia sẻ.
Là mẹ của hai con (lớp 1 và lớp 3) phụ huynh Nguyễn Bích Ngọc (Hải Phòng) tâm sự: "Năm nay, địa phương chỉ tổ chức khai giảng tập trung cho học sinh các khối lớp 1, lớp 6 và lớp 10; các khối lớp còn lại sẽ dự khai giảng bằng hình thức trực tuyến tại nhà.
Cậu con trai lên lớp 1 thì vui sướng vô cùng khi được đón khai giảng trực tiếp. Buổi sáng, cu cậu dậy sớm, ríu rít nhắc mẹ đưa tới trường. Còn cô con gái học lớp 3, mặc dù phải ở nhà dự khai giảng qua phần mềm Zoom nhưng cũng tỏ ra tích cực khi tự mặc đồng phục, tết tóc rồi ngồi nghiêm chỉnh trước màn hình máy tính".
Chị Ngọc cho hay, dù khai giảng dưới hình thức nào, chỉ cần học sinh, phụ huynh và giáo viên có một tinh thần lạc quan; cùng với đó là sự chuẩn bị nghiêm túc thì buổi lễ này vẫn sẽ trở nên trang trọng và ý nghĩa.
Gần 20 năm gắn bó với nghề giáo, với cô Vũ Thu Hương (giáo viên cấp 2 tại Hà Nội), lễ khai giảng năm học 2021-2022 sẽ là một buổi lễ khai giảng "khác lạ" nhất mà cô từng trải qua.
Theo cô Hương, để mang đến cho học sinh một ngày lễ khai giảng ý nghĩa, những ngày qua, cô và các giáo viên trong nhà trường cố gắng chuẩn bị tốt nhất để mang không khí khai giảng đích thực đến từng học trò.
"Mặc dù khai giảng trực tuyến nhưng vẫn yêu cầu học sinh và giáo viên mặc quần áo trang nghiêm, thực hiện đầy đủ nghi lễ chào cờ đầu năm.
Tôi biết, hình thức khai giảng này còn tồn tại nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội để ngành giáo dục cũng như đội ngũ nhà giáo, phụ huynh và học sinh thay đổi và tìm cách thích nghi".
Có con năm nay bước vào lớp 1, chị Nguyễn Thị Hương Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đây là kỳ khai giảng rất đặc biệt nhất đối với hai mẹ con. Việc tổ chức khai giảng trực tuyến là hình thức phù hợp, vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh vừa đảm bảo kế hoạch học tập của các con và nhà trường.
"Mặc dù khai giảng trực tuyến, nhưng Phòng Giáo dục quận Cầu Giấy và Trường Dịch Vọng A đã có kế hoạch chuẩn bị rất bài bản, chu đáo; đã tổ chức họp phụ huynh trực tuyến và có 3 buổi làm quen giữa cô giáo với các con lớp 1 nên các con rất hào hứng khi được làm quen cô và các bạn; con được cô hướng dẫn về cách học trực tuyến bên cạnh sự hỗ trợ của cha mẹ nên đã nhanh chóng thích nghi với hình thức trực tuyến. Nên gia đình tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng với nhà trường và hỗ trợ con hết mình", chị Giang tâm sự.
May mắn vì hai con đều học chung trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành, chị Trần Khánh Vân (giảng viên khoa Sinh học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1) chia sẻ: " Với tư cách là phụ huynh của 2 con, trong đó có 1 con năm nay chuyển cấp lên THCS, lễ khai giảng trực tuyến năm học 2021-2022 với mình có nhiều cảm xúc bộn bề.
Dù chưa có đồng phục, nhưng rất may mắn là con lớn nhà mình năm nay học lớp 8 nên con vẫn sử dụng được đồng phục của lớp 7; còn đồng phục cũ của con thì cho em trai học lớp 6 nên 2 con đã chuẩn bị xong đồng phục, là quần áo và khăn đỏ sẵn sàng cho lễ khai giảng".