“Kéo” con vào làm việc nhà
(Dân trí) - Một đứa trẻ có thích làm việc nhà không? Chắc chắn là không rồi, trẻ con đứa nào cũng ham chơi, con tôi cũng không phải ngoại lệ. Con tôi có thể chơi trò bắn bi, trốn tìm, chơi điện tử trên máy tính từ sáng tới trưa không biết đường về nhà nếu mẹ không đi gọi...
Rồi mỗi khi mẹ giao chút việc nhà là con tôi phụng phịu, nhăn nhó, cháu thường "rên rỉ" kêu khổ, không muốn động chân động tay. Có lẽ để con tự giác làm việc nhà một cách vui vẻ cũng cần có “nghệ thuật”.
Khi con học lớp 1, ăn cơm xong tôi thường nhờ con cất giúp mẹ nồi cơm điện vào bếp. Uống nước, cháu hậu đậu hay làm đổ nước ra bàn, có khi còn đổ nguyên cả cốc nước đầy lênh láng ra nền nhà. Tôi cũng như bất cứ bà mẹ nào, lập tức cáu nhặng lên, quát mắng con. Con sợ run lên, mẹ sai gì thì làm, rất hoảng hốt vì phạm lỗi. Nhìn vẻ mặt con thật tội nghiệp, tôi chỉ nghĩ được thế khi mình đã bình tĩnh lại. Vậy là tôi dạy con, hướng dẫn con lúc mẹ và con đều vui vẻ. Nếu con lỡ tay làm đổ nước, con hãy tìm khăn lau bàn sạch sẽ, đổ ra sàn nhà thì lấy giẻ lau khô, con đi lại sẽ không trượt ngã. Con đừng rót nước đầy, rót lưng cốc một để uống thôi nhé. Thằng bé khá hậu đậu, tôi chấp nhận việc phải để mắt tới con nhiều hơn, có thể là gấp đôi gấp ba so với đứa trẻ khác.
Ngay cả việc hướng dẫn con tự tắm rửa, tôi cũng áp dụng khi con vào tiểu học. Mình mất công vài tháng, ngó nghiêng, xem con kì cọ sạch hết xà phòng chưa, con lau người khô ráo chưa, cứ để con tự làm và mẹ làm lại. Tôi dặn con cách pha nước nóng lạnh thế nào cho đủ ấm, luôn tắt bình nóng lạnh trước khi tắm để việc tắm rửa của con an toàn nhất.
Thời gian con nghỉ hè, tôi thường tận dụng để dạy con làm việc nhà: từ việc quét nhà, gấp quần áo, lấy quần áo từ máy giặt ra phơi, rửa bát đũa. Tôi cho rằng đó là khoảng thời gian tuyệt vời nhất mà bố mẹ có thể đồng hành cùng con, vì con không còn gánh nặng học hành, thi cử. Con trai tôi khá nghịch, cháu hay làm quáng quàng cho xong việc để chạy tót đi chơi. Tôi thường kiểm tra lại việc con làm, kiên trì hướng dẫn con làm cho đúng, gấp quần áo sao cho gọn gàng, phơi quần áo thế nào cho đúng, rửa bát sao cho sạch sẽ, úp bát đũa thế nào cho ráo nước, nhanh khô. Tiếp đến sẽ là việc con quét nhà, quét ngõ sạch sẽ, gom rác thành đống là hót đổ vào thùng rác. Cháu la toáng lên là nhiều việc quá, con không làm đâu. Mẹ xắn tay vào làm cùng con và giao hẹn, sáng nay con quét nhà quét ngõ cho mẹ, mẹ trả công con 1 nghìn. Chiều về, con gấp quần áo giúp mẹ, mẹ trả công 1 nghìn nữa nhé. Hết 1 tuần làm việc, con có 14 nghìn, mẹ thưởng thêm 1 nghìn nữa là đủ 15 nghìn để con mua truyện Đô rê mon. Vậy là con trai tôi làm việc nhà một cách hào hứng vì luôn có mẹ hỗ trợ.
Khi con vào guồng quay của năm học, tôi giao cho con làm những việc khi con đi học về: gấp quần áo, quét nhà, thỉnh thoảng tưới cây giúp mẹ, trông em khi bố mẹ cùng đi làm buổi tối. Thỉnh thoảng tôi đưa tiền cho con đi ra hàng tạp hóa gần nhà mua giúp mẹ gói bột canh, chai dầu ăn. Sách vở, bút mực của con cần mua mới, tôi cũng giao tiền cho con tự đi mua. Cháu còn biết mua hàng nhà cô bác nào giá rẻ hơn. Việc ăn sáng đều do con tự đi mua, mẹ giao hẹn bữa sáng của con với mức giá 6 nghìn, con ăn bánh mì, xôi tùy con lựa chọn. Tôi nhắc con sửa soạn quần áo buổi tối cho sáng hôm sau. Con tự lo ăn uống và đi bộ tới trường. Bố mẹ chỉ đưa đón con vào hôm mưa gió hoặc những hôm con dậy muộn.
Con trai tôi không phải là học trò giỏi tốp đầu trong lớp nhưng tôi lại rất vui vì thấy con mạnh dạn và tự tin, biết chủ động trong việc cá nhân và giúp bố mẹ việc nhà khá ổn. Dạy con "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình" chính là dạy con biết yêu quý công sức lao động mà bố mẹ bỏ ra, dạy con sớm biết đến trách nhiệm của một đứa trẻ. Tôi tin là bất cứ phụ huynh nào cũng có thể dạy con mình những "kĩ năng mềm" đơn giản đó nếu dành thời gian và tình yêu cho con một cách đúng mực.
Mỹ Đức
(Đông Anh, Hà Nội)