"Kéo áo" trên mạng kiếm tiền quá dễ, nữ sinh lớp 11 hỏi có nên học đại học?
(Dân trí) - Chỉ cần "kéo áo" livestream bán hàng vài tiếng mỗi tối, Th. đã bỏ túi cả triệu đồng tiền lời. Nữ sinh lớp 11 băn khoăn khi kiếm tiền dễ dàng như vậy thì có nên học đại học?
Chia sẻ tại một chương trình về hướng nghiệp diễn ra ở TPHCM, P. T. Th., học sinh lớp 11 ở Bình Dương cho biết, gần hai năm nay, vào buổi tối hoặc ngày cuối tuần, em bán hàng online (trực tuyến) cho dì ruột chuyên kinh doanh các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang.
Ban đầu, Th., có nhiệm vụ kiểm hàng, chốt đơn, đóng gói, lên mã vận hành. Tuy vậy, sau khi rèn luyện khả năng giao tiếp linh hoạt trước ống kính, Th. trực tiếp livestream (phát trực tiếp) bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.
Có vẻ ngoài xinh đẹp, trẻ trung thêm giọng nói "ngọt như mật", mỗi lần Th. lên hình là khách chốt đơn liên tục.
Th. thừa nhận để lên hình bán hàng trực tiếp phải có cái duyên và cũng phải có chiêu trò.
Mới đầu, Th. khá ngại ngần khi nhìn đàn chị "kéo áo" khoe eo, khoe bụng khi bán quần áo hoặc trà giảm cân, kem tan mỡ nhưng làm vài lần, nữ sinh cũng quen. Thao tác "hút khách" của cô gái 17 tuổi ngày càng tự nhiên, thành thạo.
Do còn đi học nên Th. chỉ làm thêm mỗi buổi 2-3 tiếng đồng hồ hoặc tranh thủ bán hàng vào ngày cuối tuần.
Mức thu nhập tính theo tỷ lệ đơn hàng thao thác thành công, thường Th. kiếm được 1-2 triệu cho một buổi lên sóng, thu nhập tăng gấp nhiều lần cho những đơn hàng có giá trị cao. Dù chưa làm chính thức nhưng mỗi tháng Th. có thể kiếm được 30-40 triệu đồng, chưa tính mùa cao điểm.
Cô gái trẻ dự tính vài năm nữa khi có vốn, tích lũy có đủ kinh nghiệm, cô sẽ xây dựng một hệ thống bán hàng riêng của mình. Th. tự tin mình làm tốt công việc này.
Khi việc kiếm tiền có thể nói là dễ dàng, lại đúng công việc yêu thích, đúng thế mạnh, Thảo băn khoăn về việc có nên theo học đại học.
Th. lo ngại nếu học đại học, cô sẽ đánh mất thời gian, cơ hội trau dồi kinh nghiệm công việc hiện tại.
"Em tìm hiểu được biết nhiều cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc đi làm với đồng lương bèo bọt. Kể cả đi làm 10-15 năm có khi lương cũng chỉ 10-20 triệu đồng, nhiều người phải chạy xe công nghệ, bán hàng online để kiếm thêm.
Vậy em có nhất thiết phải theo học đại học hay chỉ cần tham gia những khóa học ngắn hạn về lĩnh vực mình đang theo đuổi?", cô nữ sinh lớp 11 hỏi.
Th. dẫn chứng thêm, dì ruột của mình học đại học chuyên ngành báo chí nhưng bỏ việc để bán hàng online, một người anh họ học đại học đi làm vài năm rồi cũng bỏ về quê làm việc không liên quan gì đến ngành nghề được đào tạo.
Ở thế hệ trước, trước ngưỡng cửa đại học sẽ là câu hỏi: "Làm sao đậu đại học?" thì giờ đây khi ai cũng có thể đậu đại học lại là băn khoăn: "Có nên học đại học?".
Các bạn trẻ có nhiều lý do, lựa chọn khác theo học nghề sau phổ thông, đi xuất khẩu lao động, khởi nghiệp hay có những công việc dễ kiếm tiền như trường hợp của Th.
Con đường vào đời rộng mở
Trước thực tế đồng lương cử nhân quá bèo bọt so với nhiều công việc tự do, nhiều cử nhân "gác bằng" kiếm việc, một quản lý trong lĩnh vực giáo dục đại học cho hay, nhu cầu đi làm việc, có thu nhập là nhu cầu chính đáng của tất cả mọi người.
Tuy nhiên theo bà, nếu nóng vội, muốn thấy kết quả ngay lập tức thì có thể các bạn phải đánh đổi những kết quả còn lớn hơn nhiều lần cái chúng ta đạt được trước mắt.
Người này cho rằng, muốn có sự thành công xứng đáng thì phải có sự đầu tư về thời gian, công sức và cả tài chính dành cho học tập, tiếp thu những tri thức mới. Và học đại học vẫn là cách tốt nhất cho hành trình này.
Vốn sùng bái con đường học tập, ông Nguyễn Đức Lanh, một doanh nhân ở TPHCM cho hay, trước đây ông luôn nhấn mạnh đến sự ưu việt nào là thuận lợi nhất, dễ dàng nhất, bền vững nhất... của việc học đại học. Ai đề cập đến những lối đi khác, ông gạt phắt.
Vài năm đổ lại đây, dù vẫn khẳng định tri thức luôn giữ vai trò trong dài hạn nhưng ông Lanh không còn khăng khăng khuyên các bạn trẻ nhất định học đại học.
Ông thấy trước mắt mình không ít người có bằng cấp bước ra đời thất nghiệp, khó khăn, chật vật, túng thiếu.
"Bạn có thể học đại học, học từ thực tế, theo đuổi công việc mình yêu thích, đi xuất khẩu lao động… nếu xác định được điều đó tốt cho mình và cho gia đình. Chẳng sao hết! Mỗi người cần xác định con đường, lối đi phù hợp nhất cho mình", ông Lanh bày tỏ.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) chia sẻ trong quá trình làm việc, ông đã gặp nhiều trường hợp sinh viên chủ động nghỉ học đại học để tính toán những con đường khác như kinh doanh, khởi nghiệp…
Ông Thắng nêu quan điểm, thế giới hiện nay rất rộng, rộng đến nỗi mỗi người có thể tự hoạch định con đường riêng của mình. Các con bạn có thể lựa chọn con đường học dài, học từ từ, tự cân nhắc và sắp xếp lộ trình học tập… Thực tế hiện nay, nhiều bạn không có bằng đại học nhưng có thực lực, năng lực làm việc rất tốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghề nghiệp nhấn mạnh ý nghĩa công việc không chỉ nằm ở việc chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền mà còn mang nhiều giá trị khác về thể hiện đam mê, phát triển bản thân, cống hiến cho cộng đồng…