K12Online và tâm huyết với ngành giáo dục của Viettel
(Dân trí) - Với 100 triệu lượt truy cập trong chưa đầy một năm đi vào sử dụng, nền tảng quản lý học và thi trực tuyến K12Online do Viettel Solutions phát triển đã và đang mang lại một giải pháp toàn trình, góp phần chuyển đổi số ngành giáo dục.
Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát năm 2021, nền tảng K12Online do Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) phát triển đã hỗ trợ khởi tạo tài khoản cho gần 400.000 giáo viên và 3,4 triệu học sinh đến từ 35.000 cơ sở giáo dục thuộc 63 tỉnh/thành phố. Kho học liệu trên hệ thống có tới 2,5 triệu học liệu, bao gồm bài giảng, bài kiểm tra, lớp học ảo. Nền tảng đã đồng hành cùng 4000 cuộc họp trực tuyến, 600 hội nghị trực tuyến và hơn 243.000 lớp học ảo. Số lượt truy cập đồng thời luôn duy trì ở mức 146.000, có thời điểm lên tới 289.000. Sau chưa đầy một năm đi vào sử dụng, K12Online đã cán mốc 100 triệu lượt truy cập.
Trước khi đại dịch xảy ra, Viettel đã xây dựng nhiều nền tảng số cho ngành giáo dục. Trong thời gian đại dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng, nền tảng số nào của Viettel cho ngành giáo dục đang phát huy hiệu quả?
- Ông Phạm Anh Đức - Phó TGĐ Viettel Solutions: Trong hơn một thập kỷ qua, Viettel đã đồng hành cùng ngành giáo dục triển khai các giải pháp tổng thể, nhằm nâng cao chất lượng quản lý đào tạo. Khi dịch bệnh bùng phát, nhóm các giải pháp hỗ trợ đào tạo như ViettelStudy và K12Online đã phát huy tối đa hiệu quả, hỗ trợ thầy trò "tạm dừng đến trường, không dừng việc học".
Từ năm 2018-2019, chúng tôi triển khai Mạng xã hội học tập ViettelStudy - là nền tảng để thầy cô và các đơn vị cung cấp nội dung có không gian để sáng tạo bài giảng và học sinh chủ động tìm kiếm khóa học phù hợp với bản thân. ViettelStudy là nền tảng có nhiều điểm tương đồng với Coursera nhưng do người Việt phát triển với mục tiêu hướng đến phục vụ người Việt. Khác với Coursera, không chỉ hoạt động như một sàn thương mại điện tử, ViettelStudy còn có tính chất như một mạng xã hội để thầy cô và học sinh trao đổi, tương tác với nhau.
Nếu như ViettelStudy tập trung xây dựng một cộng đồng học tập suốt đời thì K12Online chính là giải pháp quản lý toàn bộ quá trình dạy - học, đánh giá kiểm tra trong trường học, đưa mô hình quản lý của trường lên môi trường online mà vẫn bám sát các thông tư, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy học trực tuyến.
Với K12Online, thầy trò không chỉ được tham gia các lớp học thông qua hình thức tương tác trực tuyến quen thuộc, mà còn được sử dụng nhiều tiện ích phù hợp với kịch bản sư phạm khác như: giáo viên được phân công giảng dạy bởi nhà trường, chuẩn bị bài giảng, lập lịch học và giảng dạy online… Ngoài ra, hệ thống cũng hỗ trợ thi cử, đánh giá, quản lý toàn bộ quá trình học tập của học sinh và kết quả giảng dạy của thầy cô.
Hệ thống K12Online được xây dựng trong bối cảnh như thế nào? Diễn biến phức tạp của dịch bệnh gây ra những khó khăn, thách thức gì cho Viettel trong việc phát triển và hoàn thiện hệ thống này?
- K12Online ra đời trong thời điểm căng thẳng nhất của dịch bệnh. Đối với chúng tôi, thời điểm này chính là cú hích hơn là thách thức. Bởi lẽ đại dịch góp phần thúc đẩy tiến trình thay đổi thói quen dạy - học từ trực tiếp sang trực tuyến và kết hợp. Đối với người làm sản phẩm, đại dịch cũng là cú hích mà không phải lúc nào chúng ta cũng có được.
Trong điều kiện bình thường, nếu muốn triển khai một hệ thống lớn như K12Online hẳn sẽ vấp phải nhiều khó khăn, bởi nhiều thầy cô, phụ huynh và học sinh sẽ chưa chắc sẽ trải nghiệm hình thức học tập này. Tuy nhiên, đại dịch giúp chúng ta thích nghi nhanh chóng với việc học trực tuyến. Việc thay đổi thói quen học tập này đã trở thành động lực để Viettel nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm và cải tiến theo nhu cầu của người dùng từng ngày.
Trong vai trò của người chỉ đạo phát triển dự án, ông thấy nền tảng K12Online của Viettel có điểm gì khác so với các giải pháp đang có trên thị trường?
- K12Online là giải pháp quản lý, học - thi và sinh hoạt chuyên môn toàn trình và không giống với các lớp học tương tác qua Zoom, Teams… đang phổ biến tại thời điểm hiện tại. Thực tế, rất nhiều người lầm tưởng giữa các giải pháp học online tương tác trực tuyến với một hệ thống quản lý học online toàn trình đúng nghĩa.
Về phía nhà trường, các đơn vị có thể theo dõi quá trình giảng dạy của thầy cô trên môi trường số, thay vì hình thức dự giờ như truyền thống. Từ đó, dễ dàng đánh giá được thầy cô quản lý lớp thế nào, học sinh học tập nghiêm túc hay không, chất lượng bài giảng ra sao..
Với K12Online, thầy cô có thể quản lý toàn bộ quá trình dạy học, từ việc chuẩn bị giáo án cho tới tổ chức lớp học, điểm danh học sinh có tham gia học tập và chuẩn bị bài đầy đủ không, đến việc đánh giá kết quả học tập của học sinh. Thầy cô cũng có thể lưu trữ và tái sử dụng giáo án cho những năm học sau, hoặc thậm chí tham khảo giáo án của thầy cô khác và hoàn thiện phương pháp giảng dạy của mình. Điều này hoàn toàn khác với việc thầy trò gặp nhau thông qua tính năng tương tác trực tuyến rồi quản lý kết quả học tập qua một tờ giấy, hoặc soạn giáo án trên 1 slide hoặc công cụ khác.
Không chỉ nhà trường, giáo viên có thể theo dõi học sinh, mà phụ huynh cũng dễ dàng nắm bắt tình hình học tập của con. Khi chưa hiểu rõ bài giảng hoặc vì một lý do nào đó không tham gia được buổi học, học sinh có thể xem lại bất cứ lúc nào.
Vì vậy, tôi thấy việc học online có nhiều ưu điểm, thậm chí xét trên một vài khía cạnh còn mang đến thuận lợi cho người dùng hơn cả hình thức học tập truyền thống.
Với K12Online, những yêu cầu của Bộ Giáo dục được đáp ứng như thế nào? Có điểm gì vượt trội hơn yêu cầu của cơ quan quản lý?
- Theo Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ban hành tháng 3/2021 vừa qua, có 3 loại phần mềm hỗ trợ dạy học trực tuyến, đó là: Phần mềm tổ chức dạy học online, Hệ thống quản lý học tập trực tuyến và Hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến. Trong đó, K12Online là nền tảng toàn trình, hỗ trợ dạy học, quản lý, khảo thí và sinh hoạt chuyên môn ở mức cao nhất.
Bằng việc ứng dụng công nghệ, chúng tôi nỗ lực mang đến trải nghiệm tuyệt vời hơn cho người dùng. Ví dụ như về việc điểm danh, yêu cầu của Bộ đã ở mức cao, nhưng với công nghệ trí tuệ nhân tạo, nền tảng K12Online dễ dàng định danh học sinh, nhận dạng được em nào đang sử dụng hệ thống mỗi khi đăng nhập
Cái khó nhất trong việc xây dựng một hệ thống lớn đó là đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ và phù hợp với người dùng chứ không phải làm ra sản phẩm hoành tráng nhưng không ai hiểu được và dùng được. Chúng tôi luôn đánh giá cao việc tối ưu giao diện để mọi đối tượng, từ trẻ em tiểu học cho tới thầy cô, cán bộ quản lý ở các độ tuổi khác nhau đều dễ dàng sử dụng, không gặp khó khăn gì.
Khi vận hành một hệ thống phức tạp với số lượng người dùng lớn, theo ông, sẽ có những khó khăn gì và giải pháp nào có thể tháo gỡ, đặc biệt là vào thời điểm hiện tại?
- Như đã trao đổi, người Viettel không nghĩ đến khó khăn mà nghĩ đến cơ hội. Với chúng tôi, đây là cú hích để xây dựng được một hệ thống lớn và qua đó, đội ngũ của chúng tôi trưởng thành rất nhanh. Tuy nhiên, để vận hành được hệ thống này cần sự chuyên nghiệp.
Chuyên nghiệp ở đây không đơn giản chỉ là một từ. Nó thể hiện ở quy trình vận hành, công cụ vận hành. Viettel chúng tôi có triết lý của riêng mình. Hệ thống này được triển khai trong vòng 5 ngày, từ cài đặt hạ tầng server tới ứng dụng…. Điều đó gần như không khả thi nếu các đơn vị khác làm.
Quá trình vận hành hệ thống, chúng tôi sử dụng quy chuẩn vận hành khai thác của Ericsson. Không hệ thống nào đưa ra mà cứ chạy, không gặp bất cứ vấn đề gì. Đơn giản như cái xe của chúng ta cũng vậy. Quan trọng là làm sao để giám sát và phát hiện được nguy cơ và xử lý nguy cơ cũng như sự cố phát sinh trong thời gian nhanh nhất để không gián đoạn người dùng.
Chúng tôi cũng sử dụng phần mềm để tác động vào hệ thống trong quá trình vận hành. Nó làm giảm những nguy cơ sai sót mang yếu tố con người.
Ông ấn tượng nhất với điều gì trong quá trình phát triển, triển khai hệ thống?
- Chúng tôi triển khai xây dựng K12Online trong vòng 1 tháng. Dịp khai giảng năm học mới chính là sức ép để chúng tôi phải đưa hệ thống vào phục vụ cho hơn 3 triệu học sinh và 400.000 giáo viên, 35.000 trường học và các điểm đào tạo.
Trong thời gian đó, cán bộ công nhân viên của tổng công ty, cán bộ công nhân viên Viettel tại các tỉnh/thành phố đều tham gia. Mọi người vẫn nói vui đó là một chiến trường vì không có gì đưa vào mà không gặp vấn đề. Vấn đề đầu tiên là tương tác với thầy cô, giúp thầy cô và học sinh có thể sử dụng tốt. Chúng tôi cũng liên tục hỗ trợ các thầy cô làm quen với hệ thống.
Cuộc đời con người, có thể chỉ có một cơ hội như thế thôi. Trong một thời gian ngắn, chúng tôi tiếp cận với nhiều thầy cô giáo viên, các em học sinh, lắng nghe những phản hồi, những góp ý nhiều chiều của thầy cô… Dù thế nào, đó vẫn là trải nghiệm lớn cho cả ngành giáo dục nói chung và Viettel nói riêng.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng nên kết hợp việc học online với học tại trường lớp. Trong trường hợp đó, K12Online nói riêng và các sản phẩm khác trong hệ sinh thái giáo dục của Viettel có thể hỗ trợ hình thức học tập này hay không?
- Mục tiêu của chúng tôi với K12Online không chỉ là trong giai đoạn dịch bệnh. Như đã đề cập ở trên, giải pháp của chúng tôi là toàn trình, việc học tương tác trực tuyến chỉ là một tính năng trên K12Online. Khi không có Covid-19, khi không phải bắt buộc học online, thầy trò vẫn có thể sử dụng hệ thống ấy để quản lý giáo dục. Các thầy cô vẫn được phân công, vẫn được lập thời khóa biểu, vẫn có thể soạn giáo án và giáo án ấy vẫn có thể được giảng dạy trên lớp cũng như chuyển cho các con để các con có thể về nhà tự ôn thêm. Vẫn có bài thi, vẫn có đánh giá và điểm thể hiện ngay trên học bạ điện tử.
Về quan điểm học online phối hợp với offline, tôi thấy thế giới đã làm rồi. Nhiều chứng chỉ, bằng cấp từ quá trình đào tạo online có giá trị tương đương với hình thức đào tạo truyền thống. Tôi tin rằng học online là một xu thế quan trọng trong giáo dục tương lai.
Tiềm năng của thị trường học online là vô cùng lớn. Ví dụ, như cá nhân tôi, dù bận đi làm nhưng tôi vẫn đang học một vài khóa trực tuyến trên Coursera. Tri thức mà các trường đưa lên đó, bao gồm cả các khóa học của Harvard hay nhiều trường nổi tiếng khác, mình đều có thể lĩnh hội.
Thị trường học online sẽ rất phát triển. Với tầm nhìn học tập suốt đời long-life learning được định hướng bởi Bộ GD&ĐT, mỗi chúng ta không chỉ học trên ghế nhà trường, ghế giảng đường mà học suốt đời. Chúng ta có thể học tri thức và mang theo tri thức đó bên mình. Online hỗ trợ tốt hơn offline ở điểm đó.
Cùng với tiềm năng ông vừa chia sẻ, hệ sinh thái giáo dục của Viettel sẽ hướng tới các mục tiêu như thế nào trong thời gian tới?
- Trong suốt hơn một thập kỷ qua, chúng tôi làm số hóa, chuyển đổi số từ hoạt động quản lý cho tới hoạt động giảng dạy. Trong quá trình này, Viettel mong muốn ứng dụng công nghệ để thay đổi thói quen, hành vi quản trị, học tập trên môi trường số. Khi hành vi con người Việt Nam ta thay đổi, Viettel sẽ tiếp tục tạo ra các nền tảng để các trường đại học trong nước và thế giới đóng góp tri thức để cung cấp cho toàn bộ người dân Việt Nam. Chúng tôi đang mong muốn vươn tầm khu vực với sự hợp tác cùng các trường tầm cỡ quốc tế.
Không chỉ riêng lĩnh vực giáo dục mà với các nền tảng số, đại dịch Covid-19 là cú hích rất lớn. Anh chị em vẫn hay nói Covid-19 ảnh hưởng tới doanh thu nhưng tôi vẫn nói rằng đây là cơ hội nhiều hơn là thách thức. Đó là cơ hội để các bạn hoàn thiện sản phẩm và thúc đẩy được những giải pháp.
Cách mạng cần một nỗi đau nào đó. Không tự nhiên mà cách mạng được tạo ra khi mọi người đều vui vẻ cả. Tôi xin nhấn mạnh rằng, Covid-19 không phải là vấn đề mà là cú hích lớn cho các doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số như Viettel.