Thừa Thiên - Huế:

Hủy trồng keo, hiến đất xây trường

(Dân trí) - Nhận thấy địa phương đang cần đất để xây trường học, anh Hồ Văn Bình ở thôn A Năm (xã Hồng Vân, huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế) đã quyết định hủy hơn 1ha đất đang trồng cây keo để dành đất cho việc xây dựng ngôi trường cấp 3 cho xã.

Hủy trồng keo, hiến đất xây trường - 1
Anh Hồ Văn Bình với ngôi trường cấp 3 đầu tiên của xã mọc lên ngay sau nhà mình.

 

Ngôi trường cấp 3 đầu tiên của xã Hồng Vân, Hồng Kim, Hồng Thủy mọc lên ngay sau vườn cây nhà anh Bình thay thế cho vườn cây keo xanh tốt. Giờ đây, dù anh Bình và vợ con phải đi xa hơn qua mấy con dốc, qua mấy con suối để đi lên rẫy sản xuất kinh tế, dù khó khăn về cái ăn cái mặc luôn đè lên vai nhưng anh vẫn thỏa lòng.

 

“Nhà có ba đứa con, đứa học sáng đứa học chiều mà thấy chúng đi học cực lắm. Đứa học cấp 2, đứa học cấp 3 mà học chung một phòng, chúng phải dậy từ sớm đi bộ cả chục cây số để đến trường, rồi còn đi về nữa, cực quá” - anh Bình tâm sự.

 

Những người dân như gia đình anh Bình là điển hình về tấm lòng của những người dân tộc thiểu số Pakoh, Cơ Tu, Tà Ôi đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của các thế hệ sau qua việc hiến đất xây trường học, cho con cháu có được con chữ.

 

Ông Nguyễn Xuân Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Vân, cho biết: “Bước đầu vận động bà con cũng khó khăn lắm vì bà con không hiểu được ý nghĩa của việc sử dụng đất, cứ nghĩ là Nhà nước “lừa” lấy đất của dân. Nhưng từ sau năm 1998, sau khi tuyên truyền và công tác dân vận được bà con hiểu thì việc hiến đất bà con được bà con thực hiện rất nhiệt tình”.

 

Khi nghe Nhà nước phổ biến về lợi ích giáo dục, bà con nơi đây hiểu ra được con cháu của mình đang cần và thiếu những gì. Thấy con cháu mình phải học trong những ngôi trường nhỏ bên dốc núi, học chung nhau hai ba ca mỗi ngày, cơ sở vật chất thiếu thốn, bà con tình nguyện mang mảnh đất mà họ phải nhọc nhằn phát núi xẻ rừng mới có được để Nhà nước xây trường học.

 

Chính ông Hồ Văn Thiết, Phó Chủ tịch Hội đồng UBND xã Hồng Vân, cũng là một người đi đầu trong phong trào hiến đất của xã. Ông Thiết đã dành 6.000m2 đất canh tác của gia đình mình đưa vào đất công để xây trường. Ông vui vẻ cho biết: “Con cháu mình biết con chữ sướng hơn nhiều chứ, có thế mới đuổi đi được thằng “giặc dốt” bám dai dẳng người Pakoh lâu nay".

 

Dẫu bà con Pakoh, Tà Ôi, Cơ Tu của xã Hồng Vân luôn phải mang nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng trên hai vai nhưng những người con cháu Bác Hồ trên đỉnh Trường Sơn đầy nắng gió và bom đạn này đang làm theo lời Bác, chấp nhận khó khăn về phần mình để phục vụ lợi ích cho cả dân tộc.

 

65 tuổi - cái tuổi mà mọi người đã nghỉ công việc nương rẫy để phụ giúp con cái việc trông cháu, bà Kăn Đào ở thôn Ka Cú 2 hàng ngày vẫn lên rẫy chăm cái sắn cái ngô. Bà cũng là người làm cả thôn phải ngạc nhiên cho rằng bà là người bị “khùng” khi đưa miếng đất diện tích hơn 2.000m2 ngay bên nhà mình cho Nhà nước xây trạm y tế. Dù bà không có mảnh đất nào gần đó để đi nương cho gần khi mà tuổi đã cao, sức khỏe không còn được như xưa nhưng bà vẫn vui vẻ hiến đất. Bà bảo: “Thiếu gạo có thể ăn ngô, khoai sắn nhưng thiếu sức khỏe không có gì thay thế được. Bà con đang cần đất xây trạm y tế là tôi sẵn sàng ngay”. 

 
Hủy trồng keo, hiến đất xây trường - 2
Bà Kăn Đào đứng bên mảnh đất cạnh nhà mình đã hiến đất để Nhà nước xây dựng trạm y tế xã.

 

Bài và ảnh: Ngô Toàn