Hơn 6.000 giảng viên đại học tham gia thanh kiểm tra thi tốt nghiệp THPT
(Dân trí) - Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại tỉnh Hưng Yên chiều ngày 4/7.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến kỳ thi và đã phân cấp cho địa phương chủ động tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn. Bộ GDĐT vẫn chịu trách nhiệm chung, trong đó có việc xây dựng đề thi; phần mềm chấm thi trắc nghiệm; công tác tập huấn; tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra tất cả các khâu của kỳ thi…
Chia sẻ về điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng nhắc đến việc có thêm sự tham gia của thanh tra Chính phủ và thanh tra cấp tỉnh. Năm nay, dù không huy động lực lượng từ đại học tham gia coi thi, chấm thi, nhưng Bộ GDĐT huy động lực lượng hơn 6000 cán bộ, giảng viên đại học tham gia công tác thanh kiểm tra các khâu của kỳ thi.
“Kỳ thi năm nay, cùng một đối tượng, một thời gian nhưng có 3 lực lượng thanh tra. Chúng tôi đã làm việc với Thanh tra Chính phủ để các khâu không bị chồng chéo. Cán bộ làm công tác thanh tra cũng được tập huấn để làm tốt nhiệm vụ”, Bộ trưởng thông tin.
Để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ trưởng cho rằng cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia và các Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; phối hợp chặt chẽ trong Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh. Trong đó, Ban Chỉ đạo các cấp phải phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, tránh chung chung.
Các địa phương cũng cần quán triệt sâu rộng để tất cả những người tham gia kỳ thi hiểu rõ được trách nhiệm, “đều tay” trong thực hiện nhiệm vụ và có sự phối hợp nhịp nhàng. “Trong hàng ngàn người tham gia vào kỳ thi, chỉ 1-2 người còn "lơ mơ" sẽ ảnh hưởng tới kết quả chung”, Bộ trưởng nhận định.
Hồng Hạnh