Hôm nay, học sinh cả nước dự Lễ Khai giảng năm học mới

(Dân trí) - Hôm nay 5/9, hàng triệu học sinh trên cả nước náo nức tới trường dự Lễ khai giảng năm học mới 2015-2016. Lễ khai giảng năm nay khác với mọi năm sẽ không còn những bài diễn văn, không có những báo cáo thành tích dài lê thê, mà khai giảng thực sự là ngày hội vì học sinh.

Chủ tịch nước: Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập

Nhân dịp năm học mới, vào ngày 1/9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có thư gửi các cán bộ, giáo viên, các bậc phụ huynh và HS, SV cả nước. Trong thư Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Năm học mới 2015-2016, ngành giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua "dạy tốt, học tốt" và thực hiện có kết quả các nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Cần nghiên cứu kỹ, chuẩn bị chu đáo, chú ý lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản ánh, góp ý của nhân dân, các nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh để các biện pháp đề ra thực hiện đạt kết quả cao, tạo được sự đồng thuận xã hội”.

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, gia đình và xã hội tiếp tục quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục; tạo điều kiện tốt hơn, đầy đủ hơn cho việc học tập, rèn luyện và phấn đấu của con em chúng ta.

Khai giảng sẽ không có đọc diễn văn

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hôm nay Hà Nội có hơn 1,7 triệu học sinh tập trung khai giảng năm học mới. Với quy mô học sinh đông nhất cả nước, việc tổ chức khai giảng trong cùng một ngày là một nét mới và các nhà trường phải bàn kỹ việc tổ chức như thế nào cho hợp lý. Ở bậc học mầm non, nội dung lễ khai giảng sẽ do các địa phương xây dựng phù hợp với lứa tuổi. Còn tại các bậc học phổ thông, giáo dục thường xuyên, lễ khai giảng không thể thiếu nghi lễ chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước. Sau khai giảng, tiết học đầu tiên của THCS, THPT là nếp sống thanh lịch văn minh. Các lãnh đạo đến dự sẽ không đọc diễn văn mà sẽ thay bằng hành động đánh trống, tặng hoa, phát biểu ngắn gọn. 

“Chúng tôi đã yêu cầu nhà trường phối hợp với địa phương, ngành điện và đề nghị CATP Hà Nội hỗ trợ để đảm bảo an toàn, trật tự xung quanh khu vực trường học trong ngày khai giảng” – ông Thống cho hay.

Khẳng định với báo chí, bà Ngô Thị Thanh, Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Từ Liêm cho biết, khai giảng hôm nay 5/9 sẽ không còn diễn văn báo cáo thành tích.

Bà Thanh cho rằng, với tinh thần đổi mới, tập trung vào học sinh, lễ khai giảng năm nay của trường Tiểu học Nam Từ Liêm sẽ bắt đầu với lời tuyên bố khai giảng của Hiệu trưởng thay cho bài diễn văn dài dòng theo khuôn thước cũ. Không kể lại những thành tích đạt được của thầy cô giáo, của nhà trường các năm học trước, Hiệu trưởng chỉ phát biểu ngắn gọn với mục tiêu tạo động lực cho toàn trường bước vào năm học mới. Học sinh tiểu học rất thích các hoạt động văn nghệ, thể thao, bởi vậy việc hạn chế các bài phát biểu dài dòng, sẽ phù hợp với học sinh hơn trong ngày khai giảng.

Theo bà Thanh, khai giảng không thể thiếu các nghi lễ trang trọng mà các em cần tham gia như chào cờ, hát Quốc ca… Khung cảnh nhà trường trong ngày này cũng rất quan trọng. Nếu được trang hoàng vui tươi, nhiều màu sắc sẽ tạo cho các em ấn tượng đẹp ngay trong những ngày đầu tiên đến trường.

Còn trường THCS Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), khai giảng năm nay chú trọng vào việc chào đón học sinh lớp 6 khi tổ chức riêng một ngày hội mang tên “Chào lớp 6”. Đây không phải là giờ tập trung trên lớp thông thường mà là các trải nghiệm đầy lý thú.

Hôm nay, học sinh cả nước dự Lễ Khai giảng năm học mới - 1

Học sinh lớp 1 háo hức bước vào lễ khai giảng năm học mới

Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên cả nước bước vào năm học mới

Nhiệm vụ của ngành giáo dục trong năm học mới là tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động của ngành Giáo dục, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo dự báo của Bộ GD-ĐT, năm học 2015-2016 có hơn 4,5 triệu trẻ tham gia vào bậc học mầm non, hơn 15 triệu học sinh (HS) phổ thông các cấp, gần 350.000 HS trung cấp chuyên nghiệp và gần 2,3 triệu sinh viên (SV) đại học, cao đẳng.

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã ban hành chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2015-2016. Theo đó, nhiệm vụ chung của các cấp học là tiếp tục triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; giáo dục, bồi dưỡng ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho học sinh gắn với việc đưa nội dung các cuộc vận động và phong trào thi đua của ngành thành hoạt động thường xuyên trong mỗi đơn vị, cơ sở giáo dục.

Đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, kết quả xóa mù chữ; tăng cường công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; đa dạng hóa hình thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh.

Thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh thuộc diện chính sách xã hội, học sinh ở miền núi, dân tộc thiểu số, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, quan tâm tạo cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật và học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

anh-05092015-1441368121244

Cả nước có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới

Một trong những điểm mới năm nay đó là Lễ Khai giảng tổ chức thống nhất trên toàn quốc vào buổi sáng ngày 5/9/2015 - “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Nội dung Lễ Khai giảng chú trọng tổ chức việc đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước và các hoạt động tập thể (văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian…), đảm bảo Lễ Khai giảng thực sự trở thành ngày hội khai trường.

Chung vui cùng khí thế háo hức của ngành Giáo dục, trong ngày 5/9, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ sẽ đến dự Lễ khai giảng ở một số địa phương. Cụ thể, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến dự Lễ khai giảng ở Trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang); Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng - Phó Chủ tịch Quốc hội dự Lễ khai giảng ở trường Tiểu học Nguyễn Huệ, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang); Đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội dự Lễ khai giảng ở trường Dân tộc Nội trú Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình); Đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư dự Lễ khai giảng ở trường THPT Nguyễn Trung Trực, Thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang)…

Nguyễn Hùng

(Email hungns@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm