Hội thảo quốc tế về chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục
(Dân trí) - Ngày 6/12, Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay: Xu hướng Việt Nam và thế giới ” chính thức khai mạc tại Hà Nội. Hội thảo do Học viện Quản lý Giáo dục tổ chức.
GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, mục đích của Hội thảo nhằm tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo giữa các cơ sở giáo dục trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, tạo diễn đàn cho các nhà nghiên cứu giáo dục, hoạch định chính sách, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo trong nước, quốc tế chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn và kết quả nghiên cứu về nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế.
Hội thảo đã thu hút nhiều diễn giả của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục đến từ các trường ĐH, Viện nghiên cứu quốc tế như: Hoa Kỳ, Úc, Singapore, Pháp, New Zealand, Mailaixia, Thái Lan…và các tổ chức quốc tế như WB, ADB, UNESCO… với 200 bài viết.
Lãnh đạo Học viện chụp ảnh với các đại biểu
GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho biết, hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề như quy hoạch mạng lưới đào tạo các trường sư phạm, khoa sư phạm; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Đồng thời dự báo nhu cầu về đội ngũ nhà giáo, liên kết đào tạo giữa các trường sư phạm, các khoa sư phạm, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý với các đơn vị, tổ chức trong - ngoài nhà trường; đánh giá chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Đặc biệt, hội thảo bàn về chính sách, điều kiện và môi trường tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay như: Cơ sở vật chất, lương, chế độ khen thưởng, đãi ngộ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Nhật Hồng