Hội thảo "Hợp tác giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định"

(Dân trí) - Nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, đồng thời nỗ lực tạo chuyển biến trong công tác dạy và học tiếng Anh, ngày 14/7, Sở GD-ĐT Nam Định đã tổ chức hội thảo "Hợp tác giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định".

Hiện nay, hầu hết việc giảng dạy tiếng Anh trong các nhà trường vẫn đi theo lối mòn, nặng về lý thuyết và chưa chú trọng tới thực hành; năng lực của các giáo viên chưa được đồng đều và đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn.

Để khắc phục những việc trên, Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định luôn tích cực xây dựng các chương trình mang tính giải pháp như tổ chức rà soát và mở các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho giáo viên ở trong nước và nước ngoài, tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi và các hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Đồng thời chỉ đạo tổ chức các hội thi hùng biện tiếng Anh ở các cấp học dành cho học sinh, tạo sân chơi bổ ích và khuyến khích phong trào dạy - học nghe và nói tiếng Anh cho các em, mời các giáo viên tình nguyện là người nước ngoài về dạy tiếng Anh cho một số trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là việc triển khai thí điểm việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh tại THPT chuyên Lê Hồng Phong...

Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn mang tính nhỏ lẻ. Nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp để đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục trên toàn địa bàn; tạo cơ hội tìm hiểu và giao lưu giữa những người làm quản lý giáo dục tại Nam Định với các đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo cho các nhà trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã tổ chức hội thảo "Hợp tác giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định".

Hội thảo Hợp tác giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định.
Hội thảo "Hợp tác giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định".

Tại buổi hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: "Nam Định sẽ quyết tâm tạo ra bước chuyển biến trong công tác dạy và học tiếng Anh những năm tới".

Đại diện trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) cũng đã chia sẻ kinh nghiệm của trường trong việc phối hợp với một đơn vị cung cấp dịch vụ đào tạo để nâng cao năng lực tiếng Anh cho học sinh. Theo đó, mỗi chương trình được triển khai trong các nhà trường cần có sự giám sát chặt chẽ cả từ ba bên: trung tâm đào tạo, nhà trường và Sở Giáo dục và Đào tạo hoặc Phòng Giáo dục của địa phương sở tại. Qua mỗi kì học, cần tiến hành đánh giá học sinh qua các bài kiểm tra theo chuẩn Khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam (khung 6 bậc) để tổng kết hiệu quả và tìm ra những thiếu sót, nguyên nhân tồn tại, từ đó thống nhất giải pháp và thống nhất quy chế phối hợp giữa các bên một cách chặt chẽ.

Hội thảo Hợp tác giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định.
 Giáo viên Bản ngữ Sydney trong 1 buổi dạy tại trường THCS Trần Đăng Ninh, thành phố Nam Định

Là tỉnh hiện có gần 92.000 học sinh các cấp từ tiểu học tới trung học phổ thông đang theo học chương trình tiếng Anh hệ 10, Nam Định đang thực hiện áp dụng các phương pháp đổi mới song song với các chương trình đào tạo tiếng Anh. Đồng thời liên tục xây dựng dữ liệu những ngân hàng câu hỏi phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá học sinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo để nâng cao hiệu quả công tác khảo thí và kiểm định chất lượng đào tạo ngoại ngữ.

Đức Văn
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm