Hội đồng giáo sư nhà nước cảnh báo về tạp chí quốc tế kém chất lượng
(Dân trí) - Hội đồng giáo sư nhà nước tăng cường khâu hậu kiểm về hồ sơ và kết quả xét của HĐGS cơ sở và HĐGS ngành, liên ngành; Đề nghị thẩm định chất lượng nội dung bài báo quốc tế, tạp chí quốc tế...
Đó là ý kiến của Chánh Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước Trần Anh Tuấn trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí về loạt bài: Ứng viên giáo sư trường ĐH Kinh tế quốc dân: Năm 2020 có 27 bài báo quốc tế, Rầm rộ thị trường mua – bán bài báo quốc tế , Công bố quốc tế của ứng viên tăng vọt: Liệu chất lượng có đảm bảo? , Trách nhiệm Hội đồng giáo sư các cấp là ngăn chặn các nhà khoa học dỏm …mà báo Dân trí đã phản ánh.
Thực hiện rà soát hồ sơ của ứng viên GS,PGS khi có phản ánh
Phóng viên: Thưa ông, báo Dân trí có nhận được phản ánh, hiện nay có rất nhiều bài báo quốc tế của một số ứng viên giáo sư, phó giáo sư năm nay đăng ở tạp chí nước ngoài không có chất lượng. Vậy, Hội đồng GS Nhà nước có ý kiến gì về vấn đề này và có thực hiện hậu kiểm lại hồ sơ các ứng viên hay không? Đồng thời có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Chánh Văn phòng Hội đồng GSNN Trần Anh Tuấn: Năm 2019, một số bài báo khoa học của ứng viên đăng trên các tạp chí quốc tế không có chất lượng đã được phát hiện và loại bỏ thông qua phản ánh từ phía xã hội và qua hoạt động kiểm tra, rà soát hồ sơ của các ứng viên.
Theo kế hoạch, năm 2020, ngoài việc cung cấp các quy định, các đường link về tạp chí quốc tế trên trang web, Hội đồng giáo sư (HĐGS) nhà nước đã chỉ đạo các cơ quan và đơn vị chức năng thực hiện nghiêm việc giám sát, kiểm tra, thanh tra quá trình hoạt động và kết quả xét của HĐGS cơ sở, HĐGS ngành, liên ngành để kịp thời tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh gắn với việc tăng cường khâu hậu kiểm về hồ sơ và kết quả xét của HĐGS cơ sở và HĐGS ngành, liên ngành.
Phóng viên: Gần đây, quỹ Nafosted đã ban hành danh mục Tạp chí quốc tế uy tín, và Tạp chí ISI uy tín (2019), trong danh sách đã loại bỏ tất cả tạp chí Q4 do ISI xếp hạng và không đề cập đến tạp chí thuộc danh mục Scopus. Có ý kiến cho rằng, nếu Hội đồng giáo sư sử dụng danh mục tạp chí này là điều kiện cho các ứng viên chức danh giáo sư hoặc cho cả chức danh phó giáo sư thì chắc chắn sẽ loại bỏ được “tương đối” một số ứng viên háo danh và hãnh tiến. Ý kiến ông thế nào?
Chánh Văn phòng Hội đồng GSNN Trần Anh Tuấn: Năm 2019, trên cơ sở quy định tại Thông tư số 37/2014/TT-BKHCN ngày 12/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quản lý đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia tài trợ, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ đã ban hành 02 Quyết định liên quan đến tạp chí quốc tế có uy tín: Quyết định số 151/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 09/8/2019 phê duyệt Danh mục tạp chí quốc tế có uy tín, ISI có uy tín trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật; Quyết định số 251/QĐ-HĐQL-NAFOSTED ngày 11/12/2019 phê duyệt Danh mục tạp chí quốc tế có uy tín trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.
Theo đó, quy định tại Điều 2 của Thông tư 37 về tạp chí quốc tế có uy tín trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật đã được Quyết định số 151 đã cụ thể hóa, gồm: Danh mục 6940 tạp chí thuộc thuộc nhóm Q1-Q3 trong các tạp chí SCIE và Danh mục 2277 tạp chí thuộc SCI (tạp chí chất lượng hàng đầu của các ngành được lựa chọn từ tạp chí quốc tế có uy tín).
Xuất phát từ mục tiêu của Quỹ là nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, hướng tới chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy hợp tác và hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học, nên việc xét duyệt và giao đề tài phải thông qua một quy trình thẩm định rất nghiêm ngặt về đội ngũ thực hiện và các điều kiện liên quan.
Các yêu cầu về kết quả đề tài cũng rất cụ thể: Kết quả nghiên cứu của đề tài trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật phải có ít nhất 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín, trong đó Chủ nhiệm đề tài phải là tác giả chính của ít nhất 01 bài báo.
Từ đó cho thấy, sở dĩ các đề tài NAFOSTED đặt yêu cầu cao về công bố kết quả là từ mục tiêu của Quỹ, có quá trình thẩm định, xét duyệt kỹ càng khi giao đề tài, được cấp kinh phí thực hiện (trong đó có kinh phí đăng báo quốc tế) và được giám sát, quản lý chặt chẽ.
Trong khi các ứng viên đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và không phải tất cả đều đã thực hiện đề tài NAFOSTED, nên Quyết định số 37 quy định tiêu chuẩn về bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (thuộc danh mục trong Web of Science (ISI), danh mục Scopus hoặc danh mục quốc tế khác do Hội đồng Giáo sư nhà nước quyết định trên cơ sở đề xuất của HĐGS ngành, liên ngành).
Hàng năm, HĐGS nhà nước xem xét phê duyệt Danh mục tạp chí được tính điểm theo đề xuất của các HĐGS ngành/liên ngành, trong đó có danh mục tạp chí quốc tế có uy tín phù hợp với tính chất, đặc điểm của ngành, chuyên ngành.
Đề nghị thẩm định chất lượng bài báo và uy tín của tạp chí đăng tải
Phóng viên: Nhìn vào thị trường mua – bán bài báo quốc tế rầm rộ hiện nay như báo Dân trí đã phản ánh, HĐGS nhà nước có quan điểm và ý kiến gì về vấn đề này?
Chánh Văn phòng Hội đồng GSNN Trần Anh Tuấn: Với xu hướng “toàn cầu hóa” trong “thế giới phẳng” và khoa học công nghệ phát triển như hiện nay thì việc đăng báo khoa học trên tạo chí quốc tế khá thuận lợi. Số lượng các tạp chí quốc tế ngày càng nhiều với mức độ đòi hỏi khác nhau về chất lượng.
Việc có tồn tại hay không thị trường mua - bán bài báo quốc tế cần phải được kiểm chứng, xác minh bởi các cơ quan chức năng. Thực tế này đòi hỏi các nhà khoa học cần chú ý tìm hiểu kỹ thông tin để có sự lựa chọn chính xác các tạp chí phù hợp với hướng nghiên cứu và nội dung bài báo dự định đăng. Không ít trường hợp do không tìm hiểu kỹ thông tin nên đã nộp bài đăng ở các tạp chí không có chất lượng.
Đối với các chuyên gia được phân công thẩm định hồ sơ ứng viên ở HĐGS cơ sở và HĐGS ngành, liên ngành, HĐGS nhà nước đã khuyến cáo và đề nghị cần chú ý thẩm định trên hai phương diện: nội dung, chất lượng bài báo và uy tín của tạp chí đăng tải.
Một mặt, HĐGS nhà nước cung cấp thông tin về các trang web có liên quan (trong và ngoài nước) để các chuyên gia và HĐGS các cấp tiện tra cứu trong quá trình thẩm định hồ sơ.
Đồng thời, kết quả xét hồ sơ ứng viên được công khai đầy đủ trên trang web của các cơ sở giáo dục đại học, website của HĐGS nhà nước để cộng đồng các nhà khoa học tham khảo và có ý kiến về hồ sơ ứng viên.
Ý kiến của xã hội luôn được coi là kênh thông tin quan trọng trong quá trình xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư hàng năm. HĐGS nhà nước luôn hoan nghênh và tiếp nhận xử lý kịp thời những thông tin, kiến nghị về các hồ sơ ứng viên.
Phóng viên: Thưa ông, các vòng xét từ Hội đồng cơ sở, Hội đồng GS ngành có nơi khá dễ dãi với ứng viên dẫn đến dư luận không tốt. Vậy, năm nay Hội đồng GS Nhà nước đã quán triệt như thế nào tới các Hội đồng giáo sư?
Chánh Văn phòng Hội đồng GSNN Trần Anh Tuấn: Một trong những hạn chế và vướng mắc trong quá trình xét năm 2019 ở một số HĐGS là lúng túng trong việc xác định bài báo quốc tế uy tín và chưa thống nhất cách hiểu về khái niệm“không đủ” về một số tiêu chuẩn (công trình khoa học, thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu sinh/học viên cao học, biên soạn sách phục vụ đào tạo, … ). Từ đó, nảy sinh thắc mắc và có hiện tượng “đùn đẩy” lên HĐGS cấp trên.
Để khắc phục, HĐGS nhà nước đã thống nhất chỉ đạo và thực hiện theo đúng quy định của Quyết định 37 trên nguyên tắc nâng cao chất lượng: các tiêu chuẩn cần phải đảm bảo, chỉ cho phép thiếu một phần, không được thiếu toàn bộ.
HĐGS nhà nước đã cập nhật, sửa đổi các biểu mẫu Phụ lục II Quyết định 37, trong đó minh bạch rõ các tiêu chuẩn không đủ trong bản kê khai của ứng viên, trong văn bản thẩm định (có định lượng trong văn bản thẩm định của HĐGS cơ sở) và kết quả xét của HĐGS; trong đợt tập huấn vừa qua đã nêu rõ về khái niệm “không đủ” và cảnh báo về tạp chí quốc tế không có chất lượng; công khai, minh bạch các quy định liên quan.
Phóng viên: Như vậy thì vai trò của các thành viên Hội đồng ngành rất quan trọng, công tâm và phải đủ tầm thì mới quyết định chọn được ứng viên GS, PGS đạt tiêu chuẩn?
Chánh Văn phòng Hội đồng GSNN Trần Anh Tuấn: Việc đánh giá bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế có uy tín không chỉ dựa vào tạp chí có trong danh mục (ISI, Scopus) - mặc dù đây là một trong những tiêu chí quan trọng, mà còn phải đánh giá cụ thể, chi tiết nội dung chất lượng của bài báo.
Việc này đòi hỏi các chuyên gia khi thẩm định hồ sơ, các thành viên Hội đồng giáo sư các cấp cần phải đầu tư thời gian, công sức và trí tuệ trong việc thẩm định bài báo khoa học nói chung và đặc biệt là các bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế uy tín nói riêng của ứng viên.
Các thành viên hội đồng phải đề cao trách nhiệm, công tâm tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan đến tạp chí, đến lĩnh vực khoa học được đề cập và nội dung bài báo khoa học, đảm bảo đánh giá chính xác thành quả nghiên cứu và đào tạo của ứng viên để có thể lựa chọn được những ứng viên đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Phóng viên: Ông có chia sẻ và lưu ý gì với các ứng viên năm nay đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS?
Chánh Văn phòng Hội đồng GSNN Trần Anh Tuấn: Theo thống kê, năm nay có 603 ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS (93 ứng viên GS và 510 ứng viên PGS).
Điều cần lưu ý đối với các ứng viên trước hết là tiêu chuẩn về số lượng bài báo khoa học đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý về các biểu mẫu mới được cập nhật, bổ sung, nhất là kê khai theo biểu mẫu số 01 và xin xác nhận của cơ sở đào tạo theo biểu mẫu số 02.
Về những nội dung này, các ứng viên cần chú ý tìm hiểu các quy định đã được cập nhật và những thông tin có liên quan tại các HĐGS cơ sở và trên trang web của HĐGS nhà nước.
Trân trọng cám ơn ông!