Hỏi chuyện thủ khoa ẵm điểm 9 “hiếm hoi” của môn Sử

(Dân trí) - Nhiều năm nay, môn Lịch sử luôn có điểm thấp nhất trong 3 môn khối C. Ngay cả những thí sinh đỗ thủ khoa, đa phần là nhờ điểm cao môn Văn và Địa. Thế nhưng, thủ khoa ĐHSP Đà Nẵng năm nay lại có điểm Sử cao ngất ngưởng: 9 điểm.

Đó là Tăng Chánh Tín, lớp 12C2 trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng.

 

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tân thủ khoa là chủ nhân của điểm 9 môn Sử và được Tín chia sẻ bí quyết để học giỏi Sử và cách bài thi đạt điểm cao.

 

Hỏi chuyện thủ khoa ẵm điểm 9 “hiếm hoi” của môn Sử - 1
Thủ khoa Tăng Chánh Tín đạt 24,5 điểm khối C, trong đó Sử 9 điểm, Địa 9 điểm và Văn 6,5 điểm
 
Em có bất ngờ khi hay tin mình đỗ thủ khoa không?

 

Trước lúc thi em tự tin là mình sẽ đỗ đại học nhưng không nghĩ là mình đỗ thủ khoa. Nhưng thi xong thì em tin là mình sẽ đỗ thủ khoa vì cả 3 môn em làm bài đều tốt, nhất là môn Sử.

 

Em nhận thấy trong cuộc chạy đua đến vương miện thủ khoa khối C phụ thuộc rất nhiều vào điểm thi môn Sử, vì đây là môn khó làm điểm cao nhất, nên khi làm tốt môn Sử em rất tự tin.

 

Thi xong, em tự chấm môn Sử mình được bao nhiêu điểm?

 

Xem đáp án của Bộ em tin là mình được 8,5 điểm trở lên.

 

Thi đại học mà được 9 điểm môn Sử như thế, hẳn 3 năm cấp 3 em cũng đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử? 

 

Em đã đạt được một số thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử. Năm lớp 10, em đạt giải nhất Thành phố, HCB Olymbpic 30/4. Năm lớp 11, giải nhất Thành phố, HCB Olympic 30/4, giải ba quốc gia. Năm lớp 12, giải nhất Thành phố, giải nhì quốc gia.

 

Quả là một bảng thành tích rất đáng nể. Em có thể chia sẻ bí quyết để học giỏi môn Lịch sử - một môn học khô  khan và được coi là rất khó học?

 

Nhiều bạn cho rằng môn Lịch sử là quá khô khan, khó học nhưng nếu biết cách học thì sẽ có hiệu quả. Để học giỏi Sử thì phải có trí nhớ tốt để nhớ sự kiện và kiến thức cơ bản. Nói cách khác là phải có “tố chất”. Sẽ là sai lầm nếu ai đó quan niệm môn Sử không cần thông minh, chỉ cần học thuộc lòng là làm bài tốt. Thực tế điểm môn Sử thấp là do nhiều bạn quan niệm môn Sử chỉ cần học thuộc lòng, học không có phương pháp, học vẹt, học nhồi nhét, không biết ghi nhớ những kiến thức cơ bản.

 

Theo em thì học cũng như sở thích, là phải tạo được niềm đam mê, có đam mê rồi thì học hành sẽ có động lực. Quan trọng nhất là phải đầu tư thời gian, trí tuệ cho môn học mình yêu thích, vì việc học là một quá trình tích lũy kiến thức, như nhà văn Lỗ Tấn từng nói “kỳ thực ra trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi rồi cũng thành đường đó thôi”.

 

Em có đọc nhiều tài liệu tham khảo về Sử không?

 

Để giỏi Sử, biết nhiều về Lịch sử thì đương nhiên phải mê Sử, đọc nhiều sách, nhiều tài liệu liên quan về Sử. Nhưng để làm bài thi môn Sử điểm cao thì cần bám sách giáo khoa, học kỹ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, vì đề và đáp án rất sát với sách giáo khoa. Chỉ riêng việc học hết kiến thức trong sách giáo khoa cũng đã mệt rồi vì nó rất nhiều sự kiện, nhiều kiến thức cần phải nhớ.

 

Nếu không có phương pháp, không biết đâu là kiến thức cơ bản mà cố nhồi nhét tất cả vào trong đầu thì rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”, khi thi sẽ lẫn lộn, viết lan man, không có điểm. Vì thế, ngoài tố chất, nỗ lực của bản thân thì cần có sự hỗ trợ của giáo viên. Đó là thầy cô phải chỉ ra cho học sinh biết đâu là kiến thưc cơ bản, đâu là những vấn đề cần nắm, hướng dẫn học sinh hệ thống kiến thức cơ bản… chứ để học sinh tự “bơi” trong biển kiến thức mênh mông của Lịch sử thì khi thi thật khó đạt điểm cao.

 

Nói thế là em đánh giá rất cao thầy cô dạy Sử của mình?

 

Vâng, đúng vậy. Em đạt được thành tích này, ngoài sự nỗ lực của bản thân thì công rất lớn là nhờ thầy cô chỉ dạy cho em phương pháp học, rèn luyện kỹ năng làm bài. Em được học trong ngôi trường mà thầy cô rất yêu nghề, giỏi chuyên môn, còn các bạn trong lớp đều ham học nên rất có động lực. Em rất “thần tượng” thầy cô của mình, nhất là thầy Đặng Công Thành, và thầy Lương Hữu Nga. Vì lẽ đó mà em rất thích nghề giáo viên, nên em mới thi vào khoa Sử trường Sư phạm.

 

Xin cảm ơn em về cuộc trao đổi này!

 

Khi thực hiện đề tài này chúng tôi đã trò chuyện với Trần Mai Hương, một bạn học cùng lớp chuyên Sử với Tăng Chánh Tín và cũng là thành viên đội tuyển thi học sinh giỏi môn Lịch sử.

 

Thành tích của Trần Mai Hương cũng rất “khủng”: Năm lớp 10, giải nhất Thành phố, HCV Olympic 30/4; Năm lớp 11, giải nhất Thành phố, HCV Olympic 30.4, giải nhì quốc gia; Năm lớp 12, giải nhất Thành phố, giải nhì quốc gia. Còn điểm tổng kết môn Sử của Mai Hương thì cực “đỉnh”: 9,8. Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa qua, Hương thi đỗ vào trường Đại học Luật TPHCM với điểm môn Sử là 8,5 điểm.

 

 Cũng như Tăng Chánh Tín, Mai Hương cho rằng muốn giỏi Sử phải mê Sử, phải đọc nhiều sách vở tài liệu liên quan, và khi đọc tài liệu liên quan thì phải biết rút ra kiến thức cơ bản, rút ra những sự kiện, những vấn đề có thể bổ sung, mở rộng cho bài viết của mình thêm phần thuyết phục. Học Sử mà nhồi nhét, học vẹt thì không bao giờ điểm cao, mặc dù muốn “ngấm” Sử vào trong trí nhớ của mình thì phải chăm chỉ, phải đầu tư khá nhiều thời gian cho việc học Sử.

 

Tuy nhiên, muốn giỏi Sử, muốn điểm cao phải rèn luyện kỹ năng làm bài, phải biết xác định yêu cầu của đề để không viết lan man, đề yêu cầu cái gì thì nói thẳng về vấn đề đó, nhất là những đề tổng hợp thì phải biết tổng hợp, lựa chọn kiến thức, không phải biết bao nhiêu kiến thức liên quan cũng đưa vào.

 

Thầy Đặng Công Thành (GV trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng):Không phải đề cao môn của mình nhưng nói thật để học tốt môn Sử cần phải có tố chất, ít ra cũng phải học lực trung bình trở lên.
 

Những em học lực yếu chọn thi khối C với suy nghĩ chỉ cần học thuộc lòng là làm bài được thực tế khó làm bài đạt 5 điểm. Khác với môn khoa học tự nhiên, làm bài 9-10 điểm mới được cho là giỏi thì khoa học xã hội, đặc biệt là môn Sử làm 8 điểm trở lên là đã có “tố chất” thật sự.

 

Phạm Được
(Thực hiện)