Đêm không ngủ của Thủ khoa làng mía

(Dân trí) - Trở thành thủ khoa của ĐH Bách khoa TPHCM là tin chấn động với làng mía của Triệu Thạch Vũ. Và với gia đình của em ở xóm 1, thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, tin vui ấy làm cả nhà thao thức cả đêm.


Đêm không ngủ của Thủ khoa làng mía  - 1

Những ngày hè, chàng thủ khoa tranh thủ chở đất phụ ba má

 

Đi tìm giấc mơ ngoài làng mía

 

Làng mía nơi Vũ sinh ra là đất lập nghiệp của cả một dòng họ từ Quảng Nam đi vào. Cả xóm trồng mía, cả thôn trồng mía. Cuối năm đến mùa thì thu hoạch. Giữa năm thì trồng điều, trồng bắp. Mấy năm nay đất xấu nên người ta cũng bỏ làng lên thành phố hết. Ba má Vũ thấy làm mía gì mà cực quá định tìm nghề khác nhưng chẳng biết làm gì hết. Đành cố gắng với đám mía nhà mình, từ công đoạn trồng mía, bỏ phân, cày đất, ban đất ra cho bằng rồi làm cỏ. Tới mùa thì chặt mía, chở xe bò về nhà ép lấy đường lỏng bán cho người ta. 

 

Bấy nhiêu công đoạn làm trong mười mấy năm trời, má Vũ đau bao tử triền miên còn ba thì bị nhức mỏi thường xuyên. Nhà chỉ có Vũ là con trai nên gia đình quyết định sẽ cho Vũ ăn học đến nơi đến chốn. Ngày đưa Vũ lên trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến ở TPHCM nhập học, ba má nói với Vũ: “Làm mía cực khổ lắm, con ráng học.”. Học ở thành phố sẽ dễ hiểu biết hơn, ở quê nhiều yếu tố phân tâm lắm. Cũng như bao đứa trẻ thôn quê khác, Triệu Thạch Vũ từ lúc nhỏ đã biết phụ cha mẹ việc nhà, việc đồng án. Nhỏ thì chặt buồng chuối đem bán, lột vỏ chuối phơi khô bán cho người ta đan giỏ xuất khẩu. Lên cấp 2 thì đi trồng mía, trồng bắp, bẻ bắp chogia đình. Nhưng nhà chỉ cho Vũ làm vào ngày hè. Lên cấp 3 đi học ở TPHCM, Vũ không còn cơ hội phụ ba má nữa. 
Đêm không ngủ của Thủ khoa làng mía  - 2

Cùng chị gái phụ giúp việc nhà

 

Những ngày đầu đi học ở Nguyễn Khuyến của chàng trai ít nói, ít bạn bè thấm đầy nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ và đám mía quê mình. Có lần nhớ nhà nên về quê, thấy ba má cực quá. Má cũng ép Vũ đi học trở lại. Cậu con trai sau đó im lặng và gắng học, chỉ tranh thủ về nhà vào những ngày lễ trường cho nghỉ. Bạn bè không nhiều, Vũ chỉ có một người bạn thân ở Bình Dương. Những vui buồn tháng ngày nội trú cùng nhau san sẻ. Có khi căng thẳng vì việc học, Vũ lại đi tìm bạn tâm sự cho khuây khỏa bớt. 

 

Ở TPHCM 3 năm trời nhưng Vũ không rành rẽ mấy nơi này. Đến việc lên mạng, Vũ cũng nhờ người chị gái đang học trường CĐ Kinh tế đối ngoại chỉ bảo cho. Với Vũ, để được ngày ngày lên lớp học là ba má phải mất bao nhiêu công sức với đám mía. Học phí mỗi tháng là 3 triệu đồng, ba má Vũ có khi hết tiền thì vay mượn. Còn 5 mẫu mía ở nhà thì cuối năm thu hoạch để dành lại cho con trai đi học. 

 

  thật đậu không hả con?

 

Rời phòng thi là Triệu Thạch Vũ trở về quê ngay để phụ  ba má làm đồng áng, từ làm cỏ mía  đến trồng bắp, chở đất…Giấc mơ đại học tạm gác lại đã. Chính Vũ cũng không thể ngờ mình lại có thể đạt kết quả gần như tuyệt đối như vậy. Em vẫn còn ngờ ngợ về câu bất đẳng thức, còn những dạng câu hỏi khác thì không phải là xa lạ lắm với em. Với lại, trong lớp còn nhiều bạn học giỏi hơn Thạch Vũ. Em chỉ xếp thứ mười mấy trong lớp mà thôi, dù điểm trung bình năm 12 của em là 9,1. 

 

Thạch Vũ chỉ  biết điểm khi một người bạn lên mạng xem điểm rồi nhờ chị gái nhắn lại cho Vũ. Chàng thủ  khoa vẫn nhớ như in dòng tin nhắn khiến chị  gái không dám tin vào mắt mình, phải đưa cho Vũ xem lại: “Chị ơi, nhờ chị báo với bạn Vũ là bạn được 29,5 điểm”. Quá ngỡ ngàng, Vũ cũng không dám tin vào mắt mình, nhờ bạn của chị gái lên mạng xem dùm, rồi chạy qua nhà hàng xóm lên mạng dò kỹ lại số báo danh, ngày sinh. Từ đó, Vũ mới tin. Rồi chị của Vũ tin. Mẹ của Vũ thì mừng, mừng đến không nói được gì nữa ngoài câu: “Chúa ơi, có thật đậu không hả con?”. Ba của Vũ nghe con nói thì bảo Vũ đùa, nhưng một hồi lâu thì ba tin. 

 
Đêm không ngủ của Thủ khoa làng mía  - 3
Thủ khoa và mẹ
 

Hỏi biết kết quả  thi đại học, ba má có mừng không? Vũ trả  lời: “Dạ có. Mừng lắm anh ạ. Nhiều lắm anh ạ. Phải lâu lắm ba má mới tin. Ba má không ngờ là như vậy. Cả chính em nữa. Sau khi thi xong, nghĩ là mình đậu. Nhưng em không nghĩ điểm cao như vậy”. Tại môn Toán tự luận nên em hơi sợ, không biết làm bài có sơ suất gì không. Em sợ câu bất đẳng thức có thiếu sót vì làm nó cuối cùng. Bài chỉ vừa kịp đủ thời gian. 

 

Đêm đó, thủ khoa làng mía cứ lang thang, không tin vào điều mình có. Cả nhà cũng vậy. Ba má gọi điện báo cho mấy người bà con để mừng. Họ hàng kéo đến nhà chia vui. Đêm đó, nhà Vũ thức thật khuya. Chị gái đang là sinh viên trường CĐ Kinh tế đối ngoại cứ xúm xít bên em trai. Mọi người bảo hãy ngủ đi, nhưng không ai ngủ được. Cả nhà bàn nhau đến lễ 2/9, khi nhà có đủ mọi người và mùa màng cũng rảnh thì làm cỗ để mời bà con và chuẩn bị đưa Vũ đi học. Cả nhà bàn nhau tìm chỗ trọ cho Vũ sau khi lên TPHCM, chắc là phải ở kí túc xá. Rồi ba má nói Vũ phải lo tập trung học Anh văn cho giỏi, gì thì gì cũng phải có tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Phải cố gắng vì nghe nói học Cơ điện tử ĐH Bách khoa rất cực. 

 

 

Triệu Thạch Vũ ở xóm 1, thôn 1, xã Tân Phúc, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Trở thành một trong 2 thủ khoa của ĐH  Bách khoa TPHCM với số điểm 30 (làm tròn từ 29,75): Toán và Lý đạt điểm 10; Hóa đạt 9,75. Ba má Triệu Thạch Vũ là người ở huyện Thăng Bình, Quảng Nam vào Bình Thuận lập nghiệp gần chục năm ở Bình Thuận.

 

Hiếu Hiền