(Dân trí) - Hàng chục học trò mồ côi tại huyện nghèo không bị gián đoạn con đường đến trường nhờ tình yêu thương, trách nhiệm của thầy cô giáo và cả tấm lòng của những người bố, người mẹ chưa từng gặp mặt.
Hàng chục học trò mồ côi tại huyện nghèo không bị gián đoạn con đường đến trường nhờ tình yêu thương, trách nhiệm của thầy cô giáo và cả tấm lòng của những người bố, người mẹ chưa từng gặp mặt.
Cha mẹ đột ngột qua đời sau một vụ tai nạn giao thông khi em Lương Thị Huyền (SN 2004, trú thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, Nghệ An) mới 11 tuổi, còn cậu em trai Lương Tuấn Hưng mới được 8 tuổi. Cú sốc tinh thần khiến chị em Huyền chới với, ngơ ngác trong căn nhà nhỏ dột nát tứ bề.
Bỏ hết nương bãi, ruộng vườn, bà Phan Thị Lý cùng chồng chuyển về nhà con trai cả để hương khói cho con trai, con dâu cũng như chăm lo hai đứa cháu côi cút, tội nghiệp. Vừa làm bà, làm mẹ, vừa là bác sĩ tâm lý giúp hai cháu vượt qua cú sốc tinh thần, cũng như bươn chải để duy trì ngày 3 bữa, trả nợ thay cho các con.
Nhớ về khoảng thời gian ấy, với bà Lý không khác gì cơn ác mộng: "Thời đó, ban đêm ông nhà tôi phải ra ngoài bãi bồi để canh mấy sào màu, thành ra chỉ có 3 bà cháu ngủ ở nhà. Cứ tầm 4h sáng, tôi dậy ra đồng hái rau để sáng mang đi bán. Bà dậy đi trước thì hai cháu cũng dậy, đưa nhau ra thềm ngồi đứa nọ canh đứa kia ngủ để đợi bà về. Có hôm mờ sáng, hái đủ rau về thì hai cháu đã ngủ chòng queo ngay trước thềm, muỗi đốt đỏ cả mặt. Thương cháu đến đứt ruột đứt gan nhưng đêm sau bà vẫn phải đi, bởi không đi thì lấy đâu tiền mua rau gạo, mắm muối, tiền đâu để mua sách vở, giấy bút cho cháu đến trường?".
Lên 2 tuổi, cậu bé Lưu Đình Vi Vương (SN 2011, trú xã Mậu Đức, Con Cuông) mồ côi bố. Vương sống với mẹ và người anh trai chậm phát triển trí tuệ. Chị Xuân quần quật làm đủ nghề để nuôi nấng hai đứa con nhưng vẫn túng thiếu quanh năm. Hồi đầu năm, trong một lần đi phụ hồ, chị Xuân bị gãy tay, mất khả năng lao động, chỉ làm được những việc nhẹ. Người anh trai phải nghỉ học, còn con đường đến trường của Lưu Đình Vi Vương cũng trở nên gập ghềnh hơn...
"Đèn học, giày dép, quần áo, cả thùng mì tôm kia là cô Oanh mua cho hôm qua đấy. Cô Oanh bảo quà của mẹ Kim Yến", chị Vi Thị Xuân (thôn Thống Nhất, xã Mậu Đức) xúc động khoe với chúng tôi. "Mẹ" Kim Yến là ai, chị chưa từng gặp mặt, chưa từng trò chuyện. Chị chỉ biết rằng, thông qua cô giáo chủ nhiệm của con, "mẹ" Kim Yến hỗ trợ cho Vi Vương 3,6 triệu đồng/năm. Với một người mẹ nghèo khó chưa từng mua được cho con manh áo mới mỗi khi bắt đầu năm học thì khoản hỗ trợ đó ý nghĩa biết nhường nào.
Hai chiếc áo sơ mi mới tinh vẫn còn nguyên trong túi bóng. Vi Vương bảo từ hồi nhỏ tới giờ con chưa được mặc đồ mới, nên bây giờ phải cất dành, hôm nào thật đặc biệt mới mặc. "Con cứ mặc đi nhé, Tết cô lại mua cho áo mới. Con thích mua gì nào? Áo ấm à? Ừ, cô sẽ báo lại với mẹ Kim Yến và thầy Trung để mua cho con nhưng con phải gắng học, không được tự ý bỏ buổi học nào nhé", cô Nguyễn Thị Oanh, chủ nhiệm của Vi Vương động viên cậu học trò nghèo.
Ở cơ sở hai của Trường tiểu học Mậu Đức, cô Lương Thị Xuyến đi xe máy vào tận nhà để giục cậu học trò Lang Văn Hướng tới trường. Hướng mồ côi cả bố lẫn mẹ sau một biến cố gia đình, hiện ở với ông bà nội. Ông đã già, bà lại bị tai biến, bản thân Hướng cũng không được nhanh nhẹn, thành thử 10 tuổi rồi mới chỉ học đến lớp 2.
"Đang ngồi học đấy nhưng có thể đứng dậy bỏ ra khỏi lớp bất kỳ lúc nào, thậm chí có hôm không tự chủ được "bĩnh" ra cả quần. Nhiều hôm không thấy Hướng đến trường, cô phải đi kiếm nhưng từ bữa có quần áo mới, giày dép, mũ của mẹ Hồng Nhung tặng, Hướng chăm đi học lắm, viết chữ cũng nắn nót đẹp hơn. Bảo đi học để còn nhận quà là Hướng thích lắm", cô Lương Thị Xuyến chia sẻ.
Năm học nào cũng vậy, dù khó khăn, thiếu thốn nhưng bà Phan Thị Lý đều cố gắng mua hoặc mượn sách cũ cho hai cháu đi học. Năm nay, dịch Covid-19 nên bà chắt góp mua cho Lương Thị Huyền chiếc điện thoại thông minh để phục vụ việc học trực tuyến. Khoản chi ngoài dự tính khiến 4 ông bà cháu chật vật hơn.
Sáng 28/9, thầy Trần Doãn Xuân - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Con Cuông và cô giáo chủ nhiệm tới nhà em Lương Thị Huyền, trao món quà được mua từ khoản tiền hỗ trợ của mẹ Trần Kim Yến. Trước đó, cậu em trai Lương Tuấn Hưng cũng được đón nhận tình cảm của mẹ Trần Bích Chi thông qua cô giáo chủ nhiệm.
"Quý lắm, xúc động lắm, bà thấy mừng thay cho hai cháu. Hai cháu mồ côi bố mẹ, thiệt thòi nhiều lắm, nay được các mẹ, các thầy cô giáo giúp đỡ, bà cảm ơn lắm", bà Lý xúc động. Bà cũng mong muốn được gặp hai người mẹ đỡ đầu của các cháu để trực tiếp nói lời cảm ơn. Món quà ấy không chỉ là bộ quần áo, là dụng cụ học tập để các cháu đầy đủ đến trường mà còn là món quà tinh thần vô giá, là tình cảm ấm áp, chân thành hai đứa trẻ mồ côi được đón nhận từ những người mẹ chưa một lần gặp mặt...
Vi Vương, chị em Huyền hay Hướng là những đứa trẻ mồ côi tại huyện Con Cuông may mắn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các mạnh thường quân, các tấm lòng yêu trẻ thông qua sự kết nối của các nhà trường và phòng giáo dục.
"Hiện toàn huyện có 27 em học sinh là con mồ côi cả bố lẫn mẹ hoặc mồ côi bố, mồ côi mẹ, hoàn cảnh nghèo khó. Với các em đang hưởng chế độ bán trú là 1,8 triệu đồng/năm, những em còn lại được hỗ trợ 3,6 triệu đồng", ông Phan Trọng Trung - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Con Cuông - phụ trách hoạt động hỗ trợ học trò mồ côi trên địa bàn, chia sẻ.
Theo ông Trung, khoản hỗ trợ này là món quà của ông bà, bố mẹ đỡ đầu là những cán bộ hưu trí, các mạnh thường quân đang sinh sống ở Hà Nội và một số tỉnh thành. Các cháu được bố mẹ, ông bà đỡ đầu đều đã được rà soát, thẩm định thông tin về hoàn cảnh.
"Các giáo viên chủ nhiệm và nhà trường sẽ chịu trách nhiệm rà soát, đề xuất học sinh là con mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn lên phòng giáo dục. Chúng tôi sẽ gửi hồ sơ này tới các ông bà, bố mẹ để xem xét, nhận đỡ đầu. Quá trình rà soát phải đảm bảo khách quan, chính xác, việc triển khai hỗ trợ cũng yêu cầu phải rõ ràng, minh bạch để không làm mất đi ý nghĩa nhân văn của hoạt động này", ông Phan Trọng Trung cho biết.
Thông qua đầu mối là thầy Trung, các mẹ đỡ đầu sẽ chuyển số tiền hỗ trợ vào tài khoản chung do thầy Trung trực tiếp quản lý. Các khoản hỗ trợ được chia thành 2 hoặc 3 lần "giải ngân" tùy theo mức hỗ trợ, vào dịp đầu năm mới, Tết Nguyên đán và 30/4.
Các khoản hỗ trợ theo đợt được giao cho cô giáo chủ nhiệm dẫn các em đi mua quần áo, đồ dùng thiết yếu để phục vụ cho việc học tập và một số nhu yếu phẩm cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Riêng sách vở của các em không được sử dụng khoản hỗ trợ này để mua. Nếu các em không đủ sách vở đi học, các nhà trường phải có chương trình hỗ trợ riêng hoặc cho mượn.
Giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường và bản thân thầy Trung sẽ thường xuyên cập nhật tiến độ thực hiện hỗ trợ và duy trì tương tác với các mẹ đỡ đầu thông qua các ứng dụng xã hội để báo cáo hiệu quả của chương trình đối với các em học sinh.
Thông qua sự kết nối của thầy cô giáo và các bố mẹ trong nhóm thiện nguyện, chị Hoàng Hồng Nhung (trú Hà Nội) nhận đỡ đầu 4 học sinh mồ côi tại huyện Con Cuông. "Thực sự khi tiếp nhận thông tin về hoàn cảnh của các con tôi thấy thương lắm. Nó thôi thúc tôi phải làm gì đó để giúp các con vơi bớt khó khăn trước mắt và bù đắp những thiệt thòi về tình cảm. Dịch Covid-19 khiến tôi không thể vào tận nơi nhưng may mắn có thầy cô giáo hỗ trợ, truyền tải tình cảm, sự quan tâm, hỗ trợ của mình tới các con. Sự tận tâm, trách nhiệm của các thầy cô khiến tôi rất yên tâm", chị Nhung chia sẻ.
Cũng như các bố, mẹ đỡ đầu khác, chị Nhung mong muốn dịch bệnh sớm kết thúc để vào gặp gỡ, bồi đắp tình cảm, giúp các con cảm nhận rõ hơn tình cảm gia đình thân thuộc. Dù chưa được gặp các con nhưng ngoài khoản hỗ trợ hàng năm, chị Nhung luôn dành nhiều quan tâm, động viên các con bằng những món quà nhỏ vào dịp sinh nhật hay ngày lễ đặc biệt nào đó. Món quà có thể là một cuốn sách hay, một chiếc áo mới...
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Thủy Tiên