Học sinh vái lạy thầy cô, xin chưa trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Sau kỳ nghỉ Tết, đại diện chính quyền địa phương, thầy cô giáo ở Nghệ An đến tận bản, vào từng nhà gặp gỡ, vận động các em trở lại trường. Có học sinh còn vái lạy thầy cô, xin chưa trở lại trường học.

Học sinh vái lạy thầy cô, xin chưa trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết - 1

Tình trạng học sinh nghỉ học sau Tết Nguyên đán vẫn thường xảy ra tại các trường ở huyện miền núi, biên giới ở Nghệ An. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương, cán bộ công an xã cùng thầy cô giáo đã đến từng bản, vào từng nhà dân để vận động học sinh trở lại trường.

Tại xã Bảo Thắng, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An), sau Tết, nhiều học sinh vẫn chưa đến trường do gia đình bận tổ chức ma chay, đám cưới.

Học sinh vái lạy thầy cô, xin chưa trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết - 2

Giáo viên, đại diện chính quyền xã Bảo Thắng đi xe máy vượt qua những cung đường lầy lội vào các bản làng để vận động học sinh trở lại trường (Ảnh: Nguyễn Trãi).

Theo thông tin từ địa phương, một số học sinh ở các bản như Thà Lạng, Ca Da và Xao Va vẫn chưa tới lớp. Cán bộ xã và thầy cô giáo đang nỗ lực vận động phụ huynh đưa con em trở lại trường.

Thầy Nguyễn Quang Trãi, giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bảo Thắng, cho biết, nhiều học sinh vắng mặt do gia đình ở xa trung tâm và sự hiểu biết của phụ huynh còn hạn chế.

"Giáo viên như chúng tôi luôn lo sợ học sinh bỏ học đi làm công ty hoặc lấy chồng, lấy vợ sớm, thì coi như tương lai khép lại", thầy Trãi chia sẻ.

Thầy Lê Dương Lê, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bảo Thắng, cho biết, toàn xã có 444 học sinh, 100% là con em đồng bào dân tộc Khơ Mú. Sau Tết, 28 học sinh không đến lớp, nhưng nhờ sự vận động của nhà trường và chính quyền, chỉ còn một số em chưa đi học.

Thầy Lê cho biết, vấn đề tảo hôn không xảy ra ở xã này. Tuy nhiên, phong tục tập quán đầu năm khiến nhiều gia đình bận rộn với công việc cưới xin, ăn hỏi hoặc ma chay, dẫn đến việc học sinh vắng mặt.

Học sinh vái lạy thầy cô, xin chưa trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết - 3

Đại diện chính quyền, thầy cô ở xã Bảo Thắng vào các gia đình để tuyên truyền về tác hại của việc bỏ học (Ảnh: Nguyễn Trãi).

Xung quanh câu chuyện giáo viên, đại diện chính quyền đi vận động học sinh trở lại trường sau Tết cũng có những câu chuyện dở khóc, dở cười. Một số học sinh khi bắt gặp thầy cô giáo đến vận động, đã cúi đầu, quỳ xin chưa đến lớp thời điểm này.

"Tôi nhớ vào ngày 6/2, khi đoàn đi vận động các em trở lại trường, bất ngờ bắt gặp một học sinh lớp 3 đang đi dạo trên đường với một nhóm bạn. Khi các giáo viên gọi lại để nói chuyện, bỗng dưng em này chắp tay lạy liên tục và khóc rồi nói "cháu chưa muốn đi học lúc này…"", thầy Lê nhớ lại.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lượng Minh (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An), có 50 học sinh vắng sau Tết. Nguyên nhân chủ yếu do hoàn cảnh gia đình khó khăn và thiếu sự quan tâm của phụ huynh.

Sau khi nhận được thông tin, Công an xã Lượng Minh cùng thầy cô giáo đã vượt đèo, lội suối, đến từng thôn, bản để động viên các em trở lại trường.

Học sinh vái lạy thầy cô, xin chưa trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết - 4

Thượng úy Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Công an xã Lượng Minh thăm một gia đình có học sinh bỏ học để vận động, tuyên truyền cho phụ huynh hiểu rõ việc học của các con là rất cần thiết (Ảnh: Phan Tuyết).

Thượng úy Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Công an xã Lượng Minh, cho biết, 5 học sinh có nguy cơ bỏ học đã quay lại lớp nhờ sự vận động của cán bộ công an xã và thầy cô giáo.

Với sự kiên trì của lực lượng công an xã và các thầy cô giáo, nhận thức của phụ huynh và học sinh miền núi đã thay đổi. Đến nay, 50 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lượng Minh đã quay trở lại trường học.

Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, đến ngày 14/2, trên địa bàn huyện có 117 học sinh vắng học. Ngành giáo dục huyện đang phối hợp với các trường để tiếp tục tuyên truyền, vận động gia đình và học sinh hiểu rõ tầm quan trọng của việc học tập.