Quảng Ngãi:

Học sinh trường chuẩn khổ vì bàn ghế... không đạt chuẩn

(Dân trí) - Phần lớn bàn ghế trong lớp chỉ cao 1m, ghế và bàn lại dính liền nhau nên rất khó khăn cho học sinh học tập. Nhiều học sinh trong lớp có chiều cao trên 1,5m vì vậy khi ngồi mặt bàn chỉ đến ngang bụng nên các em phải cúi gằm người khi viết...

Huyện Tư Nghĩa là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Quảng Ngãi về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia với 22/22 trường Tiểu học và 13/13 trường Trung học cơ sở đạt chuẩn. Tuy nhiên, 70% học sinh của huyện đang "chật vật" với bàn ghế học sinh không đạt chuẩn.

Đưa chúng tôi đến các lớp học của khối lớp 4, cô Lê Thị Na - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Sông Vệ (huyện Tư Nghĩa) cho biết, nhà trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2004 với 469 học sinh của 5 khối lớp đang theo học. Tuy đạt chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất nhà trường còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là phần lớn bàn ghế học sinh của trường không đạt chuẩn theo quy định.

"Toàn trường hiện có trên 200 bộ bàn ghế học sinh thì phân nửa trong số đó là bàn ghế được cấp trước năm 2000. Đây là loại bàn ghế dính liền, có kích cỡ rất nhỏ không còn phù hợp với thể trạng của học sinh như hiện nay", cô Na cho biết.

Học sinh lớp 4 trường TH thị trấn Sông Vệ chật vật với cỡ bàn ghế dành cho học sinh lớp 1.
Học sinh lớp 4 trường TH thị trấn Sông Vệ "chật vật" với cỡ bàn ghế dành cho học sinh lớp 1.

Cô Trần Thị Nở - giáo viên chủ nhiệm lớp 4A chia sẻ, phần lớn bàn ghế trong lớp chỉ cao 1m, ghế và bàn lại dính liền nhau nên rất khó khăn cho học sinh học tập. Nhiều học sinh trong lớp có chiều cao trên 1,5m vì vậy khi ngồi mặt bàn chỉ đến ngang bụng nên các em phải cúi gằm người khi viết. "Ngồi bàn ghế không đạt chuẩn khiến tư thế viết của các em không đúng dễ dẫn đến cong vẹo cột sống và các bệnh về mắt. Giáo viên mỗi khi lên lớp đều nhắc các em cố gắng ngồi thẳng nhưng cũng chỉ được một lúc là nhiều em phải xoay cả người sang một bên mới viết được".

Tại trường Tiểu học Đông Hiệp (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa), số học sinh phải "chật vật" với bàn ghế không đúng kích cỡ còn nhiều hơn. 280 học sinh của nhà trường hiện đang "gò lưng" trên những chiếc bàn ghế quá cũ kỹ. Cô Trần Thị Thúy Liễu - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Kết quả kiểm tra y tế học đường vừa được thực hiện cho thấy 80% số bàn ghế của nhà trường không đạt chuẩn theo Thông tư liên tịch 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Y tế quy định về tiêu chuẩn bàn ghế học sinh".

Kết quả kiểm tra cho thấy, học sinh của nhà trường phần lớn có chiều cao từ 130 cm - 159 cm tương ứng với bàn ghế cỡ số IV và V theo quy định của Thông tư 26. Trong khi kết quả kiểm tra 6 thông số quy định về chiều cao, chiều rộng ghế, chiều rộng bàn, hiệu số chiều cao bàn ghế... các em đang sử dụng đều chênh lệch với thông số chuẩn từ 3 cm đến 9 cm, trong khi sai số cho phép chỉ là 0,5 cm.

"Cơ sở vật chất còn thiếu nên từ lớp 1 đến lớp 5 các em phải sử dụng bàn ghế chung một kích cỡ, về lâu dài rất có hại cho sự phát triển của các em", cô Liễu chia sẻ.

Bàn ghế không phù hợp khiến học sinh chật vật
Bàn ghế không phù hợp khiến học sinh chật vật

Học sinh phải gác sách giáo khoa lên ghế, đặt cặp sau lưng vì bàn học có diện tích quá nhỏ.
Học sinh phải gác sách giáo khoa lên ghế, đặt cặp sau lưng vì bàn học có diện tích quá nhỏ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trương Quang Dũng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tư Nghĩa thông tin, có đến 70% số học sinh tại các điểm trường Tiểu học và Trung học cơ sở của huyện đang phải ngồi học trên loại bàn ghế quá cũ được trang bị cách đây hàng chục năm. "Theo khảo sát sơ bộ, các điểm trường trực thuộc có 2.900 bộ bàn ghế cũ không còn phù hợp cần phải thay mới. Tuy vậy việc này cần nguồn kinh phí quá lớn nên huyện chỉ có thể thay thế dần đối với những bàn ghế hư hỏng nặng", ông Dũng cho biết.

Ngoài việc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe học sinh, việc sử dụng các loại bàn ghế cũ còn gây khó khăn đến phương pháp giảng dạy, học tập theo mô hình mới. Nhiều môn học, các em học sinh được bố trí ngồi thành từng nhóm để thảo luận thế nhưng loại bàn ghế dính liền đang sử dụng như hiện nay rất khó để di chuyển, sắp xếp khiến hiệu quả học tập không cao.

Ông Trương Quang Dũng kiến nghị, việc đổi mới chất lượng giáo dục như lâu nay tập trung vào trang bị máy móc, phương tiện nghe nhìn mà chưa quan tâm đến việc phải thay thế toàn bộ số bàn ghế học sinh đã quá cũ. "Sức khỏe, sự phát triển thể chất của các em cần được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tôi mong muốn tỉnh có sự hỗ trợ để chúng tôi thay thế toàn bộ số bàn ghế không đúng chuẩn cho các em học sinh".

Hà Xuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm