Học sinh khá dễ đạt điểm cao ở bài thi môn tổ hợp Khoa học Xã hội
(Dân trí) - Học sinh khá có thể làm được trên 8 điểm ở đề thi Giáo dục công dân tổ hợp môn Khoa học xã hội. Đặc biệt, đề thi có sự phân hóa rõ rệt, mức độ khó tăng làm cơ sở để các trường ĐH – CĐ tuyển sinh.
Môn Địa lý: Học sinh khá có thể đạt trên 8 điểm
Theo thầy Vũ Hải Nam, giáo viên môn Địa tại Hà Nội, đề thi năm nay với học sinh xét tốt nghiệp có thể làm được trên 6 điểm.
Học sinh khá có thể làm được trên 8 điểm và 5 câu hỏi lý thuyết cuối có sự phân hóa rõ rệt, mức độ khó tăng làm cơ sở để các trường ĐH – CĐ tuyển sinh.
Đề thi vẫn giữ nguyên 40 trắc nghiệm thuộc khối kiến thức lớp 12 THPT, theo sát cấu trúc đề thi tham khảo lần 2 (ngày 7/5/2020).
Mức độ khó của đề tương đương, đảm bảo được yêu cầu kiểm tra kiến thức trong chương trình trung học phổ thông mà Bộ GD&ĐT đã nêu trước đó.
Phạm vi kiến thức: Nội dung kiến thức thuộc chương trình Địa lí 12 THPT. Đề gồm 2 phần: kiến thức (22 câu), bao gồm các chuyên đề: Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư, Địa lí các ngành kinh tế, Địa lí vùng kinh tế. Kĩ năng Địa lí (18 câu): kĩ năng Atlat, bảng số liệu, biểu đồ.
Độ khó và sự phân bổ kiến thức: Nhận biết (20 câu), Thông hiểu (8 câu), Vận dụng (7 câu), Vận dụng cao (5 câu).
Nhìn chung, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo 2 mức độ phù hợp với mục tiêu của kì thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học: 70% mức độ cơ bản + 30% mức độ phân loại cao, vì vậy học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản không khó để đạt điểm 8.
Các câu hỏi phân hóa tập trung vào phần Địa lí tự nhiên, Địa lí dân cư - hai chuyên đề này các năm trước chỉ dừng lại ở các câu hỏi nhận biết, thông hiểu.
Những câu hỏi phân loại cao khá phức tạp, đòi hỏi học sinh tư duy tốt, có hiểu biết thực tiễn và khả năng phân tích mối liên hệ giữa các đối tượng địa lý tự nhiên và kinh tế - xã hội.
Các đáp án dài, nhiều chi tiết dễ gây nhầm lẫn trong việc lựa chọn đáp án chính xác. Trong khi đó chuyên đề ngành kinh tế và vùng kinh tế chủ yếu là mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp.
Kĩ năng sử dụng Atlat tăng thêm 2 câu, ở mức độ nhận biết các đối tượng địa lí và sự phân bố của chúng (3,5 điểm).
Kĩ năng làm việc với bảng số liệu và biểu đồ địa lí không có thay đổi, tập trung vào nhận diện biểu đồ, lựa chọn dạng biểu đồ thích hợp và nhận xét biểu đồ, bảng số liệu, tính toán một số công thức địa lí cơ bản.
Với cấu trúc đề thi môn Địa lý trên đây, thí sinh năm sau lưu ý trong ôn tập để có cách làm bài tốt nhất.
Cụ thể, đề thi không có câu hỏi kiểm tra số liệu hay đi vào quá chi tiết, mà chủ yếu là kiểm tra đặc trưng của các đối tượng địa lí và mức độ thông hiểu của học sinh.
Để làm bài hiệu quả, các em cần có kế hoạch và phương pháp học cụ thể, xác định đúng mục tiêu và khả năng của bản thân để có kế hoạch ôn tập phù hợp.
Kĩ năng thực hành Địa lí có điểm số cao và dễ lấy điểm, học sinh nên chú trọng rèn luyện kĩ năng sử dụng Atlat, nhận xét biểu đồ, bảng số liệu và nhận dạng biểu đồ.
Không chỉ học qua sách vở, các em cần đối chiếu các kiến thức đã học với thực tế để ghi nhớ kiến thức lâu hơn.
Địa lí là một trong những bộ môn dễ đạt điểm tốt nếu biết cách học phù hợp, tư duy logic, liên hệ thực tế và sử dụng thành thạo phương tiện học tập như Atlat.
Môn Giáo dục công dân: Đề dễ, không có nhiều câu tư duy
Nhận xét đề thi môn Giáo dục Công dân, cô Đoàn Thị Vành Khuyên, giáo viên Hệ thống Tuyensinh247.com cho hay, mức độ đề đúng tiêu chí tốt nghiệp THPT.
Đề thi sát với các đề minh hoạ và đề khảo sát của Bộ GD&ĐT. So với đề thi THPT Quốc Gia các năm trước đây, năm nay đề thi dễ hơn nhiều.
Về nội dung, chủ yếu tập trung vào chương trình GDCD 12. Đề thi cũng bao gồm vài câu hỏi liên quan tới kiến thức 11.
Cụ thể, đề thi tốt nghiệp THPT 2020 có 36 câu thuộc kiến thức lớp 12 (chiếm 90%); có 4 câu thuộc kiến thức lớp 11 (chiếm 10%).
Các câu hỏi nằm trong các chuyên đề quen thuộc của lớp 12 như: Thực hiện pháp luật; Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội; Quyền tự do cơ bản của công dân; …
Các câu ở mức vận dụng và vận dụng cao rơi vào các chuyên đề: Thực hiện pháp luật, Quyền tự do cơ bản của công dân, Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đề thi tương đối dễ, không đánh đố, không đòi hỏi quá nhiều tư duy.