Trung Quốc:

Học sinh được tham gia “bầu cử chủ tịch”

(Dân trí) - Một trường trung học phổ thông ở Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc đã mạnh dạn áp dụng một cách làm mới trong vấn đề giáo dục công dân, đó là tổ chức các cuộc bầu cử chủ tịch cho hiệp hội học sinh trường.

Tờ nhật báo Tuổi trẻ Trung Quốc nhận xét chương trình này giống như kiểu “các em học sinh đang bầu Tổng thống Mỹ vậy”.

Hàng năm, từ ngày 15/10 đến ngày 15/11, trường Nanshan ở Thâm Quyến lại tổ chức một cuộc “chạy đua” vào chiếc ghế chủ tịch của hiệp hội học sinh.

Chủ tịch hiệp hội học sinh sau đó sẽ được phép bổ nhiệm “nội các” của mình, đồng thời sẽ đưa ra các đề xuất về chính sách trường học trong các cuộc họp định kì hàng tháng với hiệu trưởng nhà trường. Hiệu trưởng sẽ ghi lại các đề xuất đó và áp dụng chúng vào việc cải tiến môi trường học đường hoặc giải thích tại sao các nguyên tắc không thể thay đổi được.

Các “phóng viên” học sinh sẽ đưa tin về cuộc bầu cử vào mỗi thứ hai hàng tuần trên đài phát thanh nhà trường.

Học sinh được tham gia “bầu cử chủ tịch” - 1
Một ứng cử viên cho chức chủ tịch hiệp hội học sinh trường Nanshan. (Ảnh: China.org.cn)

Tại trường Nanshan, vào mỗi sáng bất kể điều kiện thời tiết thế nào, thầy hiệu trưởng đều đứng trước cổng trường để chào các em học sinh khi họ đến trường. Học sinh sẽ  cúi chào đáp lại thầy hiệu trưởng.

Thầy hiệu trưởng Li Qingming, 50 tuổi, giải thích: “Chúng tôi luôn nhấn mạnh sự tôn trọng dành cho các em và dạy dỗ chúng như những người ngang hàng với mình. Tôi nghĩ việc chào hỏi là một cách tốt để thể hiện điều này”.

Trong hơn 5 năm qua, thầy Li Qingming đã cống hiến hết mình trong việc cải thiện vấn đề giáo dục công dân. “Chúng ta nên phát triển tiềm năng của mỗi học sinh ở mức cao nhất. Thậm chí nếu các em không thành công trong việc học, các em vẫn có thể trở thành những công dân tốt”, thầy Li khẳng định.

Thầy Li bắt đầu thử nghiệm các cuộc bầu cử học sinh vào năm 2004, khởi đầu từ một lớp học rồi sau đó tổ chức các cuộc bầu cử cho toàn trường.

Các cuộc bầu cử được diễn ra theo một tiến trình nghiêm ngặt. Sáu ứng viên được chọn trong cuộc bầu cử “sơ bộ” và sau đó tiến hành “chạy đua” với nhau trong chiến dịch tranh cử chức chủ tịch bằng các bài phát biểu, tham gia tranh luận và trả lời các câu hỏi từ phía cử tri. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay giành được 1.800 lá phiếu ủng hộ.

Chủ tịch của hiệp hội học sinh sẽ giữ nhiệm kỳ 1 năm. Các ứng viên được phép nhận sự giúp đỡ từ bạn bè và gia đình của họ trong chiến dịch tranh cử. Mỗi ứng viên được khuyến khích tổ chức một nhóm “chuyên gia cố vấn” để giúp đỡ trong việc quảng bá hình ảnh và lập chính sách.

“Trước khi trường tôi có cuộc bầu cử cho học sinh, các giáo viên chỉ áp đặt ý kiến của họ cho học trò. Bây giờ, mọi thứ đã khác”, Lu Ping, một giáo viên của trường nói.

Thầy hiệu trưởng Li cho biết thầy đang nỗ lực thay đổi mối quan hệ của nhà trường với các em học sinh. “Chúng tôi sẽ mang đến cho học sinh một kênh để thể hiện các ý tưởng của các em, nhằm giúp các em phát triển mình thành những công dân tốt. Chúng tôi cũng khuyến khích học sinh tham gia vào các vấn đề chung”.

Vào năm 2006, một học sinh đã tự sát ngay trong trường. Theo truyền thống, vụ việc sẽ không được đưa ra bàn tán rộng khắp. Nhưng thầy Li đã tổ chức lễ tang cho em học sinh đó.

“Tôi muốn các em học sinh cảm thấy cái chết chẳng dễ chịu chút nào, vì thế họ sẽ yêu mến cuộc sống nhiều hơn”, thầy Li giải thích.

Thầy Li cũng tổ chức một buổi lễ tưởng niệm dành cho những nạn nhân xấu số trong trận động đất xảy ra vào ngày 12/5/2008 ở Tứ Xuyên. Hiện nay, mỗi khi có thiên tai xảy ra, nhà trường là phát tin tức trên đài phát thanh và dành một phút mặc niệm.

Võ Hiền
Theo China.org.cn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm