Học sinh được sử dụng điện thoại: Chuyên gia giáo dục nói gì?
(Dân trí) - TS Tôn Quang Cường, chuyên gia Công nghệ giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, với các công nghệ số thịnh hành, có thể coi điện thoại thông minh là một “trợ thủ đắc lực” cho các hoạt động giáo dục.
Nhận định về quy định học sinh không được “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép” trong Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, TS Tôn Quang Cường, chuyên gia Công nghệ giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, đây là một quyết định thận trọng, có cân nhắc khoa học, tính đến các yếu tố cập nhật hiện đại theo thông lệ giáo dục quốc tế và phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Thời điểm ban hành Thông tư 12 đến nay đã qua 9 năm với sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh xã hội, công nghệ và đương nhiên cả giáo dục. Khi đó, điện thoại chủ yếu là phương tiện giao tiếp truyền thông, giải trí, đương nhiên khó có thể phù hợp với các hoạt động giáo dục, dạy học trên lớp.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, cần coi điện thoại thông minh (ĐTTM) là một thiết bị đa năng, tích hợp nhiều giải pháp ứng dụng hơn, đáp ứng các nhu cầu khác nhau, trong đó có cả những chức năng phục vụ cho giáo dục như thiết bị dạy học cá nhân, kèm theo một số điều kiện sử dụng trong lĩnh vực giáo dục.
Tại sao ông lại cho rằng quy định học sinh được sử dụng điện thoại là phù hợp?
Dạy học di động (Mobile learning) đang là một xu hướng dần chiếm lĩnh, phổ biến trong thực tiễn chuyển đổi số ở các quốc gia. Nó đáp ứng các nhu cầu học tập khác nhau, dạy học cá thể hóa cao độ, khả năng tiếp cận học liệu số, không gian học tập không giới hạn, phát triển kỹ năng số cho người học…
Trong hơn 10 năm trở lại đây, xu hướng dạy học cho phép sự hỗ trợ, tích hợp sử dụng của thiết bị di động cầm tay cá nhân học sinh trong lớp học khá phổ biến trên thế giới, với các cấp độ, điều kiện sử dụng khác nhau.
Bên cạnh những vấn đề còn cần tiếp tục nghiên cứu, việc sử dụng các thiết bị di động cầm tay cá nhân trong lớp học ngày càng khẳng định tính phổ biến và hiệu quả trong quá trình dạy học, được các giáo viên ủng hộ.
Với các công nghệ số thịnh hành hiện nay, có thể coi chiếc ĐTTM là một “trợ thủ đắc lực” cho các hoạt động giáo dục; chức năng liên lạc, giải trí giờ đây chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Có dẫn tới nhiều rủi ro?
Có ý kiến cho rằng, xu hướng trên khi áp dụng vào Việt Nam sẽ dẫn nhiều rủi ro. Ông nghĩ sao?
Đã đến lúc chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, ĐTTM là “thứ đồ chơi công nghệ” gần gũi nhất của trẻ hiện nay, là thiết bị công nghệ số “đầu đời” mà trẻ được tiếp cận trong gia đình và hiện hữu ở mọi nơi.
Việt Nam đang được đánh giá là một quốc gia trẻ triển vọng trong chuỗi tiến trình phát triển trở thành quốc gia số, với dân số 97 triệu người, các chỉ số sở hữu, thời gian sử dụng thiết bị di động, kết nối internet,… đều vào loại cao (theo thống kê của tổ chức DataReportal - tháng 2/2020).
Các tổ chức làm chính sách, định hướng vĩ mô cho giáo dục có uy tín như DigCom, UNESCO, UNICEF, ISTE…, cùng khuyến cáo về kỹ năng số, xóa mù số cho thế hệ công dân tương lai; trong đó, nhấn mạnh đến khả năng và cơ hội tiếp cận số cho trẻ.
Như vậy, thách thức đối với những người làm giáo dục hiện nay là làm sao biến ĐTTM trở thành “thiết bị dạy học” đặc biệt trong hoạt động dạy học, hơn là thứ “sở hữu cá nhân” và chỉ dùng với mục đích cá nhân của học sinh.
Giáo viên phải đổi mới về dạy học
Vậy, học sinh được mang điện thoại trong lớp, giáo viên sẽ quản lý như thế nào?
Phải thừa nhận rằng, không dễ dàng thực hiện ngay việc chuyển đổi tư duy, nhận thức và cách thức sử dụng ĐTTM trong dạy học ngay được.
Có 2 câu hỏi đang đặt ra: Giáo viên, học sinh có thể làm gì với ĐTTM và Làm thế nào để quản lí việc sử dụng ĐTTM hiệu quả cho mục đích dạy học?
Hiện nay, trên cả 2 nền tảng phổ biến là Androi và iOS, mỗi ngày có hơn 4.000 ứng dụng di động dành cho lĩnh vực giáo dục được viết ra, với khoảng hơn 2/3 là miễn phí.
Như vậy, khả năng tích hợp các ứng dụng di động được cài đặt trên ĐTTM vào trong các hoạt động dạy học trong và ngoài lớp học là vô cùng lớn.
Ngoài ra, ĐTTM còn có thể sử dụng như một “thiết bị vật lý cầm tay” để thầy trò linh hoạt, sáng tạo không giới hạn, sử dụng cho các hoạt động khám phá (như một chiếc kính hiển vi, camera chụp ảnh, máy quét kĩ thuật số, màn hình “trải nghiệm” thực tế hỗn hợp thực-ảo, các công cụ đo lường cá nhân,…) hoặc như một thiết bị kết nối ngoại vi đa năng trong dạy học.
Bài toán sử dụng điện thoại sẽ đặt ra cho giáo viên một cách tư duy mới về tổ chức quá trình dạy học, trong đó bao gồm cả kịch bản sư phạm và kịch bản công nghệ.
Điều này cấp thiết hơn trong bối cảnh giáo viên ngày càng được trao quyền tự chủ trong thiết kế và tổ chức nội dung dạy học, hướng dẫn cách học, kiểm tra đánh giá năng lực học sinh theo tinh thần chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay.
Ví dụ, thay vì chỉ hướng đến mục tiêu tìm ra đáp án, giáo viên sẽ phải thay đổi cách dạy học, tổ chức hoạt động tìm kiếm, khám phá, thông tin kiến thức cho học sinh khi sử dụng các ứng dụng trên ĐTTM.
Cần hướng dẫn học sinh, phụ huynh về các yêu cầu sử dụng điện thoại
Ông có gợi ý gì để có thể quản lý hiệu quả việc sử dụng điện thoại thông minh trong dạy và học?
Theo tôi, để quản lý tốt việc sử dụng điện thoại trong hoạt động dạy học, trước hết phải với mục đích, nội dung rõ ràng, kèm theo quy định và nguyên tắc sử dụng, được báo trước cho tất cả các bên, kể cả phụ huynh học sinh. Điều này có thể hơi bỡ ngỡ trong thời gian đầu vì chưa có tiền lệ.
Mặt khác, đã có những giải pháp để quản lý “cơ học”, như ứng dụng chuyên dụng hay hệ thống hỗ trợ quản lý, cảnh báo và ngăn chặn truy cập sai mục đích.
Trước mắt, các đơn vị có thẩm quyền chức năng của Bộ, Sở GDĐT có thể lên danh mục gợi ý các ứng dụng di động sử dụng thiết bị cầm tay trong lớp học, để nhà trường, giáo viên lựa chọn, sử dụng phù hợp với yêu cầu tổ chức hoạt động dạy học và năng lực sử dụng công nghệ.
Đồng thời, hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh về các yêu cầu sử dụng điện thoại và các ứng dụng trong quá trình học tập.
Ở mỗi nội dung dạy học, giáo viên cần có thêm tư duy và hành động ứng dụng công nghệ trên tinh thần tạo cơ hội tiếp cận nội dung và hoạt động tương tác cho học sinh.
Xin trân trọng cám ơn ông!
“Dạy học có sử dụng thiết bị di động cầm tay (trong đó có ĐTTM) mới chỉ là những “trạng thái” ban đầu và càng không phải là cứu cánh của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục. Tuy nhiên, nếu chúng ta làm đúng ngay từ đầu, tôi hy vọng việc sử dụng thiết bị thông minh một cách “thông minh” sẽ giúp thế hệ trẻ được tiếp cận với một phương thức giáo dục “thông minh hơn” - TS. Tôn Quang Cường. |