Thầy cô quyết định thời điểm cho học sinh sử dụng điện thoại
(Dân trí) - Thầy cô quyết định thời điểm nào học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp. Việc tạo điều kiện có công cụ truy cập vào bài học, không đồng nghĩa các em được dùng điện thoại không kiểm soát.
Thầy cô quyết định thời điểm cho học sinh dùng điện thoại
Thông tư 32/2020- TT BGDĐT vừa công bố, cấm học sinh sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp nếu không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
Mặc dù thông tư không có từ nào quy định trực tiếp “học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học” nhưng ở “các hành vi học sinh không được làm” vừa dẫn trên đây, có thể thấy nếu giáo viên cho phép, học sinh được sử dụng điện thoại di động phục vụ cho việc học tập khi cần thiết.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, nhấn mạnh cần hiểu đúng quy định này.
"Trước hết, tôi khẳng định “cho phép sử dụng điện thoại trong lớp để phục vụ học tập” không phải là câu đúng trong thông tư.
Quy định chính xác nằm ở mục “các hành vi học sinh không được làm” của Thông tư 32 về ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Thầy cô quyết định với bài học nào, thời điểm nào, việc cho học sinh sử dụng điện thoại để tra cứu là cần thiết" - Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành khẳng định.
"Nới lỏng" không có nghĩa là "không kiểm soát"
Lý giải vì sao Bộ GD&ĐT đưa ra quy định này, ông Thành cho rằng, điều này nhằm hỗ trợ trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm nguồn học liệu khi có điều kiện và được sự cho phép, hướng dẫn, giám sát của giáo viên trong giờ học trên lớp.
Ông Thành cũng cho biết, học sinh từ lớp 6 đến 12 mang điện thoại đến trường không phải điều xa lại, là công cụ giao tiếp với cha mẹ. Song học sinh mang đến trường và sử dụng trong lớp là hai việc khác nhau.
“Theo tôi, quy định của Thông tư 32 nhân văn, phù hợp cuộc sống xã hội thế kỷ 21. Ở thế giới 4.0, chúng ta không thể cấm học sinh dùng điện thoại.
Trách nhiệm của chúng ta là hướng dẫn, quản lý để các em học sinh sử dụng điện thoại di động nói riêng và các thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin khác một cách phù hợp, cả ở nhà và ở trường”, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Nhiều người đang quan tâm, Bộ GD&ĐT có đưa ra hướng dẫn cụ thể về tình huống cho phép học sinh sử dụng điện thoại không, ông Thành cho rằng, Bộ không thể hướng dẫn cụ thể cho từng giáo viên viên.
“Với bài học ở lớp, giáo viên hiểu hơn ai hết việc cần thiết cấm hoặc cho phép học sinh sử dụng. Nếu không cần thiết, giáo viên không cho phép sử dụng.
Như vậy, thay vì việc cấm hoàn toàn, bộ chỉ cấm những việc dùng không đúng mục đích. Giáo viên được trao quyền, toàn quyền của giáo viên”, Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành nói.
Đặc biệt Vụ trưởng cũng lưu ý, căn cứ từng bài học cụ thể, nếu thấy không nhất thiết cần đến điện thoại, thầy cô không việc gì phải cho học sinh dùng.
Việc tạo điều kiện cho học sinh có công cụ truy cập vào bài học mình đã học ở nhà và ở trường, không đồng nghĩa với việc học sinh được dùng điện thoại không kiểm soát.
“Tôi mong muốn thầy, cô giáo, học sinh, các bậc cha mẹ học sinh và toàn xã hội hiểu đúng về quy định của bộ.
Cụ thể, học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”, ông Thành lưu ý.