Học sinh đồng tính bị kỳ thị ở trường học
(Dân trí) - Học sinh LGBT (đồng tính, song tính và chuyên giới) bị bắt nạt bởi bạn bè, thầy cô, cán bộ nhà trường; một số em còn bị ép buộc thay đổi đồng phục, kiểu tóc, cử chỉ…
Những nhân chứng sống, những kết quả nghiên cứu về bạo lực học đường đối với học sinh LGBT được nêu ra tại Hội thảo về học sinh LGBT trong môi trường học được diễn ra vào sáng 28/8 tại TPHCM do Bộ GD-ĐT, Trung tâm ICS và UNESCO tổ chức với chủ đề “Nuôi mầm khoan dung”.
Bị bêu tên, đuổi ra khỏi lớp vì… không bình thường
Trần Ngọc Anh (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu) là học sinh Trường THPT P., TPHCM), em đã và vẫn đang trải qua những ngày đến trường trong sự sợ hãi, ám ảnh bởi sự kỳ thị của mọi người, trong đó có cả thầy cô giáo. Anh là người chuyển giới nam bắt đầu nhận diện rõ về bản thân từ đầu năm cấp hai. Sinh ra là con gái nhưng Anh có mong muốn trở thành một người nam.
Năm lớp 7, Anh bị một người bạn trong lớp bắt nạt và gây sự thường xuyên, sau đó cả hai xảy ra xô xát. Cô giáo cho rằng, Anh là một người lệch lạc và gần như giờ nào của giáo viên chủ nhiệm, em cũng bị cô kêu tên và nhắc nhở về điều này.
Ngọc Anh còn kể: “Có lần em đi vệ sinh thì bị tạt nguyên một xô nước từ trên xuống, sau đó thì tiếng các bạn cười ha hả bên ngoài. Những năm cấp hai, những lời đe dọa, miệt thị, bôi nhọ… ở trường học là chuyện thường ngày mà em phải đối diện. Em từng bị giáo viên đuổi ra ngoài vì… không bình thường”.
“Lẽ ra giáo viên phải là người bảo vệ các bạn khỏi bị bắt nạt thì họ lại là một trong những đối tượng bắt nạt các học trò là LGBT”, bà Nguyễn Lý Hiền Nga - sáng lập Women Who Make a Difference
Lên cấp 3, nhiều bạn học đã hiểu và cởi mở hơn với Anh nhờ những kiến thức, hiểu biết về LGBT, tuy nhiên một số giáo viên vẫn kỳ thị. Anh đã bị một giáo viên của trường lôi ra làm “minh họa” cho sự không bình thường và có những học sinh chơi với Anh cũng bị giáo viên giáo viên nhắc nhở, xúc phạm.
Hôm nay, Anh mang câu chuyện cay đắng của mình đến hội thảo với mong muốn từ câu chuyện của mình, môi trường giáo dục sẽ có những thay đổi tích cực, thân thiện để các bạn LGBT khác khi công khai giới tính của bản thân sẽ không bị kỳ thị, dè bỉu và sợ hãi đến trường như mình.
Ngoài Ngọc Anh, có nhiều học sinh, sinh viên thuộc cộng đồng LGBT hay là phụ huynh của các bạn này cũng có mặt tại hội thảo. Một số người cũng lên tiếng về việc mình/con mình bị kỳ thị, phân biệt ở môi trường học đường vì là LGBT.
Người bảo vệ các em lại bắt nạt các em
Bà Trần Thị Phương Nhung, cán bộ quản lý chương trình “Sáng kiến về bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội công bằng hơn” (UNESCO) cung cấp, theo báo cáo nghiên cứu của UNESCO, Bộ GD-ĐT và Viện Khoa học giáo dục Việt Nam năm 2015 về LGBT trong trường học thì các em thuộc LGBT cảm thấy không an toàn và hay bị bắt nạt ở những nơi xa văn phòng nhà trường, xa thầy cô giáo, hay khu vực nhà vệ sinh hay bên ngoài nhà trường.
Chủ thể bắt nạt các em có thể là thầy là thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên nhà trường, bạn hay kể cả những người bán hàng rong bên ngoài cổng trường. Có thể nói khuôn mẫu giới rập khuôn, những hiểu biết chưa đầy đủ là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự bắt nạt.
Bà Nguyễn Vân Anh, Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT cho biết, cùng với sự hỗ trợ của UNESCO, hiện Cục Nhà giáo đang triển khai thực hiện hai bộ tài liệu trực tuyến gồm tài liệu về quản lý phòng chống bạo lực học đường trên cơ sở giới dành cho giáo viên, nhân viên tư vấn và cán bộ quản lý và tài liệu nâng cao năng lực cho giáo viên THCS và THPT nhằm đến vấn đề về giới, bình đẳng giới và các vấn đề liên quan khác. Cục sẽ thẩm định để trình lên lãnh đạo Bộ GD-ĐT về hai bộ tài liệu này và sau đó sẽ công khai trên website của Bộ.
Các cơ quan quản lý đang có những nỗ lực trong việc giảm thiểu việc bị bắt nạt của học sinh LGBT trong môi trường học đường. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Phương Nhung, vấn đề liên quan đến bạo lực học đường trên cơ sở giới, vấn đề LGBT là vấn đề khá mới với các cơ quan quản lý. Cần có sự chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực hơn nữa để cán bộ quản lý giáo dục nói riêng và những nhà làm chính sách nói chung ở các cấp có những thông tin, kiến thúc đúng và chuẩn để có những chính sách hiệu quả hơn.
Tình trạng phân biệt đối xử vì là LGBT trong trường học:
- Bị bắt nạt, quấy rầy bởi bạn bè: 53,8%
- Bị bắt nạt, quấy rầy bởi giáo viên, cán bộ nhà trường: 23%
- Bị ép buộc thay đổi đồng phục: 20,4%
- Bị ép buộc thay đổi kiểu tóc, cử chỉ, điệu bộ: 29,3%
(Nghiên cứu Thanh thiếu niên LGBT của tổ chức Save Children và Viện nghiên cứu Y – Xã hội học ISMS tại TPHCM năm 2015)
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)