Học sinh "đấu thầu", đổi mới học toán theo chương trình mới

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Để đổi mới cách học toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, mới đây những học sinh lớp 8 ở Hà Nội thực hiện dự án "Đấu thầu hoàn thiện phòng học" nhằm trải nghiệm học tập gắn với cuộc sống.

Công thức, định lý không "ngủ" trên trang sách

Thay vì chỉ học lý thuyết với những công thức về tính diện tích đa giác sau đó làm các bài luyện tập như trước đây, nhóm học sinh lớp 8 ở Hà Nội đã đưa kiến thức được học vào thực tế cuộc sống trong dự án "Đấu thầu hoàn thiện phòng học" để đổi mới cách học toán trong Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Theo đó, học sinh ứng dụng kiến thức đa giác, diện tích đa giác để đo đạc thực tế diện tích bề mặt nhà, phòng học..., sau đó dựng mô hình 3D và lên dự trù kinh phí hoàn thiện phần lát sàn gỗ.

Những con số, công thức, định lý trên những trang sách đã được tái hiện sống động khi các bạn học sinh được thực hành qua hoạt động đo diện tích lớp học, các phòng đa năng và tính toán tỉ lệ phù hợp trên mô hình 3D.

Học sinh đấu thầu, đổi mới học toán theo chương trình mới - 1
Nhóm học sinh tự tin thuyết trình về "gói thầu" xây dựng phòng học thành nhà hát mini.

Để thực hiện dự án, học sinh chia thành các nhóm để cùng tìm hiểu về nhu cầu của học sinh và giáo viên về một phòng học, phòng làm việc như thế nào.

Có nhóm đã lên ý tưởng xây dựng phòng nghỉ trưa cho học sinh, giáo viên; có nhóm lại là ý tưởng về phòng thiên văn học; hay một nhà hát mini; phòng họp dành riêng cho học sinh…

Với dự án trên, Học sinh được vận dụng kiến thức liên môn của MDE (Maker - Design - Enginering) khi dùng phần mềm vẽ 3D Tinkercard, Minecraft; kết cấu vật liệu để thể hiện lớp học trên mô hình 3D; của môn Kinh doanh - Hướng nghiệp khi phải tính toán chi phí các hạng mục gỗ lát sàn và sơn tường đồng thời phải tìm hiểu thị trường của 2 sản phẩm này để tối ưu giá thành sản phẩm, cạnh tranh với các dự án của các nhóm khác.

Không đơn thuần là một dự án với những kiến thức của các môn học, học sinh còn được rèn luyện các kỹ năng về làm việc nhóm, phân chia nhiệm vụ, lên kế hoạch, quản lý thời gian tiến độ thực hiện, phân tích, tổng hợp thông tin…

Đặc biệt nhất là kỹ năng thuyết trình, tranh biện trước các phụ huynh là kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng để giành được "gói thầu" về cho nhóm mình.

Học sinh đấu thầu, đổi mới học toán theo chương trình mới - 2
Nhóm giành giải nhất trong buổi "đấu thầu" dự án hoàn thiện phòng học với ý tưởng xây dựng phòng nghỉ trưa cho học sinh.

Việc học qua trải nghiệm thực tế giúp học sinh được chủ động với việc học, nuôi dưỡng sự tò mò, luôn đặt câu hỏi, luôn mang đến sự hứng thú, niềm say mê, hứng khởi qua mỗi hoạt động học tập.

Để môn toán không còn là nỗi sợ hãi

"Môn Toán tại trường được giảng dạy với nhiều hình thức khác nhau. Ngoài các bài tập để giúp các em củng cố và nắm vững các kiến thức lý thuyết, sẽ có các dự án học tập được triển khai trong năm học.

Các dự án này sẽ mang đến cho các em những góc nhìn mới mẻ hơn về toán học ở góc độ thực tiễn. Ngoài ra, các dự án còn cho các em thấy được mối liên hệ giữa toán học với các môn học khác" - Thầy Dương Hồng Phúc, Trưởng Bộ môn Toán THCS, Trường Phổ thông Dewey chia sẻ.

Cũng theo thầy giáo này, không phải hình thức truyền thụ kiến thức một chiều, đổi mới phương pháp tiếp cận giúp học sinh đào sâu vào vấn đề với góc nhìn đa chiều hình thành tư duy logic, phân tích, đánh giá thông tin và giải quyết vấn đề linh hoạt. Đây cũng là những kỹ năng quan trọng của thế hệ trẻ bên cạnh những kiến thức sách vở.

Các dự án học tập sẽ giúp học sinh có được trải nghiệm thú vị từ các ngành nghề thực tế để có những định hướng phù hợp trong tương lai.

Đây là sự kết hợp của 4 phương pháp học tập hiện đang triển khai tại trường là Học tập qua trải nghiệm, Học tập truy vấn, Học qua dự án và Tư duy thiết kế.

Trong đó phương pháp Tư duy thiết kế được các bạn học sinh sử dụng rất hiệu quả với 5 bước: Thấu cảm, Xác định vấn đề, Xây dựng ý tưởng, Mô hình hóa và Thử nghiệm.

Các em đã xác định đúng nhu cầu của người dùng về một căn phòng nghỉ trưa cho học sinh, một nhà hát mini để các em luyện tập biểu diễn trước đám đông, phòng thiên văn học, phòng họp của học sinh…

Học sinh đấu thầu, đổi mới học toán theo chương trình mới - 3

Các "chủ đầu tư" được mời trong dự án có Kiến trúc sư, ban Kinh doanh - Hướng nghiệp nhà trường và ban Toán - Hội đồng Khoa học và Sư phạm Nhà trường cùng thẩm định và lựa chọn các "gói thầu".

Em Trương Thục Quỳnh Anh, học sinh lớp 8 chia sẻ: "Nhờ vào hoạt động làm dự án, em hiểu hơn về toán học, biết được những ứng dụng thực tế của các công thức toán khiến chúng em thấy toán học cũng rất thú vị.

Trong dự án "đấu thầu" lần này, chúng em được trải nghiệm thêm nghề Kiến trúc sư và Kỹ sư xây dựng khi phải mô hình hóa phòng học sau khi đo đạc.

Một trải nghiệm thú vị là chúng em phải tìm hiểu về các loại sơn, lát sàn có giá thành phù hợp, chất lượng tốt và an toàn với trẻ nhỏ. Sau dự án, em khá tự tin khi tư vấn cho bố mẹ và bạn bè về hai loại vật liệu xây dựng này."

Anh Nguyễn Văn Cương - Kiến trúc sư, là một phụ huynh khách mời đến tham gia thẩm định các "gói thầu" của học sinh khối 8 cũng rất thích thú với hình thức học tập mới mẻ này.

Anh thấy các bạn rất tự tin khi giới thiệu về các dự án của mình, phần hỏi - đáp, phản biện của các bạn học sinh cũng rất thú vị khiến cho giờ học hôm đó vô cùng sinh động.

Học sinh đấu thầu, đổi mới học toán theo chương trình mới - 4

Phần hỏi - đáp, tranh biện chất lượng của các bạn học sinh tham gia buổi "đấu thầu".