GS Ngô Bảo Châu: "Hơn 400 đại học, chỉ 5 khoa toán hoạt động đúng nghĩa"
(Dân trí) - GS Ngô Bảo Châu nhấn mạnh thực trạng dạy học toán hiện nay còn nhiều bất cập, nhiều trường không tuyển được sinh viên, cả nước hơn 400 trường đại học nhưng chỉ 5 khoa toán hoạt động đúng nghĩa.
Sáng 4/12, Ngày hội Toán học mở thu hút hơn 2.000 học sinh, sinh viên tham dự với chủ đề "Toán học kết nối - Mathematics Unites". Ngày hội do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán học cùng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) và Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức.
Ngày hội Toán học mở được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2015 và đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Đây là chuỗi các hoạt động về Toán và STEM nói chung, nhằm tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh, các nhà Toán học và những nhà giáo dục cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp của Toán học.
Trò chuyện với sinh viên tại chương trình, GS Ngô Bảo Châu bày tỏ, Việt Nam với hơn 400 trường ĐH nhưng chỉ có khoảng 5 khoa Toán hoạt động một cách đúng nghĩa, có nhiều sinh viên theo học. Không ít các khoa Toán đang hoạt động lèo tèo.
Theo GS Ngô Bảo Châu, sinh viên không theo học ngành Toán không phải là lỗi của các em. Thực tế, việc dạy Toán hiện nay "có rất nhiều vấn đề". Một trong những vấn đề cơ bản là việc dạy của chúng ta còn quá chậm, chưa bắt nhịp với tốc độ phát triển của xã hội.
"Tôi ví dụ, giáo trình môn toán được viết từ những năm 1970, viết dựa theo giáo trình của Nga từ những năm 1940. Giáo trình đó về mặt toán học khá ổn nhưng vô cùng nặng nề. Nếu giáo trình này dạy cho người làm toán cơ bản thì hơi thiếu song dạy cho người làm toán ứng dụng thì lại quá thừa, không đáp ứng được nhu cầu", GS Châu cho biết.
Từ thực tế đó, GS Ngô Bảo Châu đề xuất cần phải nghiên cứu thay đổi giáo trình dạy toán làm sao để đáp ứng yêu cầu, tập trung vào việc dạy những vấn đề cần thiết.
GS Ngô Bảo Châu cũng chỉ ra một vấn đề trong việc học toán là người học thường chỉ áp lực công thức nhưng ngại tìm hiểu việc tại sao lại như thế, thậm chí yên tâm là không cần hiểu.
Tuy nhiên, vị GS này cho rằng, nếu học công thức thì ai cũng học được, chỉ cần tra Google cũng ra công thức. Trong điều kiện cạnh tranh, con người hơn nhau ở chỗ có thể hiểu hơn nhau một chút chứ không phải là việc tra Google nhanh hơn. Việc sử dụng toán học đang càng ngày càng sâu rộng, kiến thức toán học cần thiết ngay trong lĩnh vực chuyên môn, kinh doanh, quản lý chuỗi cung ứng... đòi hỏi kiến thức toán chắc chắn.
Ông Châu cũng hy vọng giáo viên và học sinh sẽ có góc nhìn khác và sinh động hơn trong quá trình dạy và học môn toán.
TS Toán học Trần Nam Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TPHCM) cho biết, trong chương trình phổ thông, học sinh đã được học khái niệm cơ bản về quy hoạch tuyến tính hoặc bộ môn giải tích cũng liên quan rất nhiều đến ứng dụng.
Điểm đặc biệt lớn nhất trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở môn toán là đưa mạch thống kê và xác suất dạy xuyên suốt từ lớp 2 đến lớp 12, thay vì trước đây chỉ đưa vào một chút ở lớp 7 và lớp 10.
Tuy nhiên, theo TS Trần Nam Dũng, nội dung này cũng chưa thật sự được chú trọng vì các kỳ thi ít đề cập đến nên giáo viên thường dạy "lớt phớt". Điều này cực kỳ tai hại vì thống kê, xác suất lại ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực, thực tế.
Vị Phó hiệu trưởng cũng nhắn nhủ, để có thể ứng dụng những kiến thức toán học từ bậc phổ thông cho đến ĐH vào các lĩnh vực hoạt động của xã hội thì trước hết, chính người học phải học tập một cách nghiêm túc và chủ động. Đừng chỉ học kiến thức là lý thuyết suông mà phải tìm hiểu tính ứng dụng của kiến thức đó. Ngoài ra, người học cần dành thời gian trải nghiệm, thực nghiệm để có thể thấy giá trị của toán học trong cuộc sống một cách rõ nét hơn.