Ý kiến giáo viên:
Học sinh đánh bạn: Cần hình phạt nghiêm để đủ sức răn đe
(Dân trí) - Chưa bao giờ vấn đề bạo lực học đường trong nhà trường lại "nóng" như hiện nay. Vụ này chưa giải quyết xong, vụ khác lại tiếp tục xảy ra. Tính chất các vụ bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng. Học sinh sẵn sàng đánh hội đồng rồi còn quay clip để tung lên mạng gây sự chú ý.
Bạo lực học đường vốn là một vấn đề nhức nhối mặc dù xã hội đang lên án, báo chí phản ánh mạnh mẽ. Cộng đồng mạng phẫn nộ. Nhà trường không ngừng tuyên truyền về vấn đề này. Thế nhưng tệ nạn bạo lực học đường không thuyên giảm mà còn có xu hướng gia tăng và chở thành "hội chứng".
Trước đây, nói đến bạo lực học đường chủ yếu là nói đến những học sinh nam ẩu đả đánh nhau bằng tay không, do mâu thuẫn, xích mích chuyện cá nhân. Còn bây giờ, học sinh đánh nhau không chỉ là các bạn trai mà còn có các bạn gái. Các em đánh nhau mức độ ngày càng nguy hiểm. Chuyện không chỉ dừng lại ở cái tát, nắm đấm nữa. Các em đánh nhau theo nhóm rất dã man. Người thì đánh, người thì dùng điện thoại di động để thu hình. Thật sự không tưởng tượng nổi các em.
Bản thân là giáo viên, tôi từng rất đau lòng khi chứng kiến những học trò của mình đánh nhau. Thực ra lí do đánh nhau của các em đều không có gì là lớn. Do nhìn đểu, do kiêu căng, do không cùng đẳng cấp, do tranh giành người yêu... Ngoài ra nhiều em còn muốn ra oai, khẳng định vị trí của mình nữa...
Mỗi khi xảy ra các vụ việc thì nhà trường chỉ biết mời phụ huynh đến làm việc. Khi ấy các em thường tỏ ra hối lỗi. Phụ huynh thì cứ xin tha thứ. Họ mong cho con mình một cơ hội để sửa sai. Gia đình bị hại lại mủi lòng. Nhà trường, với bản tính nhân đạo nên lại xử theo kiểu "giơ cao đánh khẽ". Cuối cùng các hình phạt thường là quá nhẹ so với lỗi của các em gây ra. Thành thử học sinh đánh nhau bây giờ không biết sợ là gì cả.
Thực ra ở độ tuổi học sinh trung học cơ sở, các em đều ý thức được hành vi, việc làm của mình. Nhiều em biết đánh nhau là vi phạm pháp luật, thế nhưng các em vẫn làm. Tôi cho rằng các em coi thường pháp luật. Chính vì thế chúng ta cần phải có những hình phạt nghiêm khắc hơn với học sinh này mới đủ sức răn đe. Nếu không, đây chính là nguyên căn của tội phạm, là mối nguy hiểm khó lường.
Thời gian gần đây, các vụ bạo lực học đường xảy ra ngày càng nhiều.Vụ này chưa xử xong, lại tiếp tục có vụ khác. Nhiều phụ huynh thì tỏ ra hoang mang vì nạn bạo lực học đường. Họ không hiểu sao học sinh bây giờ đánh nhau như những kẻ côn đồ. Các vụ việc ngày càng đáng sợ và đáng báo động.
Sở dĩ các em học sinh này không sợ vì chưa có vụ nào xử lí nghiêm khắc cả.. Chưa đủ sức răn đe thì các em sẽ không sợ gì cả. Chính vì vậy mà các vụ bạo lực học đường ngày càng gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.
Là một giáo viên, tôi biết nếu nghiêm khắc quá với các em là không nên. Không nên dồn các em vào đường cùng. Khi ấy cánh cửa tương lai của các em sẽ bị đóng lại. Nhà trường cần cho các em cơ hội để sửa sai. Tuy nhiên, nếu chúng ta cứ giải quyết quá nhân đạo, các em sẽ nhờn mặt. Nhiều em bây giờ không còn biết sợ là gì nữa. Các em coi thường pháp luật. Do vậy, dẫu buồn nhưng chúng ta vẫn phải làm. Cần xử lí nghiêm các vụ bạo lực học đường. Đó là điều tốt đẹp về sau cho các em. Có thể phạt hành chính, phạt buộc thôi học một năm. Thời gian ấy, phụ huynh cần quan tâm giáo dục và uốn nắn cho các em.
Tôi có một chị bạn dạy ở một trường cấp 3. Chị bảo rằng chưa bao giờ nạn bạo lực học đường lại "báo động" như bây giờ. Nhiều em học sinh bây giờ "coi trời bằng vung". Gia đình thì nuông chiều. Giáo viên chủ nhiệm nói các em không nghe. Chị rất mong muốn những vụ bạo lực học đường phải xử lí thật nghiêm khắc và triệt để. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn được nạn bạo lực học đường đã và đang diễn ra.
Vâng, chúng ta hãy thương yêu các em nhưng vẫn cần phải thật nghiêm khắc.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!