Trẻ cô đơn trong chính gia đình mình – mầm mống của bạo lực học đường
(Dân trí) - Ở tuổi vị thành niên, nhiều em gặp tổn thương về sức khỏe tinh thần nhưng bố mẹ không có thời gian quan tâm nhận ra; sự đứt gãy các mối quan hệ trong gia đình hoặc bạo lực gia đình khiến trẻ dường như cô đơn trong chính mái ấm chính là một trong những mầm mống của bạo lực học đường.
Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN.
Niềm tin “bạo lực là bình thường”…
Việc giữ môi trường an toàn, thân thiện trong trường học là cần thiết, nhất là trong sự phát triển của xã hội hiện đại. Để thực sự có một môi trường học đường an toàn, lành mạnh cho các em học sinh, rất cần sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội.
Vậy làm thế nào để nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường cho học sinh? Làm sao để môi trường học đường thực sự an toàn, thân thiện? Làm sao để gia đình, nhà trường và xã hội thực sự đồng hành cùng các em mỗi ngày đến trường?
Đó là những vấn đề được nêu ra bàn luận tại tọa đàm “An toàn trường học nhìn từ gia đình, nhà trường và xã hội" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 12/4.
Thời gian qua, báo chí đề cập đến các trường hợp bạo lực học đường xảy ra với tính chất nghiêm trọng diễn ra ở một số tỉnh thành. Đề cập tới những hiện tượng đáng tiếc này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN cho rằng, chính đứt gãy trong mối quan hệ gia đình và các tác nhân xấu của môi trường xã hội đã tác động tiêu cực khiến trẻ có xu hướng bạo lực.
“Với tư cách phụ huynh tôi cho rằng, với rất nhiều những việc mà ngành giáo dục đã làm, dù gì đi nữa phụ huynh cũng nên nhìn nhận một cách công bằng. Những vụ việc xảy ra ở nhà trường, tôi cho rằng đó là cá biệt, trên tất cả môi trường mà bạn trẻ đang tham gia vào thì có lẽ môi trường nhà trường vẫn an toàn hơn và có sự giám sát của nhiều bên.
Tuy nhiên, đâu đó vẫn xảy ra các vụ bạo lực ở trong nhà trường hoặc xã hội, tôi nghĩ rằng nguyên nhân là do áp lực cuộc sống ngày càng tăng, sự mất chức năng và đứt gãy mối quan hệ của các thành viên trong gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng tiêu cực đến các em”, ông Nam nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, hiện nay một bộ phận học sinh qua mạng xã hội, truyền thông, môi trường xung quanh… các em bị tập nhiễm vào nhận thức niềm tin “bạo lực là bình thường”, bạo lực có thể chấp nhận được – bởi đâu đó trong gia đình vẫn có người sử dụng bạo lực với các em. Do đó, các em nghĩ rằng, trong một số tình huống nhất định mình cũng có thể sử dụng bạo lực với người khác.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS-SV, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh thêm đến nguyên nhân môi trường mạng xã hội hiện nay tồn tại nhiều thông tin xấu, độc.
Các nội dung clip có tính chất bạo lực/ kích động bạo lực hoặc clip về hoạt động của những băng nhóm tội phạm, côn đồ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là nguyên nhân xã hội tác động trực tiếp đến thói quen, định hướng đến giới trẻ nói chung và học sinh – sinh viên nói riêng.
“Hiện nay, do điều kiện kinh tế khá giả, các em tiếp xúc thời gian nhiều trên mạng xã hội qua thiết bị điện tử thông minh, điều đó vô hình chung khiến giới trẻ tiếp cận rất nhanh. Bên cạnh đó, gia đình thường có tâm lý giao phó con cho nhà trường, thầy cô.
Đôi khi trong vụ việc cụ thể với các đối tượng học sinh cá biệt thì việc kết nối giữa các thầy cô giáo chủ nhiệm với phụ huynh cũng đứt gãy/ không thường xuyên.
Thêm nữa, bạo hành trong gia đình hiện nay diễn ra khá phổ biến. Sống trong môi trường gia đình có khuynh hướng bạo lực thì các em nhỏ sẽ dễ bị ảnh hưởng, có tư duy ưa bạo lực và sẵn sàng bùng phát bất cứ lúc nào.
Ở nước ngoài có quy định cụ thể rằng, hành vi nào thể hiện sự chăm sóc giáo dục, hành vi nào thể hiện sự xâm hại thân thể con người – kể cả cha mẹ với con cái. Tôi cho rằng, chúng ta cũng phải ra soát và có quy định cụ thể hơn để bảo vệ trẻ em và không tiêm nhiễm hành vi bạo lực từ chính gia đình mình”, ông Bùi Văn Linh nói về mầm mống bạo lực học đường từ gia đình.
Nhiều gia đình thường có tâm lý giao phó con cho nhà trường, thầy cô.
Khi bố mẹ không làm mẫu, trẻ mông lung về chuẩn mực
PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ: “Với tư cách là phụ huynh, khi tôi trao đổi với các bậc cha mẹ khác thì thấy môi trường gia đình có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các con. Thứ nhất, trước 5 tuổi, tất cả thông tin mang thông điệp, tính chất yêu thương, giá trị tôn trọng, hợp tác, các em chỉ tiếp cận được một phần.
Thông tin mang tính chất tiêu cực, có những ứng xử không phù hợp, bạo lực các em tiếp cận nhiều hơn gấp 30 lần. Giai đoạn 12 tuổi, lượng thông tin trái chiều, tiêu cực qua các con đường môi trường trực tiếp, môi trường mạng xã hội thì tỷ lệ này còn chênh lệch nhiều hơn nữa”.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, có một sai lầm không nhỏ là nhiều gia đình không đưa ra bất kỳ quy tắc, luật lệ nào để quản lý hành vi của con khi ở nhà; điều đó làm cho các em khi đến trường cũng mang theo văn hóa “không nguyên tắc/ luật lệ” đó đến trường. Nhiều bậc phụ huynh cũng không có thời gian làm mẫu hành vi cho con.
“Có nhiều em bị tổn thương về sức khỏe tinh thần, bố mẹ cũng không có thời gian để nhận ra và có hỗ trợ can thiệp kịp thời, vì vậy đứa trẻ dường như trở nên cô đơn hơn. Các con không có người hướng dẫn về mặt tinh thần từ cha mẹ, gia đình.
Vì vậy, khi gặp tình huống, các con chỉ thường ứng xử bằng kinh nghiệm chúng đã quan sát được ở trên mạng xã hội hoặc môi trường xung quanh. Trong khi đó, những người ở môi trường xã hội hoặc xung quanh không phải tấm gương tốt, một mẫu hình hành vi tốt. Điều đó, dẫn đến trẻ không có hành vi phù hợp.
Có một xu hướng nữa, khi con bước vào giai đoạn trẻ vị thành niên, lúc này con thường có xu hướng tách khỏi bố mẹ, gắn với bạn bè –bố mẹ cũng nghĩ bây giờ con lớn rồi nên cũng “buông lỏng” luôn để con tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Nhưng thực ra, giai đoạn này mới là giai đoạn trẻ cần sự định hướng của bố mẹ nhiều nhất, vì đây mới là giai đoạn chúng khẳng định bản thân mình, muốn khám phá cái mới lạ và làm những điều người khác không dám làm. Qua truyền thông thời gian vừa rồi, chúng ta cũng dễ nhận thấy rằng, vị thành niên là lứa tuổi các em có nhiều vấn đề nhất – dễ bị tổn thường nhất và dễ bị kích động để tham gia vào các hành vi bạo lực”, ông Nam lưu ý.
Chuyên gia tâm lý này cho hay, tất cả những gì chúng ta dạy, con nên làm thế này hay thế kia nếu chỉ qua nói thì không có hiệu quả. Bố mẹ phải hướng dẫn, cung cấp tất cả điều kiện để con trải nghiệm trên thực tế”, ông Nam lưu ý.
“Bạo lực học đường, tôi nhìn thấy trách nhiệm của các bên nhưng tôi vẫn cho rằng, trách nhiệm của người làm cha làm mẹ là trách nhiệm chính vì các anh các chị đi suốt cuộc đời với con và con cái nói một cách nào đó chính là sự nghiệp của bố mẹ”, ông nêu quan điểm.
Hai khách mời của tọa đàm cho rằng, hình phạt ở trong nhà trường với các em trong độ tuổi đang đi học, cụ thể là các em vị thành niên cần phải nghiêm khắc, nhưng cần hướng đến việc giáo dục và phát triển nhân cách cho các em chứ không phải bỏ rơi, cô lập, đẩy các em ra rìa…
Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HS-SV khẳng định, sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp lâu dài, có sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường, gia đình và xã hội. Chỉ khi nào chúng ta làm tốt được chức năng và bổn phận của các yếu tố trong 3 trụ cột này thì chúng ta mới đảm bảo được sự nghiệp giáo dục thành công.
Nhấn mạnh lại vai trò quan trọng của gia đình trong việc giáo dục nhân cách của trẻ, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục nói: “Trên phương diện phụ huynh, tôi cho rằng, để giảm một cách bền vững bạo lực học đường thì tất cả các môi trường của các em học sinh cũng phải có được bầu không khí có giá trị yêu thương, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Đầu tiên là gia đình, cần phải có môi trường an toàn trong gia đình bằng hành vi ứng xử của cha mẹ với con cái phải tích cực”.
Lệ Thu