Học sinh bị đánh rối loạn tâm thần: Chưa thể tiên lượng khả năng hồi phục
(Dân trí) - Sau 9 buổi trị liệu, chuyên gia điều trị cho V.V.T.K., học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng bị bạn đánh đến rối loạn tâm thần, cho biết, em có tiến triển, nhưng chưa thể tiên lượng khả năng hồi phục.
Thông tin trên được cán bộ Văn phòng Tư vấn và Trị liệu tâm lý trẻ em - Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH) - người đang trực tiếp điều trị cho em V.V.T.K. chia sẻ với phóng viên Dân trí chiều 4/12.
Trước đó, hồi tháng 9, Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội phát hiện vụ bạo lực học đường nghiêm trọng xảy ra với em V.V.T.K. - học sinh lớp 7 của trường. Em bị các bạn học đánh hội đồng trong thời gian dài, dẫn đến tổn thương cả thể chất và tinh thần. Đáng nói, hai bệnh viện lớn chẩn đoán K. bị rối loạn phân ly (một dạng rối loạn tâm thần).
Chưa thể tiên lượng về khả năng hồi phục
Nữ cán bộ của Cục Trẻ em đang điều trị cho em K. cho biết, nam sinh lớp 7 được gia đình đưa đến trong tình trạng bị rối loạn phân ly, có biểu hiện co giật, quên trí nhớ.
Sau buổi đầu được hỗ trợ trị liệu, cháu K. vẫn lên cơn co giật. Gia đình tiếp tục đưa nam sinh sang Viện Sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai để thăm khám, điều trị.
"Giữa tháng 11, K. tham gia buổi trị liệu thứ 2. Tại thời điểm này, cháu luôn nghĩ mình là "thằng" và gọi những người đánh cháu, bố mẹ và mọi người xung quanh là "côn đồ". Khi ở trong cơn rối loạn phân ly, K. không biết mình là ai", nữ cán bộ Văn phòng Tư vấn và Trị liệu tâm lý trẻ em nói.
Nữ cán bộ cho biết, sau 9 buổi được can thiệp, hỗ trợ, tình trạng của K. hiện tại tiến triển tốt hơn so với thời gian đầu, tuy nhiên chưa thể nói trước được điều gì.
"Hiện tại cháu K. đang phục hồi khá tốt. Cháu đã nhận thức hơn trước, thay vì gọi tất cả mọi người là "côn đồ" như trước đây, K. đã nhận ra bố mẹ và những người thân quen cháu từng tiếp xúc. Cháu gọi người nhà là "côn đồ bố, côn đồ mẹ".
Bên cạnh đó, K. đã nhận thức và mong muốn đi học trở lại. Trước mong muốn của cháu, nhà trường và gia đình vẫn tạo điều kiện để K. đến trường. Tuy nhiên K. vẫn còn những biểu hiện của bệnh rối loạn phân ly, do đó gia đình cần hết sức lưu ý, nếu bị tác động tâm lý K. có thể bị ngất hoặc cơn co giật sẽ xuất hiện", nữ cán bộ khuyến cáo.
Đánh giá tình trạng của K. hiện tại, cán bộ trị liệu cho hay, chưa thể khẳng định được tiên lượng hồi phục của K. Việc K. có thể hồi phục hoàn toàn hay không tùy thuộc thời gian và khả năng của K.
"Đối với căn bệnh rối loạn phân ly, việc phục hồi nhanh hay chậm phụ thuộc vào khả năng của từng cháu. Nếu được hỗ trợ và điều trị đúng hướng, trẻ hoàn toàn có khả năng hồi phục", vị cán bộ Văn phòng Tư vấn và Trị liệu tâm lý trẻ em nói.
Theo lời vị cán bộ trị liệu, sau khi chứng kiến K. thường xuyên lên cơn co giật, không nhớ mình là ai, gia đình cháu rất sợ hãi, hoảng loạn. Do đó, các cán bộ tại đây đã trấn an tinh thần cho người nhà và giải thích cho gia đình hiểu hơn về tình trạng K.
"Mẹ cháu đã rất hoảng loạn và tuyệt vọng. Thực tế, khi trẻ trong cơn rối loạn phân ly, gia đình phải hết sức bình tĩnh. Trong trường hợp này, trẻ có thể hoảng loạn, nói hoặc la hét, đôi khi có những nhận thức không phù hợp với bản thân trước đây. Tuy nhiên đây chỉ là trạng thái tạm thời, sau cơn kích động trẻ sẽ dần dần bình tĩnh trở lại", vị cán bộ chia sẻ.
Đối với trẻ đang bị rối loạn phân ly, theo cán bộ trị liệu, gia đình và những người trực tiếp chăm sóc trẻ cần hết sức bình tĩnh, không dồn trẻ hoặc tỏ thái độ phản đối.
"Trong tình huống này, dù trẻ có nói gì, phản ứng thế nào gia đình cần phải tỏ thái độ đồng ý bởi lúc này trẻ không kiểm soát được nhận thức của mình. Việc phản đối vô tình làm cho vấn đề trở nên rắc rối.
Khi trẻ lên cơn rối loạn phân ly, các cháu không ý thức được mình là ai, những người xung quanh là ai. Lúc này, trẻ có thể bỏ nhà đi, nếu có người đuổi theo thì trẻ càng bỏ chạy bởi lúc này các em nghĩ rằng mình đang bị đuổi đánh.
Do vậy, gia đình và những người xung quanh cần theo dõi sát sao để phòng ngừa những nguy hiểm có thể xảy đến với các cháu. Nhẹ thì các em gặp phải các tai nạn thương tích, nghiêm trọng hơn trẻ bỏ nhà ra đi, không còn nhớ đường về", nữ cán bộ nói, việc hướng dẫn cho người chăm sóc trẻ khi ở nhà rất quan trọng.
Một cuộc gọi có thể thay đổi số phận của đứa trẻ
Liên quan đến vụ việc bạo lực học đường nói trên, bà Nguyễn Thuận Hải, Trưởng Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Cục Trẻ em - Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Tổng đài 111 tiếp nhận thông tin về trường hợp của cháu K. vào ngày 16/10, mẹ cháu là người gọi điện nhờ được can thiệp, hỗ trợ.
Tiếp nhận thông tin, Tổng đài 111 đã kết nối với chính quyền địa phương và Trung tâm công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội trực tiếp xuống địa phương xác minh và hỗ trợ gia đình cháu bé.
"Sau khi xác minh, Tổng đài 111 đã khẩn trương vào cuộc, tiến hành can thiệp, hỗ trợ tâm lý cho cháu K. Đồng thời hướng dẫn gia đình đưa cháu K. đến Viện sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai để được thăm khám.
Đến nay, việc hỗ trợ tâm lý đợt 1 gần kết thúc, chúng tôi đang đánh giá tình trạng của cháu K. để tiếp tục hỗ trợ miễn phí tâm lý đợt 2", bà Hải thông tin.
Ngoài việc hỗ trợ cho cháu K., theo bà Hải, Trung tâm công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đồng thời đã tiến hành hỗ trợ tâm lý cho 8 cháu học sinh tham gia đánh K.
"Không chỉ riêng K., Trung tâm công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em Hà Nội đã hỗ trợ tâm lý cho 8 cháu khác liên quan đến vụ việc và gia đình các cháu. Các cháu là thủ phạm đánh bạn, phải xử lý nghiêm khắc, tuy nhiên các cháu cũng là trẻ em và cũng cần được bảo vệ", bà Hải nói.
Qua vụ việc của cháu K., Trưởng tổng đài 111 cho rằng, bất kỳ vụ việc nào nếu được hỗ trợ sớm, hậu quả sẽ giảm đi nhiều.
"Một cuộc gọi có thể thay đổi số phận một đứa trẻ, do vậy khi phát hiện trẻ có nguy cơ bị xâm hại, phụ huynh hoặc những người xung quanh cần gọi điện ngay tới tổng đài 111 để kịp thời ngăn chặn các nguy cơ xâm hại đến trẻ em.
Bên cạnh đó, gia đình cần quan tâm, quan sát, hỏi han, chia sẻ cuộc sống với trẻ hằng ngày để nắm bắt thông tin kịp thời. Nếu để quá lâu, các cháu không nhận được hỗ trợ kịp thời rất có thể xảy ra những hậu quả nghiêm trọng", bà Hải nói.