1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Đà Nẵng:

Học sinh băn khoăn trước kỳ thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Quy chế thi mới ban hành “cập rập”, cấu trúc đề thi thay đổi… khiến nhiều học sinh cuối cấp ở Đà Nẵng lo lắng trước kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Phía các trường cũng gặp khó khăn trong việc tổ chức ôn thi cho học sinh.

 Học sinh các khối lớp 12 tại Đà Nẵng đã tăng cường ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.
 Học sinh các khối lớp 12 tại Đà Nẵng đã tăng cường ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.

Học sinh vừa ôn thi vừa lo

Việc nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng thành một kỳ thi THPT quốc gia là đỡ thời gian thi cử cho học sinh. Công nhận điều này, nhưng trao đổi với Dân trí ngày 20/3, học sinh Hoàng Vy (lớp 12 THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) bày tỏ không ít lo lắng trước kỳ thi sắp tới. “Bộ Giáo dục thay đổi quy chế thi và lại áp dụng ngay nên chúng em rất lo lắng, vì năm trước đổi quy chế một kiểu, năm nay đổi một kiểu. Được thầy cô động viên, chúng em cũng an tâm tập trung lo học hành hơn. Nhưng cũng không hết hoang mang vì thời gian không còn bao lâu mà việc ấn định ngày thi cũng như các thông tin liên quan vẫn chưa thống nhất chắc chắn. Không biết cấu trúc đề thi năm nay như thế nào, chúng em cũng lo lắng” - em Hoàng Vy chia sẻ.


Video clip: Các học sinh lớp 12 tại Đà Nẵng bày tỏ lo lắng trước kỳ thi THPT quốc gia

Quy định các môn thi cũng khiến học sinh gặp khó khăn trong kế hoạch ôn thi. HS Đặng Thị Ngọc Trinh (lớp 12 THPT Hòa Vang, Đà Nẵng) chia sẻ nhiều bạn trong lớp chọn thi đại học các khối A, A1 đang rất lo lắng sợ không kịp ôn thi vì môn học nhiều hơn. “Bình thường, năm lớp 12, các bạn sẽ tập trung cho các môn thi đại học nhiều hơn, nhưng giờ kỳ thi THPT quốc gia bắt buộc thi 3 môn Toán, Văn, Anh thì các bạn chọn thi khối D sẽ lợi hơn, còn các bạn học thi khối A, A1 trước nay lại phải tập trung ôn thi thêm các môn bắt buộc vì kết quả toàn bộ kỳ thi ảnh hưởng tới kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng. Thêm vào đó là thông tin về kỳ thi không nhất quán, lúc thì nghe đài báo kỳ thi diễn ra vào tháng 6, sau lại có thông tin Bộ GD dự kiến tổ chức thi vào đầu tháng 7” - Ngọc Trinh bày tỏ.

“Kể cả giáo viên, cán bộ quản lý… đều bâng khuâng nhiều vấn đề”

Theo ông Trần Văn Quang - Hiệu trưởng trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng), việc đổi mới kỳ thi THPT này là để tiết kiệm thì cũng đúng thật. Nhưng triển khai quá vội vã. Ông Quang nói: “Kể cả giáo viên, kể cả cán bộ quản lý, phụ huynh và học sinh đều bâng khuâng rất nhiều vấn đề. Ví dụ, thi tốt nghiệp liên quan tới xét tuyển đại học, cao đẳng theo các tổ hợp môn. Nhưng các tổ hợp môn này Bộ GD giao cho các trường đại học quyết định. Và đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được hướng dẫn những điều cần biết về công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, thì không biết các tổ hợp môn đó có cơ bản trùng với các khối thi cũ năm trước hay không, hay là có thêm gì mới không? Bởi vì trong quy chế có nói tổ hợp môn là từ 3 - 4 môn. Mấy năm thì có 3 môn thôi cho từng khối A, B, C…


Video clip: Ông Trần Văn Quang - Hiệu trưởng THPT Đà Nẵng chia sẻ việc quy chế thi mới áp dụng vội vã khiến cho cả giáo viên, cán bộ quản lý đều còn nhiều băn khoăn

Thứ hai nữa là về môn thi Ngoại ngữ. Có em có chứng chỉ được Bộ công nhận thì được miễn thi Ngoại ngữ nhưng có được miễn trong thi xét tuyển đại học, cao đẳng hay không thì lại giao cho trường Đại học quyết định. Cho đến bây giờ vẫn chưa thấy thông tin gì hết.

Thứ ba, cấu trúc đề vừa là thi tốt nghiệp THPT vừa là thi lấy điểm xét tuyển đại học, cao đẳng, nhưng đến nay vẫn chưa có cấu trúc đề cơ bản để giáo viên và học sinh định hình tổ chức ôn thi”.

 Học sinh các khối lớp 12 tại Đà Nẵng đã tăng cường ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.
 Việc chưa biết cấu trúc đề thi như thế nào khiến cho cả giáo viên và học sinh khó khăn trong việc định hình phương pháp ôn tập.

Mặc dù đã có kế hoạch ổn định tư tưởng cho học sinh chuyên tâm ôn thi từ đầu năm, và hiện đang bắt đầu chia lớp cho học sinh ôn thi theo các môn tự chọn mà học sinh đăng ký. Nhưng trường THPT Hòa Vang cũng gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời khóa biểu ôn thi cho học sinh. Ông Nguyễn Phước - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Vang chia sẻ: “Ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Anh, có học sinh đăng ký thi 1 môn tự chọn, nhưng cũng có học sinh chọn thi thêm 2, 3, thậm chí 4 môn thi tự chọn. Việc xếp lớp cho các học sinh chọn nhiều môn thi tự chọn sao cho đảm bảo lịch học môn này không trùng với môn kia rất khó khăn”.
 

Vẫn ít thí sinh chọn thi môn Lịch sử

 

Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng qua khảo sát môn thi tự chọn của học sinh ở một số trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, tỷ lệ học sinh đăng ký thi môn Lịch sử vẫn là thấp nhất. Cụ thể, trường THPT Hòa Vang (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) chỉ có 28 học sinh trong tổng số 469 học sinh khối lớp 12 chọn thi môn Lịch sử. Môn thi có số lượng học sinh đăng ký thi nhiều nhất là môn Vật lý: 352 HS, tiếp đến là môn Hóa:253 HS, Sinh: 115 HS, Địa: 81 HS.

 

Trường THPT Phan Châu Trinh (quận Hải Châu, Đà Nẵng), chỉ có 0,68% trong tổng hơn hơn 1.400 HS khối 12 toàn trường chọn thi môn Lịch sử; tỷ lệ HS chọn thi môn Lý là 40,56%; Hóa: 29,76%; Sinh: 8,61%, Địa:11,19%.

 

 
Khánh Hiền
 

 

Thông tin, bài viết về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!