Học quân sự trực tuyến: Ngồi học thẳng lưng, gấp chăn hình vuông
(Dân trí) - Nhiều sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (ĐHQGHN) hào hứng khoe những thành quả và cảm nhận học quân sự trực tuyến thông qua tập gấp chăn hình vuông...
Trải nghiệm vô cùng mới mẻ
Dịch Covid-19 bùng phát, khiến cho kế hoạch học quân sự của trường phải tạm gác lại và chuyển qua học lý thuyết trực tuyến. Trước khi bắt đầu triển khai kỳ học quân sự online, các sinh viên được giảng viên giao một bài tập nhỏ là gấp chăn hình vuông.
Tất cả sinh viên đều được gửi ảnh mẫu, sau đó lên mạng học cách gấp chăn. Sinh viên phải tự chủ động tìm hiểu và nộp lại bài vào hai hôm sau đó. Đây được cho là màn khởi động để sinh viên làm quen với chương trình học và hiểu rõ hơn về tác phong người lính.
Phần lý thuyết môn Giáo dục Quốc phòng (GDQP) trong 2 tuần theo hình thức trực tuyến, thời gian học buổi sáng sẽ bắt đầu từ 7 giờ 30 - 10 giờ 30, buổi chiều từ 13 giờ 30 - 16 giờ 50. Và trước khi bắt đầu một bài học thì sinh viên phải nghiên cứu trước bài học đó.
Chia sẻ với phóng viên, sinh viên Lê Thị Chung (Khoa Khoa học Quản lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQGHN) cho biết, mặc dù hơi hụt hẫng vì không có một kỳ học quân sự với nhiều trải nghiệm như bao khóa trước "truyền lại" thế nhưng việc thầy cô đưa ra bài tập gấp chăn này giúp cô bạn thêm hào hứng hơn với môn học.
"Vì là môn học đặc thù có tính kỷ luật nên tác phong từ khâu chuẩn bị đến quá trình học rất khác, ngay cả khi học trực tuyến. Phải có đầy đủ camera và mic vì luôn phải bật camera trong suốt quá trình học, cũng như mở mic ngay khi thầy cô yêu cầu. Trong 2 tuần học thì chúng mình cũng cảm nhận được phần nào về quân sự như sự nghiêm túc, đúng giờ.
Ngoài ra bọn mình còn được thầy kể những câu chuyện ở Hòa Lạc hay là khi các thầy đi làm nhiệm vụ. Kỉ niệm môn học đối với mình mà trong suốt 2 năm đại học vừa rồi em chưa làm đó là luôn phải ngủ dậy sớm, nghe hơi buồn cười nhưng mà là cảm nhận chung của tất cả các bạn sinh viên, ngồi học thì luôn thẳng lưng và không thể làm việc riêng như việc học trực tuyến bình thường", cô nữ sinh hào hứng tâm sự.
Bạn Hồ Thị Yến Nhi (Sinh viên K64, ngành Thông tin - Thư viện, khoa Thông tin - Thư viện, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: "Thực ra thì việc học trực tuyến đã khá quen thuộc đối với sinh viên. Nhưng để nói về lần đầu học trực tuyến quân sự thì riêng cá nhân mình cảm thấy khá là háo hức đôi lúc thì hồi hộp vì không biết học quân sự trực tuyến thì sẽ được học những gì? Thi cử ra sao? Nhưng rất may vì đã được thầy cô chia sẻ, giải đáp những thắc mắc. Nhờ đó mình có thể thích nghi được với 2 tuần học quân sự trực tuyến.
Ban đầu tất cả sinh viên đều nghĩ học lý thuyết quốc phòng rất là khô khan. Nhưng khi bắt đầu vào học thì nó lại khác xa so với suy nghĩ của mỗi người. Thầy cô giảng viên tận tâm, nhiệt tình tuy đôi lúc có hơi nghiêm khắc nhưng cũng vì đặc thù của môn học.
Kỷ niệm về môn học mà mình nhớ nhất đó là câu nói của thầy đại đội trưởng. Kết thúc học phần lý thuyết GDQP&AN thầy có hỏi cả lớp là: "Các em có yêu nước không?", Toàn thể đại đội đều đồng điệu giơ tay lên hình trái tim thể hiện để trả lời cho câu hỏi của thầy. Mình hi vọng là nhanh hết dịch để có thể trải nghiệm học phần thực hành tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và An ninh tại Hòa Lạc, nơi mà được đặt với biệt danh Hola Resort".
Cũng trải nghiệm kỳ học quân sự trực tuyến, bạn Phạm Bùi Khánh Linh (sinh viên K64, ngành Quản trị khách sạn, khoa Du Lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) tâm sự: "Mình cảm thấy đây là một trải nghiệm đặc biệt và khá là thú vị trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như bây giờ. Các thầy dạy cho mình về bảo vệ an ninh quốc gia, phòng chống vi phạm pháp luật và cả những kỹ thuật chiến đấu bộ binh... Đó là những kiến thức rất hay và bổ ích về quân sự cho mỗi sinh viên".
"Kỉ niệm đáng nhớ nhất đó là sau khi kết thúc khóa học, mình vẫn còn lưu luyến rất nhiều. 7 giờ sáng mình ngồi vào bàn học mở máy tính và khi vào Ms Teams thấy không có lớp học, lúc đó mới nhận ra 2 tuần học trực tuyến quân sự đã kết thúc. Mình đăm chiêu ngồi nghĩ về những ngày học trực tuyến đã qua và rất mong muốn được trải nghiệm quân sự trực tiếp tại Hola thân mến", Nguyễn Văn An (Chuyên ngành Chính trị học, khoa Khoa Khoa học Chính trị, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) hào hứng kể.
Học trực tuyến nhưng phải đạt hiệu quả cao
Theo TS. Nguyễn Đức Đăng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc triển khai dạy học trực tuyến các môn Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được bắt đầu từ tháng 06/2021 cho đến nay.
Đây là hình thức dạy học trực tuyến lần đầu tiên được triển khai do các nội dung về quân sự, quốc phòng, an ninh; các bài thực hành mang tính đặc thù của quân đội.
Lãnh đạo trung tâm cho biết: "Những chia sẻ, phản hồi tích cực của sinh viên đã cho thấy được sự nỗ lực, cố gắng của toàn bộ cán bộ, giảng viên của trung tâm. Mặc dù trong quá trình giảng dạy gặp nhiều vấn đề về đường truyền internet, về thiết bị học tập… nhưng đều được khắc phục một cách tốt nhất cho từng sinh viên.
Khi quyết định giảng dạy theo hình thức trực tuyến, trung tâm đã tổ chức biên chế các đại đội sinh viên do giảng viên trực tiếp làm đại đội trưởng. Xây dựng kế hoạch giảng dạy, lịch giảng dạy và điều hành theo kế hoạch đã xác định; lập phòng học trực tuyến, chuẩn bị đề thi, đáp án và triển khai thực hiện phương án tổ chức thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập trực tuyến.
Bên cạnh đó cũng ban hành Quy định dạy - học trực tuyến môn học GDQP&AN của Trung tâm, trong đó nêu rõ quyền, trách nhiệm của giảng viên, sinh viên, các bên có liên quan và được phổ biến quán triệt sâu rộng cho các đối tượng.
Việc triển khai học trực tuyến sẽ giải quyết vấn đề tiến độ của chương trình môn học trong tình hình dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Đồng thời, thông qua giảng dạy trực tuyến để tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý khung nâng cao trình độ công nghệ thông tin, sử dụng hệ thống các phần mềm giảng dạy, thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy.
Song song với đó là giải quyết một số nội dung theo yêu cầu, nhiệm vụ đáp ứng thực tiễn đặt ra, vừa giải quyết nhiệm vụ trước mắt và chủ động, không lúng túng bị động, có sẵn kịch bản đáp ứng với diễn biến lâu dài của dịch bệnh Covid-19.
Sinh viên học giáo dục quốc phòng - an ninh sẽ có hai phần là lý thuyết và thực hành. Sinh viên sẽ học trước phần lý thuyết: đường lối quân sự, công tác quốc phòng - an ninh, kỹ năng quân sự cần thiết (chiến thuật, kỹ thuật, bắn súng tiểu liên, AK, CKC...); còn phần thực hành được dời đến khi học trực tiếp.
"Để thực hiện một nhiệm vụ dạy học trực tuyến ở học phần môn học đặc thù này, Trung tâm đã phát huy sức mạnh tổng hợp, xác định việc triển khai dạy - học trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, vừa học hỏi, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, làm đến đâu hiệu quả đến đó" - ông Đăng nhấn mạnh.