Học ngoại khóa... kiểu Úc

Khi học sinh có nhiều ý tưởng hay, giáo viên mời lên bục giảng để thay mình chia sẻ cho cả lớp cùng nghe. Điều này xảy ra ở một lớp học mẫu “kiểu Úc” kéo dài một tiếng rưỡi đồng hồ sáng ngày 27/10 tại TPHCM.

Động não liên tục

Gần 100 học sinh các trường THPT ở TP.HCM vừa có dịp tham gia lớp học thử nghiệm môn Địa lý với chủ đề Di sản thế giới tại Khách sạn Grand (Đồng Khởi, Q.1, TPHCM).  

Mở đầu buổi học, ông Steve Pickering, Hiệu trưởng Trường Northern Beaches Secondary School, cũng là giáo viên chính đứng lớp cho học trò thấy hình ảnh của nhà hát Sydney, rồi lần lượt hình ảnh các di sản văn hóa khác trên thế giới được UNESCO công nhận. Học sinh bắt đầu bước vào bài học với những hình ảnh cụ thể hiện ra trước mắt.

Học sinh được chia thành từng nhóm 7 - 9 người. Cứ 20 phút giảng bài, ông Steve Pickering lại cho học sinh 10 phút để tự thảo luận. Sau 10 phút thảo luận, học sinh có 15 phút để trả lời câu hỏi của giáo viên đưa ra.
 
Học ngoại khóa... kiểu Úc - 1

Giáo viên và học sinh cùng tranh luận

“Học ở lớp học như thế này, em cảm thấy giáo viên rất thân thiện, mình được đưa ra ý kiến riêng một cách thoải mái” - Bảo Ngân, học sinh lớp 10 Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ.

Với các học sinh, lớp học này không giống như lớp học thông thường các em tham dự. Ngoài việc được học giảng viên nước ngoài, trau dồi tiếng Anh, các em còn có kiến thức địa lý phong phú cho bản thân.

Louis Adam, học sinh lớp 10 Trường THPT Hùng Vương so sánh: “Thầy giáo đưa ra nhiều tài liệu cho mình tham khảo. Học trong sách giáo khoa nhiều khi cũng chán. Thông thường cô giáo chỉ cho làm bài tập là xong, còn ở đây, tụi em còn được thảo luận với nhau về vấn đề thầy đưa ra”.

Trong quá trình học sinh thảo luận đưa ra câu trả lời, ông Steve Pickering cùng với một giáo viên khác đến từng nhóm quan sát và giải đáp khi học sinh thắc mắc.

“Còn các kiến thức thầy đưa ra luôn có mối quan hệ và móc nối lẫn nhau, buộc mình phải chú ý lắng nghe kết hợp với liên tưởng để bắt cho kịp ý thầy. Điều này giúp em động não và suy nghĩ liên tục trong buổi học” - Ngọc Trâm, học sinh Trường THPT Hùng Vương bổ sung.

“Không thể xem là buổi học”

Trong bài giảng của mình, giáo viên đặt các câu hỏi yêu cầu so sánh, mô tả, giải thích những gì học sinh nói.

Như yêu cầu học sinh thảo luận sự giống và khác nhau giữa các di sản văn hóa ở Việt Nam và ở Úc, lựa chọn một di sản nào đó và giải thích lý do lựa chọn di sản đó và vì sao nên bảo tồn...

Khi trình bày lí do vì sao những kì quan cần được bảo vệ, Minh Uyên, học sinh Trường Lê Hồng Phong bất ngờ khi thầy giáo yêu cầu lên bục giảng để giải thích cho cả lớp vì kiến thức của Uyên khá tốt.

“Khi được thầy khen và khuyến khích em vui lắm, cảm thấy tự tin hơn khi phát biểu” - Uyên chia sẻ.

“Tôi không thấy có sự khác biệt gì ở học sinh Việt Nam và học sinh ở Úc. Tuy nhiên, tôi lại rất ấn tượng với kiến thức và khả năng nhận thức rất tốt ở các em” - ông Steve Pickering bày tỏ.

Khi nói về giờ học này, cô Nguyễn Anh Đào, giáo viên môn Địa lý, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho rằng: “Đây không thể xem là một buổi học, đó chỉ là buổi thảo luận mà đúng hơn là một buổi ngoại khóa”.

Cô Anh Đào giải thích: Lớp học này người ta không hình dung được học sinh thi như thế nào và học như thế nào để thi.

Cô nói thêm: “Ở lớp học thông thường, giáo viên bị áp lực về thời gian trong khi buổi học này lại kéo dài khá lâu”.

Đặc biệt, cô khẳng định rằng, “cách dạy này nói mới thì rõ ràng là không mới”.

Theo ông Steve Pickering, cách dạy giáo viên là người nói, người chủ động là cách dạy truyền thống của Việt Nam cũng như của Trung Quốc và Nhật Bản. Ở Úc, học sinh là trọng tâm và lớp học có tính tương tác giữa thầy và trò, linh hoạt và sôi nổi.

Cách dạy và học truyền thống ở Việt Nam khó có thể thay đổi bởi như cô Anh Đào đã nói: Mục đích của người học là biết, hiểu và thi cử. Người dạy cũng vậy, mục đích của họ là đáp ứng mục đích học của học sinh.

Theo Minh Quyên
Vietnamnet