Học ngành điện có dễ kiếm việc làm?
(Dân trí) - Thi công điện không phải là công việc chính trong ngành xây dựng nhưng hệ thống điện cần bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên nên nhu cầu nhân sự rất lớn.
Ra trường có việc làm ngay
Đa số mọi người nghĩ học ngành điện ra chỉ có thể làm thợ điện công trình hay lắp đặt hệ thống điện cho gia đình. Nhưng thực ra, vị trí việc làm của ngành này rất đa dạng.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành, Trưởng bộ môn Điện trường Cao đẳng Xây dựng TPHCM, người học cao đẳng ngành điện khi ra trường sẽ là kỹ sư thực hành, nắm vững hầu hết các kỹ năng của lĩnh vực điện dân dụng, điện công nghiệp và kiến thức cơ bản của điện tự động.
Với những kỹ năng này, kỹ sư thực hành có thể làm hầu hết các vị trí việc làm liên quan đến điện như thiết kế, thi công, giám sát, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục sự cố, kinh doanh thiết bị điện…
Trước đây, công trình điện xuất hiện chủ yếu ở hệ thống cung cấp điện và nhà ở hiện đại . Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của các đô thị và nền sản xuất công nghiệp, hệ thống điện của các tòa nhà lớn và nhà máy trở thành nhóm công trình cần nhiều kỹ sư điện nhất.
Hệ thống điện của các tòa nhà văn phòng, chung cư, siêu thị, nhà xưởng… rất phức tạp, cần thực hiện đồng bộ từ khâu thiết kế, thi công cho đến vận hành, bảo trì, khắc phục sự cố nên cần rất nhiều nhân lực chuyên môn cao như kỹ sư điện. Các khu công nghiệp, khu đô thị mới có những hệ thống điện riêng rất hiện đại, cần lượng lớn kỹ sư vận hành, bảo trì.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh: "Nhu cầu nhân sự ngành này hiện đang rất cao, đảm bảo ra trường là có việc làm ngay".
Trong lĩnh vực điện dân dụng, nhà ở thông minh đang phát triển nên hệ thống điện cho các công trình này ngày càng phức tạp, cần đội ngũ kỹ thuật cao để thi công, bảo trì. Các thiết bị sinh hoạt dùng điện cũng xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống.
Theo thạc sĩ Phạm Đức Lâm, Trưởng khoa Công nghệ kỹ thuật trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, nhân viên kỹ thuật điện là nghề hiện đang có nhu cầu nhân sự rất lớn. Nguyên nhân là xã hội ngày càng phát triển, các thiết bị điện xuất hiện trong hầu hết các gia đình.
Ông Trần Văn Đức, Giám đốc điều hành dự án công ty TNHH kỹ thuật cơ điện Sáng Minh, cũng cho biết công ty của ông cần rất nhiều nhân viên kỹ thuật thi công điện ở các tòa nhà.
Chịu khó là có tương lai
Hạn chế lớn nhất của ngành điện là kén nhân lực, đặc thù nghề nghiệp chỉ phù hợp với nam giới. Nhiều người cũng nhầm tưởng nghề điện cần sức khỏe và nặng nhọc, ít chọn học nghề này, dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực hiện nay của ngành điện.
Theo thạc sĩ Nguyễn Đức Thành, công việc của kỹ sư điện không quá nặng nhọc so với các nghề khác trong nhóm ngành kỹ thuật. Như vị trí thiết kế chỉ làm việc trong văn phòng, giám sát và vận hành đều làm việc tại các phòng điều khiển trung tâm, chỉ có vị trí thi công và sửa chữa là vất vả nhưng cũng không quá nặng vì hiện có nhiều máy móc để hỗ trợ nhân viên thi công.
Tuy nhiên, theo ông Thành, thi công cực hơn các vị trí khác nhưng bù lại, người làm vị trí này là người am hiểu hết quy trình làm việc của ngành như đọc bản thiết kế, biết cách vận hành, hiểu việc sửa chữa… nên dễ thăng tiến lên vị trí quản lý hơn các vị trí việc làm khác. Do đó, ai theo ngành này mà chịu khó thì rất có tương lai.
Điều thuận lợi hơn là ngành điện có nhiều phân ngành với vị trí làm việc cụ thể, kỹ năng chuyên biệt cho từng công việc nên khi học xong, người học dễ xác định vị trí việc làm cho mình. Với mỗi kỹ năng được học trong ngành điện, người học đã có thể hành nghề với những vị trí công việc chuyên biệt.
Nếu muốn có công việc làm ổn định sớm thì người yêu thích ngành này có thể học bậc nghề thấp hơn như trung cấp (chia thành nhiều nhóm nghề nhỏ như Điện dân dụng, Điện công nghiệp...); hoặc đào tạo ngắn hạn (Thiết kế, lắp đặt điện công trình; Thiết kế, lắp đặt điện nhà thông minh; Lắp đặt tủ điện công nghiệp…).
Tuy nhiên, với trình độ kỹ sư thực hành thì người học sẽ có kiến thức chuyên môn toàn vẹn hơn, dễ nắm bắt các kỹ thuật mới của ngành, các thiết bị mới xuất hiện… để tham gia vào các công trình điện quy mô lớn, hiện đại.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Thành cho biết, với chương trình tại Cao đẳng Xây dựng TPHCM, nhà trường liên kết với nhiều doanh nghiệp để mời chuyên gia đến giảng dạy các hợp phần chuyên sâu, mục tiêu là giúp cho sinh viên tiếp cận với những công nghệ mới nhất, thiết bị hiện đại nhất đang được ứng dụng để sau này các bạn dễ tiếp cận công việc.