Học bổng không tên
Một lần ngồi uống cà phê với bạn, thầy Phạm Hoàng Quân nghe kể về em Kiều Duyên bị máy cưa xé nát bàn tay khi làm thêm ngoài giờ. Thầy Quân lặng lẽ dốc hết những đồng tiền cuối cùng trong bóp, nhờ bạn chuyển cho bé Kiều Duyên...
Không chỉ thế, sau đó hằng tháng thầy gửi đều đặn một số tiền nhỏ trích từ đồng lương ít ỏi của mình cho bé Kiều Duyên (học sinh lớp 5 phổ cập, Trường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp, TPHCM).
Lần khác, cũng từ câu chuyện của bạn bè, thầy biết được em Nguyễn Gia Bảo Ngọc (lớp 9 Trường THCS Quang Trung, Q.4) mồ côi cha, gia đình rất khó khăn. Ngoài giờ học, Bảo Ngọc phụ mẹ may hàng gia công và chăm sóc một người anh bị tâm thần do ảnh hưởng chất độc da cam (cha Bảo Ngọc xưa là bộ đội Trường Sơn).
Cũng như lần trước, thầy dốc tất cả những đồng tiền cuối cùng trong bóp để nhờ bạn chuyển cho Bảo Ngọc. Hằng tháng sau đó, Bảo Ngọc tiếp tục nhận được những đồng tiền do thầy tích cóp được mà chưa một lần biết mặt thầy.
Hình như thầy rất có “duyên” với những đứa học trò nghèo. Chỉ từ những câu chuyện nhỏ trên báo chí, trong phòng giáo viên giờ giải lao hay ở một quán cà phê ven đường mà thầy được biết đến nào là Nguyễn Thị Ngọc Chơn (lớp 9 Trường THCS Trương Công Định), Võ Hiếu Thảo (lớp 7 Trung tâm GDTX Q.8), Nguyễn Lê Nguyên Vũ (lớp 8 THCS Quang Trung, Q.4), Nguyễn Thị Cẩm Tú (lớp 8 THCS Kiến Thiết, Q.3), Lê Thị Mỹ Ngọc (lớp 9 THCS Mạch Kiếm Hùng, Q.5)...
Điều lạ kỳ là cứ đối diện với một trường hợp học trò nghèo hiếu học, thầy không bao giờ để cho trái tim mình dễ dàng yên ngủ. Những đồng bạc tích cóp được của một nhà giáo cứ tiếp tục như những dòng suối mát cho bao mái đầu xanh đang cần một điểm tựa để đi lên.
Những khi quá “đuối”, thầy lại kêu gọi đám học trò sinh viên của mình. Đó là những bạn sinh viên vừa học vừa làm thêm có chút đỉnh tiền và sẵn lòng chia sẻ bất cứ khó khăn nào của thầy. Có lẽ ngày xưa các bạn ấy cũng ít nhất một lần được thầy tiếp sức đến trường.
Khi số tiền hằng tháng được thầy Phạm Hoàng Quân nhờ các bạn sinh viên chuyển đều đặn đến những đứa học trò nghèo, nhiều lần bạn bè đề nghị thầy đặt một cái tên cho học bổng để mọi người dễ dàng tìm cách hỗ trợ thầy. Lần nào cũng thế, thầy chỉ mỉm cười: “Một chút động viên lũ học trò nhỏ, tên tuổi làm gì!”. Thế là bạn bè thích thú gọi tên công việc thầm lặng của thầy là “chương trình quĩ học bổng không tên”!
Tôi biết chương trình học bổng của thầy đã hơn một năm. Và cũng ngần ấy thời gian, mỗi đêm đi làm về ngang qua đường Hai Bà Trưng, tôi thường dừng xe thật lâu trước cổng Trung tâm Bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ để được nhìn tận mắt hình ảnh một người thầy phờ phạc trở về nhà sau những tiết dạy.
Lớp toán của thầy ở trung tâm này không chỉ dành cho những em đến học bằng học phí, cũng có không ít học trò nghèo cắp cặp vào lớp chỉ qua cái gật đầu thông cảm của thầy.
Theo Phan Cát Tường
Tuổi Trẻ