Học bổng 1 và 1

(Dân trí) - Ở TPHCM có một hình thức học bổng rất đặc biệt. Mỗi sinh viên nhận học bổng được một cá nhân đỡ đầu. Giữa người trao và người nhận có sợi dây tình cảm bền chặt. Đó là học bổng khuyến tài của Hội khuyến học TPHCM mà sinh viên hay gọi thân thương là học bổng 1 và 1.

Học bổng 1 và 1 có nghĩa là học bổng 1 sinh viên và 1 ân nhân tài trợ. Cô Lê Minh Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khuyến học, giám đốc Quỹ khuyến học TPHCM nói: “Đây là học bổng từ trái tim đến trái tim, giữa người trao và người nhận có sự chia sẻ, trách nhiệm, có sự ấm áp của tình người”. Cả sinh viên lẫn ân nhân tài trợ đều có địa chỉ liên lạc của nhau. Thông thường, ân nhân làm việc ở ngành nghề nào thì tài trợ cho sinh viên học nghề đó như bác sĩ tài trợ cho sinh viên y, luật sư tài trợ cho sinh viên luật, nhà giáo tài trợ cho sinh viên sư phạm… 

Chính nhờ những suất học bổng mang nặng nghĩa tình này mà nhiều sinh viên đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Bạn Nguyễn Minh Hoàng, tốt nghiệp loại giỏi ngành Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Kiến trúc TPHCM được nhiều thầy cô khen ngợi về tinh thần ham học, vượt khó. Nhận học bổng của Hội Khuyến học TPHCM là kỷ niệm đáng nhớ với Minh Hoàng. 

Năm 2002, Hoàng đỗ thủ khoa ĐH Kiến trúc nhưng lại vuột mất học bổng Hội Khuyến học Việt Nam. Vội chạy đến Hội Khuyến học thành phố, Minh Hoàng gặp má Ngọc (các sinh viên hay gọi cô Lê Minh Ngọc bằng tên gọi thân thiết như thế). Má Ngọc gọi điện cho bác Hồ Ngọc Cứ và Minh Hoàng nhận được học bổng. Giờ đây, Minh Hoàng là phó chủ nhiệm câu lạc bộ sinh viên khuyến tài, nơi hỗ trợ nhau của những sinh viên đã nhận học bổng khuyến tài.  

Nhắc đến bác Cứ thì thế hệ sinh viên khuyến tài nào cũng biết. Từ 6 năm qua, luật gia Hồ Ngọc Cứ nhận đỡ đầu cho 5 em sinh viên và vận động cho các cá nhân khác tài trợ cho 100 sinh viên. Trong buổi gặp gỡ các thủ khoa, bác Cứ nói: “Tôi rất hãnh diện về các cháu. Tôi đã lớn tuổi rồi nhưng lúc nào cũng sẵn sàng cổ động để tạo ra nhiều thủ khoa cho đất nước”. 

Ngoài bác Cứ, nhiều cá nhân khác cũng đỡ đầu cho các em sinh viên. Anh Trần Văn Châu đỡ đầu cho 20 sinh viên. Má Ngọc đỡ đầu cho 6 sinh viên, trong số này 5 bạn đã ra trường. Luật sư Lan Anh đỡ đầu cho sinh viên Hồ Thụy Ngọc Trâm (thủ khoa ĐH Luật TPHCM năm 2006). Chị cho biết rất quý mến nỗ lực quyết tâm của Trâm và xem em như người em. Ngọc Trâm kể rằng chị Lan Anh thường hỗ trợ em về tài liệu, sách vở, thỉnh thoảng chị lại tặng quà cho Trâm. Với những sự quan tâm đó, Trâm nói: “Em không còn phải lo lắng khi bắt đầu mỗi năm học mới nữa. Chị Lan Anh với em rất tình cảm. Em xin cám ơn chị”.


Học bổng 1 và 1  - 1

Ngọc Trâm tặng hoa cho người đỡ đầu của em - luật sư Lan Anh

 

Sinh viên Nguyễn Thái Bình, thủ khoa ĐH Kiến trúc TPHCM năm 2007 vì hoàn cảnh khó khăn nên phải đi phụ hồ ở TPHCM. Em cũng sẽ được nhận học bổng của Hội Khuyến học TPHCM. Chính má Ngọc đã vận động câu lạc bộ phu nhân các tổng lãnh sự đỡ đầu cho Thái Bình.  

Ngoài sự hỗ trợ từ các ân nhân, các bạn sinh viên được nhận học bổng còn lập ra Câu lạc bộ sinh viên khuyến tài vào năm 2000 từ ý kiến của một bạn sinh viên, để hỗ trợ lẫn nhau.

Học bổng khuyến tài ra đời vào năm 1999. Lúc đó chỉ có 5 cá nhân tài trợ cho 5 sinh viên nghèo hiếu học. Sang năm sau, số suất học bổng tăng lên 27. Và đến nay có 400 sinh viên nhận được tài trợ từ 140 cá nhân và 29 đơn vị. Trong số này, 118 bạn đã tốt nghiệp đại học. Ngày 28/10/2007, Hội Khuyến học TPHCM sẽ trao 100 suất học bổng. Trị giá mỗi học bổng là 1,5 triệu đồng.

 

Học bổng khuyến tài dành cho những bạn sinh viên đậu đại học nhưng hoàn cảnh quá khó khăn. Thông thường các bạn phải là học sinh giỏi 3 năm THPT. Tháng 9 hàng năm, sau khi có kết quả thi đại học là Hội khuyến học lại xét học bổng.  Sinh viên không nộp hồ sơ xin học bổng như những chương trình khác. Hội khuyến học quận, huyện sẽ gửi danh sách sinh viên đủ điều kiện nhận học bổng cho Hội khuyến học thành phố.

 

Đặc biệt, khi các bạn đã nhận học bổng một lần là sẽ nhận trong suốt những năm học còn lại. Dĩ nhiên, hàng năm các bạn đều phải nộp bảng điểm cho Hội Khuyến học. Cô  Lê Minh Ngọc, giám đốc Quỹ khuyến học thành phố cho biết: “Quan trọng là các em cố gắng vì ở đại học không dễ gì đạt khá giỏi, nhưng phải phấn đấu. Mặt khác, các em nên tạo quan hệ tốt với những ân nhân của mình”.

 
Hiếu Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm