Hoang mang ngành Kỹ thuật robot, Công nghệ thông tin dẫn đầu xu hướng
(Dân trí) - Ngành Kỹ thuật robot hay CNTT là một trong những ngành công nghệ sẽ dẫn đầu xu hướng, đứng trước thời đại số thì các bạn tân sinh viên không khỏi hoang mang về nghề nghiệp trong tương lai.
Tại buổi gặp mặt các Tân sinh viên K65, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), nhiều chuyên gia đã chia sẻ về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (gọi tắt cách mạng 4.0) đã tác động vào nền kinh tế, xã hội Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, đặc biệt là có thể phá vỡ thị trường lao động như thế nào?
Mặc dù, ngành Kỹ thuật robot hay Công nghệ thông tin là một trong những ngành công nghệ sẽ dẫn đầu xu hướng, nhưng đứng trước thời đại số thì các bạn tân sinh viên không khỏi lo lắng về nghề nghiệp trong tương lai.
Trước những thắc mắc này của tân sinh viên, PGS.TS. Lê Sỹ Vinh – Chủ nhiệm khoa Công nghệ thông tin (CNTT) khẳng định, trong một năm cả nước đón nhận khoảng 70.000 – 80.000 nguồn nhân lực CNTT.
Tuy nhiên, trong tổng số sinh viên tốt nghiệp ra trường, tỷ lệ sinh viên tư duy tốt, được đào tạo bài bản tại môi trường tốt không cao. Vì vậy, nguồn nhân lực trong phân khúc thị trường chất lượng cao còn thiếu rất nhiều và đây là mục tiêu đào tạo, vị trí việc làm mà Trường ĐH Công nghệ hướng đến cho sinh viên.
Khi nhắc đến cơ hội nghề nghiệp của ngành Kỹ thuật robot, TS. Đinh Triều Dương – Chủ nhiệm khoa Điện tử viễn thông (ĐTVT) chia sẻ, trong thời đại 4.0, những bài toán thực tiễn liên quan đến trí tuệ nhân tạo, tự động hóa… đều có gắn kết với kỹ thuật robot. Và chương trình đào tạo Kỹ thuật robot của Trường mang tính liên ngành cao, gồm điện tử viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa, điều khiển… Do đó, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp đối với ngành kỹ thuật robot rất lớn.
Chia sẻ về thách thức đối với nghề nghiệp trong lĩnh vực xây dựng nói chung và vấn đề đào tạo nhân lực chất lượng cao của Bộ môn công nghệ xây dựng – giao thông nói riêng, TS. Hà Minh – Tổng giám đốc Công ty Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng (Coninco) nhận định, ngành xây dựng đang tăng nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.
Ở Việt Nam, nguồn nhân lực chất lượng cao chỉ chiếm 20% lực lượng lao động. Do vậy, năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN. Trong quá trình hội nhập, nhân lực chất lượng cao sẽ phải tính tới những tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường nước ngoài.
Với mong muốn tân sinh viên khoa Công nghệ nông nghiệp (CNNN) được truyền cảm hứng để khám phá và hiểu nhiều về những giá trị tuyệt vời tân sinh viên đang sở hữu. GS.TS. Lê Huy Hàm – Chủ nhiệm khoa nhấn mạnh, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế và trong tương lai nông nghiệp vẫn là cơ sở ổn định cuộc sống, xã hội. Vì vậy, lĩnh vực nông nghiệp và 60 triệu người nông dân đang rất cần các em.
Để đổi mới nền nông nghiệp nước nhà, trong thời gian học tập tại khoa CNNN, các em sẽ được làm quen kỹ thuật và thấu hiểu hơn đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đời sống của người nông dân các vùng miền.
Từ đó, các em sẽ dần hình thành tư duy, ý tưởng giúp cho nền nông nghiệp phát triển. Đồng thời, các em sẽ xây dựng kế hoạch lập nghiệp bám vào sản xuất, người dân, phục vụ nhu cầu xã hội
Các chuyên gia cho rằng, để có thể đương đầu với thách thức khi nước ta bước vào cuộc cách mạng 4.0, sinh viên phải chuẩn bị tri thức về CNTT, trình độ ngoại ngữ tốt, kỹ năng mềm thành thạo và kinh nghiệm làm việc thực tế để mở ra cánh cửa bước vào sân chơi toàn cầu hóa.
TS Seung Chul Jung – giảng viên khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa cũng cho rằng, ngoài việc học tập thì một trong những điều quan trọng của sinh viên là việc trải nghiệm cuộc sống, tích lũy kinh nghiệm và kiến thức xã hội, kết bạn với sinh viên nước ngoài để tăng cường khả năng và luyện tập ngoại ngữ.
Chia sẻ với các tân sinh viên, PGS.TS. Phạm Ngọc Hùng – Phó Chủ nhiệm khoa CNTT nhấn mạnh, các em phải học cách tự chịu trách nhiệm, tự chăm sóc bản thân, quan trọng nhất là tự học, tự nghiên cứu. Vì thầy/cô chỉ có vai trò định hướng đối với sinh viên. Nếu chưa kịp thích ứng với môi trường đại học, thì các em phải chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ bạn bè, giảng viên và cố vấn học tập.