Hỗ trợ, miễn giảm học phí cho sinh viên trường tư
(Dân trí) - Sắp tới sẽ có chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí cho sinh viên các trường ngoài công lập như sinh viên trường công lập.
Thông tin trên được Bộ GD-ĐT đưa ra tại Hội nghị tổng kết 20 năm thành lập khối các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL).
Đặc biệt, bảo đảm bình đẳng giữa nhà giáo trường công lập và nhà giáo trường NCL về tôn vinh và cơ hội đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; có chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí cho sinh viên các trường NCL như sinh viên trường công lập.
Nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu, hình ảnh của các cơ sở giáo dục đại học NCL; trong đó tập trung vào các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên; chương trình, giáo trình; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ chú trọng kiểm tra, đánh giá, kiểm soát chất lượng giáo dục và đào tạo đối với tất cả các cơ sở giáo dục đại học công lập và NCL; xử lý nghiêm khắc những cơ sở giáo dục đại học vi phạm pháp luật, lợi dụng hoạt động giáo dục đại học vì mục đích vụ lợi; kiên quyết xử lý các trường không thực hiện đúng cam kết trong đề án đã được phê duyệt theo quy định của pháp luật, đặc biệt là các trường không xây dựng được cơ sở đào tạo, không đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu...
Sẽ gửi giáo viên trường tư ra nước ngoài đào tạo
Về phía Bộ GD-ĐT, sẽ khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan quy định chi tiết và hướng dẫn áp dụng cụ thể các chính sách ưu tiên, khuyến khích đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận...
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, sẽ hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng NCL trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cơ hữu bằng các nguồn học bổng, nguồn ngân sách nhà nước theo Đề án 911 và các đề án đã được phê duyệt; trong việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ đào tạo, nội dung chương trình đào tạo từ các trường tiên tiến ở trong và ngoài nước; trong cơ hội tiếp cận nguồn vốn nghiên cứu khoa học, các chương trình, đề án hợp tác nghiên cứu với nước ngoài.
Đảm bảo quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường theo đúng Luật GDĐH và quy chế tuyển sinh; xây dựng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào mềm dẻo, linh hoạt để các trường tham gia kỳ thi chung có thể tuyển được thí sinh có năng lực phù hợp với ngành nghề đào tạo của các trường.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng NCL trong công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học... của các trường để nâng cao vị thế các trường NCL trong hệ thống.
Thực hiện phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Chính phủ, không phân biệt công lập hay NCL; đảm bảo bình đẳng, công khai, khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng đào tạo giữa các trường công lập và NCL.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết 20 năm thành lập khối các trường ĐH, CĐ NCL, lãnh đạo nhiều trường cũng đã "tố" cơ quan quản lý không thực hiện đúng các văn bản ban hành; chủ trương cho vay vốn ưu đãi, giao đất sạch cho các trường NCL gặp nhiều khó khăn; Nhà nước chậm ban hành chính sách và cơ chế hỗ trợ tài chính đối với sinh viên các trường NCL... họ đang bị đối xử bất bình đẳng giữa “con đẻ - con nuôi”, con đẻ thì được mọi thứ, con nuôi không được gì. Thậm chí, đến tuyển sinh cũng bị "con đẻ" chèn ép vơ vét đến cả con tôm, con tép, "con nuôi" không còn gì... Đại diện Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thậm chí còn cho rằng, 20 năm qua có vẻ Bộ GD-ĐT coi trường tư là “đứa con ngoài giá thú”: “Con khóc thì mẹ mới cho bú, thật sự hệ thống ngoài công lập đang khóc”.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải thốt lên: "Nếu coi các trường ngoài công lập là “con nuôi”, thì tôi nghe hội nghị từ sáng đến giờ, thấy “con nuôi” đang kêu dữ quá. Không biết có phải do tâm lý "con nuôi" không, hay là đúng là chưa được đối xử như “con đẻ”?
Phó Thủ tướng Đam đã chỉ đạo các cơ quan quản lý,cần giải quyết trước những chính sách dưới luật. Văn phòng Chính phủ cần làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các vấn đề này trên tinh thần nhiều trường có thể thụ hưởng được thì làm trước. Đây là điều thiết thực với các trường NCL. Bộ GD-ĐT cùng Văn phòng Chính phủ rà soát những chính sách liên quan đến sinh viên, nếu còn những gì bất bình đẳng với SV trong quá trình học cần giải quyết ngay.
Hồng Hạnh