Hiệu trưởng ví: "Ai cũng bình luận giáo dục như bóng đá"
(Dân trí) - "Gần đây, luôn có các tranh luận về giáo dục, đến mức nhiều người nói vui: "Ai cũng có thể bình luận về giáo dục giống bình luận bóng đá".
Trên đây là nhận xét của GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) tại "Diễn đàn Hà Nội về Khoa học Giáo dục và Sư phạm" năm 2023 (HaFPES 2023), diễn ra ngày 27/10 tại Hà Nội.
"Thời tôi/con tôi đi học không như thế"
Theo GS Thanh, trong những năm gần đây hầu như tháng nào cũng có những tranh luận về các vấn đề liên quan đến giáo dục.
Từ những câu chuyện của giáo dục đại học như tự chủ, hội đồng trường, kiểm định chất lượng và tuyển sinh…, đến những vấn đề của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, như chương trình và sách giáo khoa, vị trí của môn lịch sử, kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc dạy các môn tích hợp, phương pháp đánh giá kết quả học tập ở các bậc học…
Những tranh luận này thường không đi đến thống nhất vì nhiều người tham gia chỉ đưa ra những đánh giá, nhận định dựa vào trải nghiệm cá nhân hơn là dựa vào tư duy khoa học giáo dục và các thành tựu của nó.
Những ý kiến lập luận kiểu "thời tôi/con tôi học nó không thế" khá phổ biến. Hiện trạng này phổ biến đến mức nhiều người nói vui, "ai cũng có thể bình luận về giáo dục giống bình luận bóng đá".
Thế nhưng theo chuyên gia này, để có những kết luận đúng, khoa học, những thảo luận này cần có tính thẩm quyền chuyên môn- một khái niệm rất quan trọng của truyền thông khoa học, hay nói cách khác phải được dựa trên những thảo luận khoa học nghiêm túc.
Việc phản biện chính sách với tư cách người dân chịu tác động cần phải tách bạch với phản biện của người có thẩm quyền và năng lực chuyên môn.
Do đó, diễn đàn này mong muốn tạo ra một nền tảng cho những tranh luận khoa học nghiêm túc của những người có năng lực và thẩm quyền chuyên môn.
Thiếu vắng nghiên cứu khoa học về giáo dục
Theo GS Nguyễn Quý thanh, có thể hiểu "sư phạm" nói nhiều đến "người thầy và tấm gương" gắn với dạy học, còn giáo dục nói nhiều hơn về "hiếu đạo và nuôi dưỡng, phát triển", hiện diện trong nhiều quan hệ xã hội. Do đó, khoa học giáo dục là khoa học liên ngành, liên lĩnh vực.
Giáo dục không chỉ giới hạn ở việc dạy và học trong nhà trường mà còn được xem xét như một thiết chế, một hoạt động của xã hội, diễn ra trong và ngoài nhà trường, trực tiếp và gián tiếp.
Còn sư phạm học, hay khoa học sư phạm là khoa học về phương pháp và thực hành giảng dạy trẻ em như nhà giáo.
Chính tiếp cận về giáo dục học theo nội hàm hẹp và sư phạm học như nội hàm nêu trên đã làm hạn chế phạm vi các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo về khoa học giáo dục ở Việt Nam. Điều này dẫn đến thiếu vắng nhiều nghiên cứu cơ bản về giáo dục tiếp cận từ các khoa học khác.
Sau hai năm triển khai, diễn đàn HaFPES năm nay đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ các nhà nghiên cứu giáo dục liên ngành trong nước và quốc tế.
Ngoài 4 báo cáo mời tại phiên toàn thể, có 30 báo cáo được trình bày tại 5 tiểu ban song song tập trung vào các chủ đề chính: lãnh đạo trường học trong bối cảnh chuyển đổi số, từ chính sách đến thực tiễn; khoa học sư phạm trong chuyển đổi số và giáo dục dựa trên năng lực; các xu hướng hiện đại trong đánh giá giáo dục, đánh giá năng lực, kiểm định và xếp hạng; nghiên cứu khoa học giáo dục ở Việt Nam, triển vọng và thách thức; công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, từ nghiên cứu đến ứng dụng trong giáo dục.
PGS.TS Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, diễn đàn năm nay được tổ chức tại không gian rộng lớn hơn, quy mô các nhà khoa học tham dự đông đảo hơn, chủ đề hội thảo đa dạng, phong phú và hấp dẫn hơn.
Đây là dịp để các nhà khoa học, nhà giáo, nhà quản lý và các nhà nghiên cứu trẻ có không gian học thuật rộng mở để trao đổi, chia sẻ, bày tỏ những quan điểm cá nhân về các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
"Chúng tôi hy vọng các đại biểu tham gia sẽ có những trao đổi, bình luận sâu sắc, phát triển những ý tưởng mới và phương pháp làm việc hiệu quả trong khoa học giáo dục và sư phạm", Thứ trưởng nói.