Vụ không công nhận bằng tiến sĩ, thạc sĩ:
Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM khiếu nại Cục Quản lý Chất lượng
(Dân trí) - Cho rằng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD-ĐT không công nhận bằng cấp của mình là không phù hợp, ông Trần Quang Nam - Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) cho biết đã gửi đơn khiếu nại.
Mới đây, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Quang Nam xác nhận ngày 12/12 đã có gửi đơn khiếu nại gửi Cục Quản lý Chất lượng (QLCL), Bộ GD-ĐT. Trong đơn khiếu nại, ông Nam cho biết ngày 16/8, ông có gửi hồ sơ đề nghị Cục QLCL, Bộ GD-ĐT công nhận văn bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh do Trường Business School Lausanne (BSL), Thụy Sĩ cấp ngày 19/9/2007. Tuy nhiên, trong Văn bản trả lời số 2265/QLCL-CNVB đề ngày 2/10/2018, Cục QLCL nêu 3 lý do cho rằng chưa đủ cơ sở để công nhận văn bằng tiến sĩ. Ông Nam khiếu nại cả 3 lý do.
Ông Nam cho biết lý do Cục QLCL cho rằng văn bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh của ông do Trường ĐH chuyên ngành Nam California cấp trong thời gian trường này chưa được kiểm định để làm cơ sở không công nhận văn bằng Tiến sĩ là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật. Bởi lẽ, ông học và được cấp bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh theo chương trình liên kết được chính Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo và cho phép cấp bằng (ông Nam học khóa 2 năm 2000 và được cấp bằng thạc sĩ năm 2002). Còn quyết định quy định về trình tự thủ tục công nhận văn bằng do cơ sở nước ngoài cấp do Bộ GD-ĐT ban hành ngày 20/12/2007 có sau thời điểm ông Nam được cấp bằng Thạc sĩ, không có quy định về việc áp dụng hiệu lực hồi tố. Do đó không ảnh hưởng đến tính pháp lý của các quyết định của chính Bộ GD-ĐT về việc cấp phép đào tạo và cho phép cấp bằng của Trường ĐH chuyên ngành Nam California trước đây.
Lý do thứ 2, Cục QLCL cho biết "không tìm thấy tên của BSL trong danh sách các cơ sở giáo dục đại học được công nhận (recognized higher education institutions) trên trang thông tin điện tử của Trung tâm thông tin quốc gia về công nhận văn bằng Thụy Sĩ".
Ông Nam cho biết nếu căn cứ vào thông tin trên trang thông tin điện tử https://www.swissuniversities.ch/en/highereducation-area/recognised-swiss-higher- education-institutions/, thì trang này chỉ liệt kê các cơ sở giáo dục ĐH được công nhận theo đạo luật Giáo dục đại học (HEdA) của Liên bang Thụy Sĩ. Đạo luật này mới chính thức có hiệu lực từ năm 2015. Do đó, Cục QLCL chỉ căn cứ vào thông tin này là hoàn toàn không phù hợp cho trường hợp văn bằng của ông. Hơn nữa, điều 28 của đạo luật HEdA cũng quy định rất rõ những trường hợp nào bắt buộc phải được kiểm định và công nhận chất lượng giáo dục theo quy định của đạo luật này. Phòng Chính sách giáo dục đại học - Ban Thư ký Nhà nước Liên bang Thụy Sĩ về giáo dục, nghiên cứu và đổi mới (SERI), đơn vị Cục QLCL trích dẫn, cũng khẳng định BSL không thuộc trường hợp bắt buộc phải được kiểm định chất lượng giáo dục ĐH theo đạo luật HEdA này. Trước năm 2015, Liên bang Thụy Sĩ không có quy định này và ông Nam được Trường BSL cấp bằng tiến sĩ vào tháng 9/2007.
Ông Nam minh chứng thêm, Trường Business School Lausanne đã được Tổ chức Kiểm định chất lượng các trường và các chương trình đào tạo về kinh doanh (ACBSP - Mỹ) kiểm định chất lượng BSL và trường này cũng nằm trong danh sách các cơ sở giáo dục ĐH được công nhận tại Mỹ.
Ông Nam cho biết ông đi học nghiên cứu sinh ngành Quản trị kinh doanh tại BSL theo chương trình đào tạo 300 tiến sĩ, thạc sĩ trẻ của Thành ủy, UBND TPHCM. Ông Nam khẳng định, quá trình đi học của mình có đăng ký Công dân tại cơ quan đại sứ quán của Việt Nam tại Thuỵ Sĩ và được xác nhận trong quá trình đào tạo đã chấp hành đúng quy định của Đại sứ quán đối với lưu học sinh và đạt kết quả tốt trong học tập.
Ông Trần Quang Nam (người thứ 2 từ trái qua) trong buổi lễ nhận bằng của Trường Business School Lausanne, Thụy Sĩ. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ông Nam cũng phản bác lại thông tin cho rằng ông chỉ sang Thụy Sĩ 2,5 tháng trong chương trình đào tạo tiến sĩ 3 năm của BSL. Theo ông Nam, đề tài luận án tiến sĩ của mình thuộc lĩnh vực kinh tế và đối tượng nghiên cứu là doanh nghiệp trong nước tại TPHCM.
“Đây đề cương tôi đã phải bảo vệ và được chấp thuận bởi Hội đồng các nhà khoa học của chương trình 300 khi ứng tuyển chương trình này”, ông Nam nói.
Mặc khác, ông Nam khẳng định giáo sư hướng dẫn yêu cầu gắt gao phải bám sát thực tế, thực hiện khảo sát doanh nghiệp, phân tích và đưa đề xuất vào ứng dụng, sau đó theo dõi hiệu quả của những giải pháp đã áp dụng vào thực tiễn doanh nghiệp... Vì vậy, ông phải bay qua lại giữa Thụy Sĩ và Việt Nam nhiều lần. Ông Nam cho rằng đã làm việc với giáo sư hướng dẫn toàn thời gian trong suốt quá trình làm nghiên cứu.
“Tôi là nghiên cứu sinh, không phải sinh viên và đề tài của tôi là đề tài về quản trị kinh doanh liên quan đến doanh nghiệp tại Việt Nam, không phải đề tài của ngành kỹ thuật phải thường xuyên ngồi tại phòng lab”, ông Nam nói.
Ngoài ra, ông Nam cho rằng “việc công nhận văn bằng liên quan đến quyền nhân thân của tôi nhưng Cục QLCL cung cấp các thông tin đang bị khiếu nại làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân tôi, gây dư luận vô cùng xấu trong sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học và dư luận bên ngoài cho rằng tôi mua bằng, bằng cấp giả, tiến sĩ giấy… Tôi xem xét việc yêu cầu Cục QLCL bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”.
Trước đó, cuối tháng 10/2018 ông Huỳnh Thế Cuộc, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM đã ký nghị quyết miễn nhiệm hiệu trưởng nhiệm kỳ năm 2015-2020 đối với ông Trần Quang Nam. Việc này được đưa ra vì cán bộ, giảng viên, chuyên viên và sinh viên của trường ĐH này đặt nghi ngờ về bằng cấp của ông Trần Quang Nam đồng thời đề nghị ông phải nhanh chóng minh bạch mọi thông tin liên quan các bằng cấp của mình.
Ngày 10/12/2018,Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, đã có công văn gửi Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM để thông tin việc công nhận văn bằng tiến sĩ của ông Trần Quang Nam. Đơn vị này cho biết qua kiểm tra, bằng cấp của ông Nam chưa đủ điều kiện để được công nhận theo luật định.
Lê Phương