Hiệu trưởng đại học hứa tăng thưởng Tết cho giáo viên nhân ngày 20/11
(Dân trí) - Phát biểu nhân ngày 20/11, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) có lời hứa thiết thực tới đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường: "Sẽ tăng thưởng tết Giáp Thìn cao hơn năm ngoái".
Theo GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, năm 2023 và thời gian tới, toàn trường vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, còn nhiều việc phải làm và cần quyết tâm đổi mới, cải thiện, trong đó có vấn đề về phát triển nguồn thu, tạo việc làm và chăm lo đời sống cho viên chức, người lao động.
Mặc dù vậy, nhân ngày lễ 20/11, gửi lời hứa đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ công nhân viên của nhà trường, ông cho rằng, nhà trường sẽ cố gắng cân đối, phấn đấu tiền thưởng tết Giáp Thìn tăng hơn so với dịp tết Quý Mão vừa qua.
Hiệu trưởng nhà trường cũng cảm ơn thầy cô, các cán bộ nhân viên, người lao động đã âm thầm phục vụ sự nghiệp trồng người và toàn thể học sinh, sinh viên đã chọn nơi này để theo học.
Cũng theo GS.TS Phạm Văn Điển, nghề trồng người là cao quý, nhưng cũng rất khó và áp lực. Nghề giáo là cho đi, không mong nhận lại, là thắp sáng lên nguồn sáng của học trò và của chính mình.
Cùng với lời tri ân các cựu giáo chức và đội ngũ thầy cô giáo nhân kỷ niệm ngày 20/11, hiệu trưởng nhà trường đã chia sẻ như vậy về những vinh quang và khó khăn trong nghề giáo.
Ở đó, người thầy thực sự cũng là một người trò. Thầy và trò cùng nỗ lực phấn đấu phát triển một nhà trường học tập.
Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, trong các nét đẹp đặc sắc của dân tộc Việt Nam, có nét đẹp về truyền thống, đạo lý và đạo nghĩa.
Truyền thống "hiếu học và tôn sư trọng đạo"; đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và đạo nghĩa "thầy - trò" đã hợp thành ba cạnh của tam giác văn hóa học đường, là nét đẹp văn hóa Việt Nam, xanh tươi như rừng cây đại ngàn.
Công đức của thầy cô, tình nghĩa của học trò đã đi vào nhiều điệu ví, câu hò; vào danh ngôn, ca dao, tục ngữ, vào cả trong câu hát, chạm vào trái tim, truyền cảm hứng cho xã hội, ngợi ca nghề giáo cao quý.
Nói về định hướng phát triển của nhà trường trong thời gian tới, GS.TS Phạm Văn Điển cho rằng, đột phá chính là dám thay đổi.
Thay đổi cần có định hướng và dựa trên các tiền đề được chuẩn bị chu đáo, ở đó dựa vào tam giác phát triển giữa người thầy, người học, nhà trường.
"Trong thời đại kinh tế 4.0, nhà trường sẽ từng bước sớm trở thành đại học số. Việc hội nhập quốc tế và xu thế tự chủ đại học đang đặt lên vai nhà giáo sứ mệnh, cách tiếp cận mới. Thầy cô giáo là mạch sống của nhà trường.
Vì vậy, tôi mong muốn toàn trường hãy quan tâm, đặt người thầy ở vị trí cao nhất, cả trong tư duy lẫn hành động của mỗi người", GS Điển nói.