Quảng Nam:
Hiệu trưởng trường miền núi viết "tâm thư" xin sách cho học sinh
(Dân trí) - Trong bối cảnh các đầu sách của thư viện trường vẫn còn hạn chế, hiệu trưởng một trường miền núi ở Quảng Nam viết "tâm thư" xin sách cho học trò.
Thầy Võ Đăng Chín - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam (xã Trà Nam, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) viết "tâm thư" đăng lên mạng xã hội để xin sách cũ và mới cho học sinh của trường mình.
Hiệu trưởng Chín xin sách cho học trò với mong muốn kéo các em về gần với những trang sách chứa những giá trị đẹp đẽ, hy vọng có thể gieo cho các em những mầm xanh trong tâm hồn mình, mang lại cho các em những giá trị giáo dục nhân văn từ việc đọc sách.
Theo thầy Chín, trong bối cảnh các đầu sách của thư viện trường vẫn còn hạn chế, trường tha thiết mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, chung tay đóng góp của tất cả mọi người để cùng góp phần xây dựng một "cây sách" với nhiều đầu sách phong phú hơn, đem lại nguồn tài nguyên dồi dào và đa dạng hơn cho các em học sinh trong nhà trường.
Được biết, thư viện trường có diện tích 90m2, với 2 nhà truyền thống để học sinh ngồi đọc sách. Ngoài ra, trong mỗi lớp học có một thư viện mini để các em không phải đi xa trong giờ giải lao hay ra chơi. Đây là mô hình mới được nhà trường áp dụng.
Nguồn sách từ trước đến nay đều do các mạnh thường quân hỗ trợ. Sách cũ và mới đều có; tuy nhiên nhà trường đang thiếu sách để đưa vào lớp học. "Các em rất thích đọc sách. Đối với bậc tiểu học, trên lớp, các em có một tiết đọc tại thư viện", Hiệu trưởng Chín chia sẻ.
Trong năm học 2023-2024, nhà trường có 327 học sinh, 100% là con em đồng bào Xơ Đăng, trong đó có 189 em học sinh tiểu học, 138 em học sinh cấp THCS.
"Trường có 12 phòng học, mình muốn làm một phòng đọc tại nhà truyền thống ở khu nội trú rộng hơn 60m2 nên kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ sách, vì các em ở nội trú nhiều mà không có sách cũng thiệt thòi cho các em", thầy Chín bày tỏ.
Nhà trường cần các loại sách cũ hoặc mới, truyện tranh phù hợp với lứa tuổi học sinh từ lớp 1 đến lớp 9, tất cả đều quý giá đối với các em học sinh ở miền núi.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS Trà Nam chia sẻ, mục đích của trường cũng giúp các em đam mê đọc sách, nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường; giúp các em đam mê đến trường và giải trí sau những buổi học trên lớp.
"Trường cấm các em sử dụng điện thoại thông minh, đa số các em xa nhà nên trường mong muốn sách trở thành người bạn của các em", thầy Chín bày tỏ.