Hiệu quả buổi thuyết trình dưới ánh sáng của xã hội học về ngôn ngữ

(Dân trí) -Chuyện TS Dương và bài nói chuyện gần đây được đưa lên mạng, gây tranh cãi: người thì tán thành cho đó là một phương pháp sư phạm mới, lôi cuốn, dễ hiểu... Người khác thì kết án vì những ngôn từ thiếu trang nhã, không thích hợp trong môi trường giáo dục.

Thay vì vào cuộc phê bình hay nhận xét, xin phân tích thể loại ngôn từ của TS Lê Thẩm Dương dưới ánh sáng của “kinh điển”, theo hai tác giả Basil Bernstein và Pierre Bourdieu.

 

Basil Bernstein 1924-2000, là một nhà xã hội ngôn ngữ học người Anh.
 

Sau nhiều nghiên cứu và khảo sát, năm 1971, trong “Class, codes and control” ông đưa ra lý thuyết phân biệt ngữ vựng đơn giảnngữ vựng phức tạp.

 

Ông nhận thấy rằng những người của tầng lớp giai cấp cao, trí thức, thuộc “giới thống trị” dùng ngữ vựng phức tạp  đồng thời tôn vinh loại ngữ vựng này, xem đó là chính thống, là khuôn vàng thước ngọc. Họ xem thường các cách nói khác mà Bernstein gọi là ngữ vựng giới hạn hay đơn giản.

 

Ngữ vựng phức tạp bao gồm những từ trừu tượng, những khái niệm, những điển tích mà người “phàm phu tục tử” không có khả năng dùng, tuy là họ có thể hiểu.

 

Ngữ vựng đơn giản chỉ có những từ cụ thể, dùng hàng ngày, liên hệ mật thiết tới vật chất, không có khả năng diễn đạt những khái niệm trừu tượng.

 

Ở bên ta, trong tiểu thuyết “Xóm cầu mới” của Nhất Linh, có đoạn, khi Tý, con bác Lê, bệnh, ai cũng bảo “Tý nó sốt”. Cô Mùi, con của một lương y, làm nghề bốc thuốc, tới sờ vào trán Tý và  nói “hỏa nó bốc”. Hai câu này giống y nhau, nhưng minh họa được lý thuyết của Bernstein : cô Mùi dùng ngữ vựng phức tạp vì cô có hiểu biết chút ít, trong xã hội cô ở giai cấp cao hơn bác Lê và hàng xóm. Thế là “hỏa nó bốc” được mọi người truyền mồm nhau, lập lại như một “phán lệnh”, như mẫu phải dùng trong trường hợp này. Tý không “sốt” nhưng “hỏa nó bốc” ở Tý ...

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Cho trường hợp những người nói tiếng Pháp, một nghiên cứu đã cũ (thập niên 1980) cho thấy là giai cấp thợ thuyền chỉ dùng khoảng trên dưới 800 từ thường ngày, Họ chỉ đọc những báo có thêm ảnh và hoàn toàn không có khả năng bàn chuyện triết lý. Ngữ vựng nắm vững của một người đã xong Trung học phổ thông có trên 1500 từ, họ biết dùng những cấu trúc văn phạm phức tạp và có khả năng bàn chút ít về triết lý được. Trong khi đó thì một giáo sư Đại học nhân văn thì ngữ vựng thường nhật có trên 3500 từ.... 

 

Chính vì thế, một giáo sư Đại học giỏi là một giáo sư biết rời “tháp ngà” của mình để mang hiểu biết chuyên môn ra cho phổ cập quần chúng, tránh những từ chuyên khoa và có khả năng dùng những chữ cụ thể, thậm chí có tính dân dã để tất cả mọi người đều lĩnh hội được.

 

Bernstein thêm vào là ngôn từ chính thống hay ngôn từ không chính thống là một sự áp đặt bởi giới “thống trị” chứ không dựa trên một tiêu chí khách quan nào hết.

 

Lý thuyết của Bernstein quan trọng vì khi ta đem nó vào ứng dụng, ta thấy con cái của những người dùng ngữ vựng đơn giản chỉ học được qua cha mẹ các ngôn từ này. Khi đến trường, các em sẽ thiệt thòi hơn con cái những người quen dùng ngữ vựng phức tạp.

 

Giàu về ngôn từ và khả năng tiến đến trừu tượng rất cần để học văn chương, dĩ nhiên rồi, mà cũng cần cho môn Toán và các khoa học khác.

 

Nhưng ở đây, Bernstein chưa nói đến những từ thô tục. Vì trong tiếng Pháp, ngay đến tên gọi, từ thô tục - mot familier -  là những từ chỉ dùng trong nhóm nhỏ, trong giới hạn gia đình chẳng hạn.

 

Thô khác với thanh, ngôn ngữ của nhóm nhỏ khác với ngôn ngữ của toàn xã hội. Bên Tây cũng như bên ta, luân lý bắt ta phải tự trọng và tôn trọng người khác. Ngôn là một trong tứ đức – công dung ngôn hạnh - mà người xưa đã dạy dỗ các bà và các mẹ của chúng ta. Không những chỉ ở trường học mà ngay đến trong quán cà phê - vì quán cà phê đã là một nơi công cộng -, ở trời Âu, dân tình cũng thường tránh dùng từ thô tục.

 

Pierre Bourdieu (1930-2002) một đại thụ của xã hội học Pháp, ông cũng nổi tiếng toàn cầu.

 

Với  “Ngôn ngữ của ngôn từ” (Ce que parler veut dire,  xuất bản năm 1982), Bourdieu nhấn mạnh rằng ngôn từ không những chỉ là một phương tiện để giao tiếp mà còn là công cụ của quyền lực, là biểu tượng của sự giàu có, của giai cấp thống trị. Mỗi từ có thể mang nhiều nghĩa ẫn sau đó. Những nghĩa đó nằm trong cấu trúc của xã hội, trong những liên hệ xã hội hay trong thế giới của những biểu tượng.

 

Thí  dụ với từ “giàu nghèo” ta sẽ nghĩ tới xung đột giai cấp, sự bóc lột giá trị thặng dư, tới các học thuyết của Marx hay của Weber, ...

 

Như thế, ngay đến những từ thường dùng nhất, qua trí nhớ của cả xã hội, qua lịch sử, văn hóa, những từ ấy đều có nhiều ý nghĩa trừu tượng về liên hệ xã hội đi kèm. Từ “phụ nữ” sẽ đi kèm với thế giới của gia đình, việc tề gia nội trợ, sự đàn áp của nam giới trên phụ nữ, tới nhu cầu cần đấu tranh để được bình đẳng, ...

 

Mặt khác, ngôn từ không quan trọng bằng người dùng ngôn từ vì ngôn từ có giá trị khác nhau tùy theo người nói.

 

Cùng với một nhóm chữ , “dân nhập cư” chẳng hạn, nhưng khi một nhà văn hóa bàn về dân nhập cư thì các biểu tượng “đính kèm” khác với những biểu tượng mà một nhà kinh tế có thể dẫn dắt người đối thoại suy nghĩ tới.

 

Trong đối thoại, có những người có quyền nói và có những người chỉ có quyền nghe tại vì phía sau hai vị trí này (người nói và người nghe) là cả những cấu trúc xã hội, những biểu tượng, những liên hệ quyền lực và sự phụ thuộc hay áp đặt, ...

 

Khi một bà mẹ nói “con làm gì tùy con” có thể đứa bé đã hiểu “con phải làm những gì mẹ muốn con làm” vì nếu không thì sẽ mất lòng mẹ, gây thất vọng cho mẹ, hay không được mẹ khen thưởng, ... Trong chừng mực đó, có thể bà mẹ phải “lý luận” cặn kẽ hơn với trẻ cho trẻ hiểu đủ lý do cần phải làm theo sở thích của mình, để tự tạo nhân cách, để độc lập với cha mẹ sau này, ... mà không làm mẹ phật ý.

 

Ứng dụng lý thuyết Bourdieu cho trường hợp của người đi dạy cũng thế : nhận xét rõ hoàn cảnh xã hội, vị trí của các diễn viên trong cuộc (thày, trò, trường, ...),mục tiêu và chủ đích của bài học, ... là những điều kiện cần để có thể tìm ra phương thức, nội dung và ngôn từ  thích ứng cho mỗi bài giảng.

 

Trở về trường hợp cụ thể của TS Dương?

 

Hiệu quả buổi thuyết trình dưới ánh sáng của xã hội học về ngôn ngữ
TS Lê Thẩm Dương trong buổi thuyết trình (ảnh Lao Động)

 

TS Dương có vị trí của người được mời để truyền hiểu biết, là “diển viên” duy nhất đối diện với “đám đông vô danh” (những học viên, những người ở đó để, nói một cách thái quá,  “uống lời vàng ngọc” của người thuyết trình), người duy nhất có học vị Tiến sĩ trong phòng, ... thế có nghĩa :  TS Dương là người chiếm ưu thế hay có vai trò làm chủ tình hình theo phân tích xã hội học. 

 

Trong tình thế đó, TS Dương có quyền lực. Các học viên chỉ có quyền theo dõi. Nội dung và hình thức của buổi nói chuyện hoàn toàn tùy thuộc vào TS Dương.

 

Riêng cá nhân của TS Dương, trưởng khoa, là người thực tiễn, có kinh nghiệm, ... tất cả những đặc thù ấy không ai có thể phê bình TS Dương được.

 

Buổi nói chuyện của TS Dương rất là sống động và cái sống động đó là một ưu điểm.

 

Thế nhưng, trong một liên hệ chia sẻ hiểu biết, dưới hình thức dân chủ chứ không áp đặt, ta có thể chờ đợi ở TS Dương một sự tôn trọng người đối diện lớn hơn. Khôi hài là một phương thức gây lôi cuốn nhưng cũng cần khôi hài thanh tao. Ở một giảng viên, có thể ngữ vựng cần phức tạp hơn tí nếu nói theo Bernstein mà ta vừa phân tích trên đây. Vì dù cho cử tọa rất là hài lòng, một trong những sứ mạng của giảng viên cũng là làm giàu thêm cho cử tọa (không những là làm giàu thêm về kiến thức chuyên môn mà còn là làm giàu thêm về ngôn từ nữa ) để cái OUT PUT,  lúc rời buổi nói chuyện, của cử tọa lớn và sâu hơn cái IN PUT, lúc vào buổi nói chuyện, của họ).

 

Dạy học, thuyết trình, đưa giới trẻ đến bến bờ hiểu biết cho thuận buồm xuôi gió, không bạo lực, ... là một việc khó. Người đi dạy không phải là thánh,  “nhân vô thập toàn”, nhưng trách nhiệm của người đứng trên bục giảng rất lớn. Ý thức trách nhiệm giúp ta hoàn thành tốt vai trò của mình để người đi học lĩnh hội thêm kiến thức và lĩnh hội một cách thoải mái.

 

(người đi học cũng có nhiều bổn phận nữa, nhưng đó là một đề tài khác, ở ngoài phạm vi của bài này !).  

 

Nguyễn Huỳnh Mai

Liège, Bỉ

 

LTS Dân trí - Đánh giá hiệu quả của một giờ giảng bài hay thuyết trình chủ yếu căn cứ vào hàm lượng kiến thức mà giảng viên đem lại cho học viên một cách sinh động, có sức thuyết phục và truyền cảm. Phải chăng vì đã đạt được hiệu quả này, cho nên những giờ giảng bài của TS, Lê Thẩm Dương có sức thu hút mạnh mẽ và được nhiều sinh viên hoan nghênh.

  

Tuy nhiên, cái gì cũng có giới hạn, nếu lạm dụng việc liên hệ nội dung bài giảng với chuyện đời thường một cách dung tục và dùng những ngôn từ không phù hợp lắm với môi trường giáo dục thì nên cân nhắc tùy theo đối tượng nghe thuyết trình.
 

Đấy là cảm nghĩ sau khi đọc bài viết trên đây của tác giả Nguyễn Huỳnh Mai vốn  là một giảng sư lâu năm của Đại học Liège.