Hiện tượng quái đản trong giáo dục do thầy cô ngộ nhận về quyền lực
(Dân trí) - “Việc quá đề cao vai trò của thầy dẫn đến hệ quả là một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình dẫn đến những hiện tượng quái đản thời gian qua như cô giáo không nói suốt 3 tháng, cô giáo bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng…”
GS.TS Trần Ngọc Thêm, trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM chỉ ra điều này khi phát biểu tại hội thảo bàn về Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập.
Ông Thêm cho rằng, việc quá đề cao vai trò người thầy dẫn đến hệ quả là quan niệm coi nghề giáo là nghề cao quý nhất, xung đột sâu sắc với thực tế là nghề giáo có thu nhập vào loại thấp nhất, những người "chuột chạy cùng sào" và có điểm thấp nhất thì vào sư phạm hoặc theo học ngành này vì được miễn phí… Vậy mà sau 4 năm, những giáo sinh này ra trường phải lãnh trách nhiệm trở thành mẫu hình lý tưởng cho học trò về mọi phương diện.
"Việc quá đề cao vai trò người thầy dẫn đến hệ quả là một bộ phận người thầy ngộ nhận về quyền lực của mình, dẫn đến những hiện tượng quái đản. Chẳng hạn như trường hợp cô giáo lớp 11 ở huyện Nhà Bè (TP.HCM) không nói suốt 3 tháng đứng lớp, cô giáo lớp 3 ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng… Như một phản ứng ngược lại dẫn đến sự cố học sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo ở Bến Tre, học sinh lớp 12 đâm thủng bụng thầy ở Quảng Bình, phụ huynh xông vào tát cô giáo tại lớp học ở Hải Phòng, phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối ở Long An…", ông Thêm nói.
Ông Thêm cũng chỉ ra hàng loạt hệ quả của văn hóa học đường Việt Nam, trong đó từ xưa đến nay vẫn mục tiêu đi học về cơ bản vẫn để thi đỗ lấy bằng và có được địa vị cao trong xã hội. Để đáp ứng nhu cầu nay, người thầy làm công tác quản lý giáo dục thường muốn có nhiều trò thi đỗ, điểm cao nên thầy cô thường nhồi nhét kiến thức.
“Hệ quả là bệnh thành tích tràn lan, việc dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn; học trò chịu áp lực lớn, học giỏi vẫn nhảy lầu tự tử. Bệnh giả dối cũng tràn lan với vấn nạn học giả bằng thật, tệ quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông; việc sao chép trong làm tiểu luận, viết luận văn luận án không ít ở bậc đại học và sau đại học”, ông Thêm nêu lên.
Theo GS Thêm, triết lý giáo dục, sứ mệnh giáo dục, giá trị cốt lõi, chuẩn đầu ra của giáo dục Việt Nam trên thực tế đến nay cơ bản vẫn là “con ngoan trò giỏi”. Hướng đến “ngoan” theo nghĩa “vâng lời” cho nên tư duy phản biện không được khuyến khích; hướng đến “giỏi” theo nghĩa “thuộc bài” cho nên sách giáo khoa ở mọi cấp từ phổ thông đến ĐH luôn phải được biên soạn sẵn ngắn gọn để có thể học thuộc lòng.
Theo đó, mọi đề thi từ phổ thông đến ĐH đều phải có sẵn đáp án đính kèm. Mọi sáng tạo độc đáo khác với đáp án thường bị điểm kém. Ông Thêm cho rằng, với phương pháp lấy người thầy làm trung tâm và việc học thuộc lòng đã khiến việc học ĐH ở nhiều nơi hiện nay bị xem là “phổ thông cấp 4”.
Trước những vấn đề đó, ông Trần Ngọc Thêm cho rằng, việc khắc phục những vấn đề nổi cộm của văn hóa học đường Việt Nam, cách làm cải cách giáo dục với yêu cầu toàn diện nhưng lại thực hiện kiểu cuốn chiếu như hiện nay (xây dựng chương trình phổ thông tổng thể, sửa đổi luật giáo dục…) vẫn không tránh khỏi sự chi phối của các căn bệnh chắp vá, đối phó, nóng vội.
“Ở phương Tây lấy trò làm trung tâm, để hướng dẫn thì người thầy phải hiểu rất nhiều, còn ở trên lớp học trò sẽ phát biểu mà người thầy không có sẵn giáo án, thầy và trò dân chủ ngang hàng nhau trên lớp. Trong khi chúng ta hơn một chữ mà đã đòi làm thầy, đòi đạo đức, đòi đủ thứ rất phi lý và mâu thuẫn. Do đó, phải thay đổi rất nhiều ở cách nhìn về yêu cầu đối với người thầy.
Ở các nước khác họ lấy phát triển kinh tế làm chính, các công ty cần gì thì ĐH phải cung cấp cái đó. Đó là một kiểu giáo dục dịch vụ. Vì vậy, người thầy lên lớp cũng là làm dịch vụ. Về mặt luật pháp người thầy không vi phạm gì là được rồi và đừng đòi hỏi thầy, cô là ông thánh. Thầy lên lớp là thực hiện hợp đồng giáo dục và được trả lương từ học phí của học trò. Trách nhiệm người thầy lúc này là dạy làm sao chất lượng cao nhất. Thế mới là tuyệt vời rồi”, ông Thêm chia sẻ.
Lê Phương