Hiện đại hoá từ lóng tiếng Anh: Kẻ sướng người khổ

Bên cạnh sự tăng trưởng chóng mặt về từ vựng, cấu trúc, nét nghĩa và cách sử dụng mới... các từ lóng trong tiếng Anh đang có xu thế gia tăng, vượt ngoài khả năng nắm bắt của ngay cả những người sử dụng thành thạo nhất.

Ước tính mỗi ngày có thêm 5 từ hoặc cụm từ lóng trong tiếng Anh được tạo ra để đáp ứng nhu cầu giao tiếp. Các giáo viên ngữ văn Anh trên khắp thế giới có vẻ không mấy hài lòng với xu thế này.

 

Thậm chí bản thân họ không hiểu nổi ý nghĩa của các từ ngữ đó, dù hàng ngày chúng vẫn xuất hiện, tần suất khá cao với nét tươi trẻ và hơi thở thời đại.

 

Để đối phó, các chuyên gia đang cố gắng biên soạn từ điển tiếng lóng thật đầy đủ, hi vọng giúp người sử dụng, người dạy có một bảo bối. Vào 17/11 tới đây, tác giả Jonathon Green sẽ cho ra đời cuốn “Cassell’s Dictionary of Slang” (Từ điển tiếng lóng Cassell) với không dưới 12.500 mục tra cứu.

 

Sau đó, “The New Partridge Dictionary of Slang” (Tân từ điển tiếng lóng Partridge) lần đầu tái bản có bổ sung sau 20 năm. Được các nhà từ điển nổi tiếng Tom Dalzell và Terry Victor biên tập, cuốn từ điển mới chứa tới 65.000 mục tra cứu, trong đó có hàng ngàn từ và cụm từ lóng khoảng 5 năm trở lại đây.

 

Các tác giả khẳng định tiếng lóng mới phát sinh chủ yếu có nguồn gốc từ người Mỹ da đen, nhạc hip-hop, nhạc Grime (một dạng hip-hop ở London); và do giới trẻ thích bắt chước các rapper nổi tiếng như Eminem và Goldie Looking Chain.

 

Giáo sư David Crystal của Đại học Reading, tác giả Bách khoa thư Cambridge về tiếng Anh, cho biết: “Trong gần 1/3 dân số thế giới sử dụng ngôn ngữ này, có nhiều biến thể tồn tại khắp châu lục.

 

Trước đây mọi người chỉ nói tiếng Anh-Anh, Anh-Mỹ và Anh-Úc, giờ có khoảng 70 loại, nổi bật có các biến thể Anh-ấn Độ, Anh-Pakistan, Anh-Singapore, Anh-Ghana...

 

Mỗi phiên bản mới này lại tự sáng tạo thêm vốn từ vựng. Thế nên mới có chuyện khôi hài: ngay cả một người nói tiếng Anh bản địa (sinh ra lớn lên tại Anh, Mỹ hay úc) vẫn không thể hiểu được một câu “tiếng Anh” nếu câu đó nói bằng một biến thể xa lạ.

 

Jonathon Green nhận định: “Lý do thứ 2 khiến tiếng lóng phát triển quá nhanh chính là Internet. Trước, phải mất 20 đến 30 năm, một từ lóng Anh-Mỹ mới có thể vượt Đại Tây Dương để ảnh hưởng đến tiếng Anh của người Anh. Bây giờ có khi chỉ chưa đầy 20, 30 phút sau nó đã lan toả khắp thế giới”.

 

Không chỉ giáo viên mà các bậc phụ huynh, cả cảnh sát đang rất lo lắng. Lý do: họ sẽ khó quản lý con cái và học trò bởi lẽ ngôn ngữ mà trẻ em ngày nay sử dụng hoàn toàn xa lạ với thế hệ của họ.

 

Nếu người lớn cố tình tìm hiểu tiếng lóng mà trẻ em sử dụng thì ngay lập tức chúng “bịa” ra từ ngữ mới, thế là mọi chuyện trở nên phức tạp hơn.

 

Khối lượng từ ngữ tiếng lóng trên các kênh truyền hình giải trí, các bộ phim và cả các ca khúc nổi tiếng sẽ là trở ngại lớn với họ trong quá trình truyền đạt và tiếp thu...

 

Theo Tiền Phong