Hệ lụy khi “chuột chạy cùng sào thì đành… đi dạy”
(Dân trí) - "Cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau" tốt nghiệp ĐH Kinh tế; cô giáo trong sự việc cho học sinh tát bạn 50 cái được biết cũng tốt nghiệp... một ngành nghề khác, ra trường học văn bằng 2 Sư phạm rồi "ghé" vào công việc dạy học. Sự "chắp vá", "tạm bợ" trong nghề giáo là chuyện đã được cảnh báo rất nhiều...
"Dự phòng" bằng nghề Sư phạm
Ngay khi sự việc học sinh chịu 231 cái tát ở Quảng Bình đang gây phẫn nộ dư luận thì ngay giữa thủ đô, tại Trường tiểu học Quang Trung (quận Đống Đa), cô giáo trẻ N.H.Tr cũng sử dụng hình phạt cho học sinh tát học sinh. Vụ việc đang có nhiều ý kiến nhưng theo báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội có sự việc cô giáo phạt cho học sinh tát bạn.
Theo thông tin từ phía gia đình, cô Tr. tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân, sau đó học văn bằng 2 Sư phạm (SP) và vừa chính thức đi dạy được vài tháng nay.
Trường hợp của cô Tr., nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến cô giáo N.T.M.H. trong vụ việc phạt học trò uống nước vắt giẻ lau bảng xảy ra tại Trường tiểu học An Đồng (TP Hải Phòng). Cô H. cũng là một cô giáo trẻ vừa đi dạy và cô cũng tốt nghiệp ĐH Kinh tế, ra trường đi học văn bằng 2 SP để đi dạy.
Không thể nói học ngành nghề khác, sau đó đi học văn bằng 2 SP thì không yêu nghề giáo. Nhưng nó phản ánh một thực trạng nhiều người trẻ lựa chọn học ngành nghề khác, đam mê ngành nghề khác nhưng lại xem SP như một phương án "dự phòng". Không theo đuổi được đam mê, không đủ năng lực để cạnh tranh ở những lĩnh vực khác thì... "lánh" về SP là suy nghĩ của không ít người.
Một học sinh 18 tuổi, trong một tuổi tư vấn hướng nghiệp tổ chức tại Trường THPT Trưng Vương, Q.1 đặt vấn đề: Em đam mê ngành Ngân hàng, em tin mình có thể thi đỗ. Nhưng với năng lực với tính cách của mình, em xác định mình rất khó để xin việc ở lĩnh vực cạnh tranh gay gắt như vậy.
Câu học trò quyết định vẫn chọn nghề mình yêu thích với câu hỏi: Nếu trường không xin được vào ngân hàng, em dự tính đi học văn bằng 2 SP để đi dạy được không?
Đến các buổi tư vấn hướng nghiệp sẽ thấy rất, rất nhiều học sinh cho biết, các em đành thi SP không phải vì đam mê nhưng vì nghĩ rằng năng lực khó thi đỗ vào những ngành nghề khác. Các em đến với với ngành SP như một sự bấu víu, vớt vát.
Rồi nữa, nhiều phụ huynh thúc con thi vào SP mà không quan tâm đến đam mê, khả năng của con có phù hợp hay không. Có người cho rằng con mình không lanh lợi, không nhanh nhẹn hay thậm chí lù khù không "đấu đá" nổi ở đâu thì vào SP là hợp lý nhất.
Hay câu chuyện được một giảng viên ngành SP chua chát kể về nữ thạc sĩ học chuyên ngành về Quản trị kinh doanh ở nước ngoài về theo học lớp chứng chỉ SP. Về Việt Nam nhưng thất nghiệp, không xin được việc đúng chuyên môn nên gia đình hướng con đi dạy cho... nhàn. Cô gái chấp nhận vì không xin được việc thì đi dạy chứ biết làm gì! Động cơ đến với SP của cô đơn giản là vì... thất nghiệp.
Nghề giáo bị “chắp vá”, xem nhẹ
Trước câu hỏi của học sinh nếu trường thất nghiệp, đi học văn bằng 2 SP để đi dạy, ông Huỳnh Tổ Hạp (Phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn) bảy tỏ, một khi đã xác định được đam mê, sở thích, hãy mạnh dạn theo đuổi công việc đó vì đây chính là động lực để mỗi người vượt mọi khó khăn, áp lực trong nghề.
Và ngành SP cũng vậy, điều quan trọng hàng đầu là người học phải thật sự yêu nghề, phù hợp với công việc mới có thể theo đuổi, gắn bó bằng niềm vui, hạnh phúc với nghề.
Thế nhưng, thực tế ngành SP đang có "sức hút" với những người không yêu nghề mà do hoàn cảnh đưa đẩy. Nếu trước đây, học sinh chọn học SP vì không mất học phí thì những năm gần đây, với sự "tụt dốc" đầu vào của ngành SP - 3 điểm cũng có thể đỗ - có thêm lý do để nhiều người "sa" vào SP khi không đỗ được vào ngành khác.
Không có tiền đóng học phí - thì thi SP Không có năng lực cạnh tranh - thì vào SP Thất nghiệp - học chứng chỉ SP để đi dạy... - nhiều người lựa chọn SP lựa chọn nghề giáo như "bước đường cùng" chứ không phải là "sân chơi" cho sự đam mê và tâm huyết.
Trước chúng ta hay nghe "Chuột chạy cùng sào thì vào sư phạm" thì nay có thêm tâm lý "Chuột chạy cùng sào thì đành đi dạy".
Và nghề giáo chắp vá, bị xem nhẹ, không được trân trọng ngay từ những người theo nghề, từ chính những người đứng trên bục giảng. Theo nghề không phải từ đam mê, sở thích mà do hoàn cảnh đưa đẩy chính là một trong những lý do dẫn đến những câu chuyện đau lòng trong ngành giáo dục.
Bà Phạm Thúy Hà, nguyên hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, TPHCM cho hay, việc không làm được gì thì đi dạy xuất phát từ quan niệm nghề giáo an nhàn, nhàn nhã. Nhưng đây là một quan niệm không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nghề giáo giờ phải đối diện với rất nhiều áp lực. Cũng như mọi ngành nghề, nghề giáo có đặc thù riêng, đòi hỏi người làm nghề rất nhiều tố chất, năng lực.. Người thầy phải yêu thích, phải phù hợp mới có thể tìm thấy hạnh phúc trên bục giảng.
Hoài Nam